Báo động khẩn cấp hành vi gian lận trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc

Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trở thành 'giấy thông hành' để sầu riêng Việt có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Song, VINAFRUIT vừa có báo động khẩn cấp về hành vi gian lận trong xuất khẩu sầu riêng.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) vừa phát đi thông báo khẩn cấp, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.

Cụ thể, các đối tượng đã thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… để lừa đảo doanh nghiệp, qua mặt các cơ quan chức năng nhằm trục lợi, thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hành vi vi phạm nghiêm trọng này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành sầu riêng Việt Nam, làm mất niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc và quốc tế, mà còn gây thiệt hại lớn cho quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng chân chính, VINAFRUIT cảnh báo.

Bởi khi phát hiện gian lận, các cơ quan chức năng nước nhập khẩu có thể siết chặt kiểm soát đối với sầu riêng Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp do mã số bị Trung Quốc thu hồi vì vi phạm chất lượng quy định.

Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Mạnh Khương

Xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Ảnh: Mạnh Khương

Hơn nữa, hành vi gian lận cũng tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sầu riêng đúng quy định.

Chính vì vây, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để cùng nhau chống lại hành vi gian lận thương mại.

Cùng với đó, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp dễ dàng quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

VINAFRUIT đề nghị công khai danh sách các cơ sở sản xuất, đóng gói sầu riêng đạt chuẩn, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm tin cậy. Những doanh nghiệp đã vi phạm việc sao chép mã số bất hợp pháp để xuất khẩu sầu riêng cũng cần công khai với các hình thức đã xử lý…

Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp, nhà sản xuất sầu riêng hãy cùng chung tay bảo vệ uy tín của ngành hàng “tỷ đô”, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tổng sản lượng sầu riêng năm 2024 ước đạt 1,45 triệu tấn, tăng mạnh 21,2% so với năm ngoái.

Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất sầu riêng Việt Nam, chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.

Số liệu thống kê đến hết tháng 11/2024 cho thấy, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đã thu về hơn 3,13 tỷ USD, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số cao kỷ lục của ngành hàng "tỷ đô" này.

Tuy nhiên, sự gia tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu này đang đối mặt với nguy cơ bị đình trệ do những vi phạm trong thương mại.

Trước đó, ông Nguyễn Quang Hiếu – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD trong vài năm tới. Quốc gia này cũng nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh và dự kiến cũng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Song, thời gian qua một số doanh nghiệp Việt chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

“Nếu không chấn chỉnh, không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều không đáng có, chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng”, ông Hiếu chỉ rõ.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bao-dong-khan-cap-hanh-vi-gian-lan-trong-xuat-khau-sau-rieng-sang-trung-quoc-2357753.html