Báo động rủi ro nhà máy điện hạt nhân Kursk giữa ác liệt chiến sự

Nguy cơ xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Kursk trở thành tâm điểm lo ngại, khi chiến sự giữa Ukraine và Nga vẫn rất ác liệt sau gần một tháng Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga.

Gần một tháng kể từ khi Ukraine bất ngờ đưa quân tràn sang lãnh thổ Nga, tấn công tỉnh Kursk, bên cạnh thông tin về tình hình chiến sự, diễn biến xoay quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk cũng trở thành tâm điểm do lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân giữa giao tranh ác liệt.

Diễn biến xung quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk

Theo kênh Al Jazeera, nhà máy điện hạt nhân Kursk, nằm cách biên giới Ukraine khoảng 100 km, là một trong ba cơ sở hạt nhân lớn nhất của Nga. Nhà máy này có bốn lò phản ứng, cùng thiết kế với những lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, nơi xảy ra thảm họa hạt nhân dân sự tồi tệ nhất thế giới vào năm 1986.

Nhà máy điện hạt nhân Kursk hiện có hai lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động là lò số 3 và số 4, mỗi lò phản ứng có công suất 1.000 MW, tạo ra 90% tổng công suất phát điện của khu vực Kursk. Nhà máy ở Kursk chỉ cách nơi xảy ra giao tranh gần đây 40 km.

 Nhà máy điện hạt nhân Kursk, tỉnh Kursk (Nga). Ảnh: TASS

Nhà máy điện hạt nhân Kursk, tỉnh Kursk (Nga). Ảnh: TASS

Mới đây, ngày 27-8, giữa căng thẳng leo thang tại Kursk, ông Rafael Grossi - Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến thăm nhà máy điện hạt nhân Kursk và cảnh báo về nguy cơ xảy ra thảm họa do nhà máy thiếu mái vòm bảo vệ khỏi các cuộc tấn công, theo hãng tin Reuters.

“Lõi lò phản ứng [tại nhà máy điện hạt nhân Kursk] chứa vật liệu hạt nhân chỉ được bảo vệ bằng một mái nhà thông thường. Điều này khiến nó cực kỳ dễ bị tổn thương và dễ vỡ trước tác động của pháo binh, máy bay không người lái (UAV) hoặc tên lửa. Đây là lý do tại sao chúng tôi tin rằng một nhà máy điện hạt nhân loại này, nằm rất gần điểm tiếp xúc quân sự, là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng ” - ông Grossi nói.

Ông Grossi đến nhà máy hạt nhân Kursk sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng lực lượng Ukraine đã cố gắng tấn công nhà máy này và yêu cầu IAEA cử các chuyên gia đến đánh giá tình hình.

Bình luận về sự việc, ông Grossi cho biết ông đã nhận được thông báo về tác động của các cuộc tấn công bằng UAV tại nhà máy và được cho xem “một số tàn tích” tại đây. Tổng giám đốc IAEA nhấn mạnh rằng mục đích chuyến thăm của ông là để thu hút sự chú ý của thế giới vào tình hình hiện nay và khẳng định rằng “về cơ bản, không bao giờ, phải hoặc nên tấn công một nhà máy điện hạt nhân theo bất kỳ cách nào”.

Nga và Ukraine gần đây liên tục đổ lỗi cho nhau về các diễn biến xung quanh nhà máy điện hạt nhân Kursk. Ngày 23-8, Nga cáo buộc Ukraine phát động cuộc tấn công trong đêm vào nhà máy và gọi vụ việc là “khủng bố hạt nhân”.

Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các đơn vị phòng không Nga đã bắn hạ 3 UAV Ukraine trong đêm. Hãng thông tấn TASS dẫn một nguồn tin giấu tên rằng một UAV đã bị bắn hạ gần cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng tại nhà máy.

Trong khi đó, Ukraine hôm 11-8 nói rằng lực lượng Nga đã đốt cháy “một lượng lớn lốp ô tô trong các tháp làm mát” tại nhà máy điện hạt nhân Kursk nhằm mục đích “gây hoảng loạn” cho người dân trong khu vực.

Hội đồng Thống đốc IAEA sẽ thảo luận về tình hình tại các nhà máy điện hạt nhân Kursk và Zaporizhia tại cuộc họp thường kỳ vào ngày 9-9, ông Mikhail Ulyanov, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), nói với tờ Kommersant.

