'Báo động đỏ' tình báo thúc đẩy Mỹ làm trung gian ngừng bắn Ấn Độ - Pakistan
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang đến mức báo động giữa hai cường quốc hạt nhân Nam Á là Ấn Độ và Pakistan, Mỹ đã bất ngờ nổi lên như một bên trung gian tích cực, góp phần quan trọng vào thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một sự kiện tại Nhà Trắng ngày 8/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Kênh Geo TV (Pakistan) ngày 11/5 dẫn nguồn tin từ chính quyền Trump cho biết, "tin tức tình báo đáng báo động" về nguy cơ leo thang xung đột đã thúc đẩy Phó Tổng thống Mỹ JD Vance trực tiếp kêu gọi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiến hành các bước hạ nhiệt căng thẳng.
Thông tin từ truyền thông Mỹ cũng cho thấy sự vào cuộc của các quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, ngoài Phó Tổng thống JD Vance còn có Ngoại trưởng Marco Rubio và Chánh văn phòng Nhà Trắng Susie Wiles, trong việc theo dõi sát sao cuộc khủng hoảng. Đặc biệt, vào sáng 9/5, Mỹ được cho là đã nhận được những thông tin tình báo "đáng lo ngại" về khả năng leo thang nhanh chóng giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.
Mặc dù các chi tiết cụ thể của thông tin tình báo này không được tiết lộ do tính nhạy cảm cao, nhưng các quan chức xác nhận rằng nó đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy Mỹ tăng cường các nỗ lực ngoại giao để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện tiềm tàng. Sau khi được báo cáo về tình hình, Phó Tổng thống Vance đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Trong cuộc gọi này, theo lời các quan chức, Phó Tổng thống Vance đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc của Washington về khả năng leo thang căng thẳng cao và thúc giục Ấn Độ mở các kênh liên lạc trực tiếp với Pakistan". Vào thời điểm đó, phía Mỹ nhận thấy không có bất kỳ kênh liên lạc tích cực nào giữa New Delhi và Islamabad. Ông Vance đã phác thảo một lộ trình tiềm năng để giảm leo thang căng thẳng, một giải pháp mà theo đánh giá của Mỹ, Pakistan sẵn sàng xem xét.
Sau cuộc điện đàm quan trọng này, các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Rubio, đã bắt đầu các cuộc trao đổi điện thoại liên tục với các đối tác ở cả Ấn Độ và Pakistan trong suốt đêm. Các quan chức chính quyền Trump nhấn mạnh rằng Mỹ không trực tiếp tham gia vào việc soạn thảo thỏa thuận ngừng bắn. Thay vào đó, vai trò chính của Washington là tạo điều kiện để hai bên nối lại đàm phán. Tuy nhiên, theo quan điểm của Mỹ, cuộc gọi của Phó Tổng thống Vance tới Thủ tướng Modi là một bước ngoặt quan trọng, tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán sau đó.
Nỗ lực trung gian của Mỹ đã mang lại kết quả khi Pakistan và Ấn Độ bất ngờ nhất trí về một lệnh ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức vào ngày 10/5, sau nhiều ngày giao tranh ác liệt với sự tham gia của máy bay chiến đấu, tên lửa, thiết bị bay không người lái và pháo gây ra thương vong. Thông tin này được chính Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một cách đầy bất ngờ trên mạng xã hội Truth Social của mình: "Sau một đêm đàm phán dài do Mỹ làm trung gian, tôi vui mừng thông báo rằng Ấn Độ và Pakistan đã nhất trí ngừng bắn hoàn toàn và ngay lập tức. Xin chúc mừng cả hai quốc gia".
Chỉ vài phút sau thông báo của Tổng thống Trump, các quan chức từ Islamabad và New Delhi đã xác nhận diễn biến này. Trước đó, cuộc xung đột giữa hai quốc gia láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân dường như đang trên đà leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.