Báo động nạn tự tử tại thủ phủ luyện thi đại học ở Ấn Độ
Thành phố Kota, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 100 vụ tự tử của học sinh trong 10 năm qua với con số đáng báo động nhất là 26 trường hợp chỉ trong năm 2023.
"Mỗi lần có tin học sinh tử vong, chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa"
Gaurav đang trải qua năm thứ hai xa nhà, sống trong một căn phòng ký túc xá gần trung tâm luyện thi, nơi cậu học hàng giờ liên tục tại thành phố nhỏ Kota, bang Rajasthan, phía bắc Ấn Độ.
Chàng trai 19 tuổi đến từ bang Uttar Pradesh gần đó đã trượt kỳ thi tuyển sinh quốc gia để vào đại học y và không chắc có thể "vượt qua" trong lần thử sức thứ hai hay không.
"Tôi đã rất hy vọng vì tôi là người học khá nhất lớp, nhưng bây giờ tôi không biết liệu mình có đủ giỏi hay không. Có rất nhiều học sinh ở đây thông minh hơn tôi", Gaurav chia sẻ.
Kota đã trở thành trung tâm hỗ trợ học sinh trong vài thập kỷ qua, tạo dựng danh tiếng trong việc giúp các học sinh đỗ vào những trường đại học hàng đầu của bang.
Hàng năm, khoảng 200.000 học sinh, trong đó có một số chỉ mới 13 tuổi, đến thành phố để đăng ký vào trung tâm luyện thi và chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học y và kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ.
Hầu hết những học sinh này đến từ các gia đình trung lưu. Họ coi việc học tại Kota là cơ hội để vào các trường top đầu và hiện thực hóa giấc mơ làm bác sĩ hoặc kỹ sư trong thị trường việc làm cạnh tranh khốc liệt.
Tuy nhiên, thập kỷ vừa qua đã bóc trần mặt tối của nền văn hóa học thuật khắc nghiệt ở Ấn Độ, cho thấy áp lực to lớn mà học sinh phải chịu đựng trong các trường luyện thi tại Kota để cố gắng đạt được thành công.
Thành phố đã ghi nhận hơn 100 vụ tự tử của học sinh trong 10 năm qua với con số đáng báo động nhất là 26 trường hợp chỉ trong năm 2023.
"Mỗi lần có tin học sinh tử vong, chúng tôi không còn ngạc nhiên nữa. Tất cả chúng tôi đều hiểu tại sao. Chúng tôi chỉ cần cúi đầu xuống và tiếp tục học", Gaurav nói.
Cái chết được báo cáo mới nhất là của Nisha Yadav, 22 tuổi. Thi thể Nisha Yadav được tìm thấy trong phòng ký túc xá của cô ở Kota hồi cuối tháng 11.
Giống như Gaurav, Yadav chuyển từ Uttar Pradesh đến Kota khoảng 6 tháng trước để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học y. Bố cô chia sẻ với báo chí rằng ông không nghĩ cô bị căng thẳng hay áp lực trong học tập.
"Yadav đã thể hiện khá tốt. Con bé thông minh và sẵn sàng đến Kota để luyện thi vào tháng 5. Yadav cũng đã về thăm nhà 4 đến 5 lần", bố của Yadav nói.
Chỉ hai ngày trước cái chết của Yadav, một sinh viên khác là Faureed Hussain, 20 tuổi đến từ Tây Bengal, cũng được phát hiện đã chết trong phòng trọ.
Theo báo cáo của Hindustan Times hồi tháng 8, hơn một nửa số ca tử vong ở Kota năm nay liên quan đến trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi và ít nhất 12 học sinh chết vì tự tử trong vòng 6 tháng sau khi chuyển đến Kota.
Trợ lý giám đốc cảnh sát Chandrasheel Thakur - người phụ trách bộ phận học sinh cho biết, văn phòng của ông nhận được trung bình 6 cuộc gọi khẩn cấp từ học sinh qua đường dây hỗ trợ mỗi ngày và 2 hoặc 3 cuộc gọi thường có tính chất nghiêm trọng, cần được chăm sóc khẩn cấp. Những con số này có thể tăng đột biến sau khi có thêm một ca tử vong được báo cáo.
Chia sẻ với This Week in Asia, ông nói: "Chúng tôi có một đội ngũ khoảng 8 sĩ quan cảnh sát giàu kinh nghiệm, cố gắng xác định bất kỳ cảnh báo nguy hiểm hoặc triệu chứng trầm cảm nào xảy ra đối với học sinh. Chúng tôi không chỉ phối hợp, hỗ trợ cho học sinh mà còn kết nối với những người quản lý ký túc xá, chủ nhà trọ cũng như giáo viên và phụ huynh".