Hậu quả nếu nhà máy điện hạt nhân Kursk bị tấn công

Các chuyên gia liên tục cảnh báo về hậu quả khôn lường nếu nhà máy điện hạt nhân Kursk trở thành tâm điểm của các hoạt động giao tranh.

 Ảnh vệ tinh Nhà máy điện hạt nhân Kursk, tỉnh Kursk (Nga) ngày 22-8. Ảnh: PLANET LABS

Ảnh vệ tinh Nhà máy điện hạt nhân Kursk, tỉnh Kursk (Nga) ngày 22-8. Ảnh: PLANET LABS

Như cảnh báo của IAEA, nhà máy điện hạt nhân Kursk thiếu mái vòm bê tông trên các khoang của lò phản ứng khiến lò phản ứng dễ bị hư hại trong các cuộc tấn công vô tình hoặc cố ý bằng tên lửa, bom và pháo binh.

Theo ông Dmitry Gorchakov, chuyên gia hạt nhân tại Trung tâm nghiên cứu môi trường Bellona (Lithuania), các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Kursk là lò phản ứng nước sôi mạch đơn.

Điều này có nghĩa là nước và hơi nước đi qua lõi lò phản ứng sẽ đi thẳng đến tua bin, không có mạch trung gian và bộ trao đổi nhiệt. Do đó, việc giảm áp suất hoặc hư hỏng bên ngoài có thể dẫn đến rò rỉ bức xạ. Rò rỉ này sẽ không lớn nhưng cũng sẽ là một sự cố phóng xạ.

Ông Gorchakov lưu ý rằng nếu có bất kỳ sự cố nào thì các lò phản ứng phải được đóng cửa và làm mát ngay lập tức để giảm nguy cơ xảy ra tai nạn hạt nhân.

Gần đây, nhiều quan điểm cho rằng Kiev muốn tiến vào nhà máy điện hạt nhân Kursk để làm điều kiện đàm phán, đổi lấy nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia (tỉnh Zaporizhia, đông nam Ukraine) mà Moscow đã kiểm soát từ sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

Ukraine chưa bình luận thông tin trên. Tuy nhiên, chuyên gia Gorchakov cho rằng bất kỳ việc kiểm soát có vũ trang nào đối với một cơ sở hạt nhân đều không thể chấp nhận được và cực kỳ nguy hiểm. “Về mặt hình thức, đây có thể được coi là hành vi khủng bố hạt nhân theo Công ước quốc tế về trấn áp các hành vi khủng bố hạt nhân” - ông Gorchakov lập luận.

Vị chuyên gia đề xuất một số giải pháp cho các cuộc chiến xung quanh cơ sở hạt nhân, bao gồm không tham gia chiến đấu trong hoặc gần khu vực có cơ sở hạt nhân, đàm phán về tình trạng của cơ sở hạt nhân, tốt nhất là dưới sự chứng kiến hoặc tham gia của các tổ chức quốc tế như IAEA.

Bên cạnh đó, cần thiết phải thực hiện nguyên tắc không chấp nhận việc kiểm soát và chiếm giữ các cơ sở hạt nhân. Cũng không chấp nhận việc biến một cơ sở hạt nhân thành một khu vực chuẩn bị cho các cuộc phản công hoặc địa điểm để cất giấu thiết bị, vũ khí và binh sĩ, theo ông Gorchakov.

Ukraine và Nga phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân như thế nào?

So với Nga, Ukraine phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng hạt nhân. Theo Al Jazeera, năm 2023, hơn một nửa (50,7%) điện năng của Ukraine được sản xuất bằng điện hạt nhân, tiếp theo là than (20,9%), thủy điện (12,3%) và khí đốt (7,8%).

Cũng trong năm 2023, 45% điện năng của Nga đến từ khí đốt và 18,4% điện năng đến từ năng lượng hạt nhân.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai. Ông Christoph Halser, nhà phân tích của tại công ty nghiên cứu năng lượng và tình báo Rystad Energy (trụ sở Na Uy) nói rằng thị phần khí đốt của Nga trong tổng lượng nhập khẩu của châu Âu đã giảm hơn một nửa từ 38% vào năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2023.

Bất chấp cuộc chiến với Nga, Ukraine vẫn cho phép khí đốt Nga tiếp tục được vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt qua lãnh thổ nước này tới châu Âu.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-dong-rui-ro-nha-may-dien-hat-nhan-kursk-giua-ac-liet-chien-su-post807324.html