Sau sự gia tăng các vụ tự tử, chính quyền bang Rajasthan vào tháng 9 đã ban hành hướng dẫn yêu cầu các trung tâm luyện thi triển khai nhiều chương trình sức khỏe tâm thần và đường dây trợ hỗ trợ học sinh. Các học viện cũng phải ngừng tiếp nhận học viên dưới 14 tuổi.
Cha mẹ sẵn sàng đầu tư nếu con trở thành bác sĩ, kỹ sư
"Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, đông dân và mọi người đều thấy có rất ít cơ hội hoặc việc làm", Amit Gupta - giảng viên dạy sinh học ở Kota cho biết.
Theo giảng viên này, quan niệm cổ hủ cho rằng trở thành kỹ sư hoặc bác sĩ là cách duy nhất để có được sự đảm bảo tài chính là lý do thôi thúc các bậc phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu tác động lên con cái họ theo đuổi những lĩnh vực này.
Các trường đại học công lập ở Ấn Độ, chẳng hạn như Học viện Công nghệ Ấn Độ danh tiếng, chấp nhận tuyển sinh dựa trên bài kiểm tra đầu vào. Đây được cho là sân chơi dành cho sinh viên có các nền tảng khác nhau. Học phí tại những trường công lập này cũng được trợ cấp, mở ra con đường hợp lý hơn để trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư.
Tuy nhiên, khả năng giành được một suất học tại một trường đại học công lập là rất thấp. Năm ngoái, khoảng 2,74 triệu thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh với hy vọng giành được một trong số 64.610 suất học tại các trường đại học y và kỹ thuật hàng đầu Ấn Độ.
Bên cạnh đó, chi phí học tập ở Kota không hề rẻ. Trung bình, các trung tâm luyện thi thu phí khoảng 100.000 rupee (1.200 USD) mỗi năm, ngoài ra còn thêm cả chi phí ăn ở.
Theo Gupta, trung bình nơi ở thuộc sở hữu tư nhân có giá khoảng 15.000 rupee một tháng, con số này ngày càng tăng lên khi học sinh dành thời gian ở Kota lâu hơn, nhưng nhiều bậc cha mẹ coi đây là một khoản đầu tư nếu con họ trở thành bác sĩ hoặc kỹ sư.
Đã đến lúc thay đổi quan điểm về thành công
Theo Samir Parikh - bác sĩ tâm thần, Chủ tịch Chương trình sức khỏe tâm thần quốc gia Fortis ở Ấn Độ, môi trường học tập khắc nghiệt ở Kota có thể hữu ích đối với một số học sinh nhưng lại nguy hiểm cho nhiều người khác.
"Đặt nhóm dân số trẻ, dễ bị tổn thương này vào môi trường có tính cạnh tranh cao, nơi hầu như phải sống chung với các đối thủ cạnh tranh của mình, điều này gần giống như tình trạng nồi áp suất vậy", ông nói.
Parikh cho biết thêm, học sinh phải cạnh tranh với nhau dựa trên điểm số và số giờ dành cho việc học sẽ khiến sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng.
Tòa án Tối cao Ấn Độ nhận định, số ca tử vong ngày càng tăng ở Kota một phần lỗi cũng do các bậc cha mẹ.
"Các vụ tự tử không xảy ra vì các trung tâm luyện thi. Chúng xảy ra vì con cái không thể đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ. Số người chết có thể còn cao hơn nhiều", cơ quan này cho biết.
Giảng viên Kota Gupta cho rằng đã đến lúc các bậc cha mẹ phải thay đổi quan điểm về thành công.
"Trong hầu hết các lá thư tuyệt mệnh, chúng tôi thấy các nội dung tương tự, được viết: "Con xin lỗi bố mẹ, con không thể đáp ứng được sự mong đợi của bố mẹ".
Cha mẹ phải hiểu rằng hiện nay, với một Ấn Độ đang phát triển sẽ có nhiều cơ hội trong các lĩnh vực khác nhau. Ấn Độ hiện tại không giống như Ấn Độ của 30 hay 40 năm trước khi họ còn nhỏ. Chúng ta cần nói với con cái mình rằng có nhiều con đường khác dẫn đến thành công, không chỉ là y học và kỹ thuật", ông nói.
Nguồn: SCMP