Báo động tình trạng biển xâm thực
Những ngày vừa qua, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn và nước biển dâng cao đã khiến hơn 3km bờ biển chạy qua các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ của huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân tại đây.
Hiểm họa đến từ biển
Tình trạng sạt lở do biển xâm thực tại các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đang diễn ra rất nhanh và đáng báo động. Tại thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường, một số đoạn kè đê biển bị sóng biển bẻ gãy từng mảng, dọc bờ biển về phía Bắc tình trạng xâm thực vào phía trong ngày một sâu, ngay gần đó là những gốc cây phi lao hàng chục năm tuổi còn trơ lại. Mùa mưa bão đến, người dân trong thôn đều phải sẵn sàng sơ tán đến nơi an toàn.
Ông Lê Văn Minh - một ngư dân trú tại thôn Văn Phong, xã Hoằng Trường cho biết: Những năm trước, người dân mỗi khi ra biển phải đi bộ hơn nửa cây số, xuyên qua rừng phòng hộ mới tới nơi. Tuy nhiên, cũng chỉ ngần ấy thời gian trở lại đây, rừng phi lao đã từng ngày bị biển “nuốt” trọn như chưa hề tồn tại. Hiện nay, khi thủy triều lên, mép nước chỉ cách con đường bê tông ven biển từ 1-2m.
“Tình trạng sạt lở do biển xâm thực đã xảy ra trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là trong vài tháng gần đây, sóng biển dâng cao, lồng vào trong bờ kè cuốn lớp cát, đất ra ngoài. Bị rỗng chân, bờ kè chỉ có ít sắt để chống đỡ lâu ngày sụp xuống và tiếp tục lan rộng. Với tốc độ tàn phá của sóng như hiện nay, chả mấy chốc nữa, khu neo đậu bè, mảng của ngư dân sẽ bị cuốn ra biển” - ông Minh nói.
Nói về tình trạng sạt lở bờ biển tại địa phương, ông Lê Thanh Cảnh - Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cũng cho biết: Hiện tại, đoạn bờ biển thuộc thôn Văn Phong và một phần thôn Đại Trường bị xâm thực mạnh.
Sóng lớn vỗ ngày đêm đã cuốn trôi nhiều diện tích đất và cây phi lao, đe dọa đến các công trình khu du lịch. Chúng tôi đã tiến hành kiểm kê, đo đạc, cắm biển cảnh báo, ghi sổ theo dõi và báo cáo cấp trên xin hướng chỉ đạo. Nếu không có biện pháp can thiệp, gia cố, thì chẳng mấy chốc mà hàng phi lao sẽ bị cuốn trôi. Cùng với đó là tài sản, đất đai dọc bờ biển cũng bị sóng nuốt chửng.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng do nước biển xâm thực cũng đang xảy ra tại khu vực bờ biển thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Tại đây, hiện tượng sạt lở bờ biển cũng đang có diễn biến phức tạp, với chiều dài lên đến hơn 1,7km, điểm xâm thực vào bờ sâu nhất khoảng 100m.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ, khẳng định: Tình trạng nước biển xâm thực ở khu vực xã đang có diễn biến khó lường, nhất là trong đợt cao điểm của mùa mưa bão năm nay. Để ứng phó với tình trạng trên, chính quyền xã đang thực hiện các biện pháp gia cố tạm thời để hạn chế xâm lấn sâu hơn; đồng thời tổ chức căng dây, cắm biển cảnh báo, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời ứng phó với các sự cố có thể xảy ra.
Cần có giải pháp
Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, thời gian qua, khu vực bờ biển thuộc các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển. Đặc biệt, từ cuối tháng 7/2024 đến nay, do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao và ảnh hưởng của mưa, lũ do hoàn lưu bão số 2 nên hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển xảy ra rất nhanh và nguy hiểm, diễn biến rất phức tạp. Phạm vi bị sạt lở, xâm thực khoảng 25ha, trong đó điểm xâm thực vào bờ sâu nhất tại xã Hoằng Trường khoảng 30m, xã Hoằng Phụ khoảng 100m, làm mất đất sản xuất, kinh doanh của nhà nước và nhân dân.
Đáng lo ngại, hiện tượng sạt lở, xâm thực có nguy cơ ảnh hưởng đến 205 hộ/630 nhân khẩu cũng như công trình kè chống sạt lở, bảo vệ bờ biển Hải Tiến, tuyến đường giao thông nội bộ ven bờ biển và nhiều công trình khác trong khu vực.
Nói về vấn đề này, ông Lê Bá Quyết - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoằng Hóa, cho biết: Hiện nay, huyện đang cử các phòng, ban chức năng theo dõi và ghi nhận tình trạng biển xâm thực. Trước mắt cắm biển cảnh báo người dân và sử dụng các biện pháp thủ công để hạn chế xâm thực, sóng đánh vào bờ. Đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền đánh giá tính chất, mức độ ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, lập dự án để gia cố, xây dựng bờ kè đảm bảo an toàn cho khu neo đậu tàu, thuyền và các công trình của nhà nước, nhân dân.
“UBND huyện Hoằng Hóa cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp xâm thực, sạt lở bờ biển các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ để nhanh chóng triển khai các biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, du khách và các tổ chức, cá nhân trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng công trình nhằm thực hiện ngay việc khắc phục, xử lý hiện tượng xâm thực, sạt lở bờ biển nêu trên” - ông Quyết cho biết thêm.
Được biết, trước diễn biến phức tạp của tình trạng biển xâm thực tại huyện Hoằng Hóa, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã giao UBND huyện Hoằng Hóa theo dõi chặt chẽ diễn biến của sạt lở, xâm thực và báo cáo kịp thời khi có tình huống nguy hiểm xảy ra. Khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án trọng điểm phòng, chống thiên tai khu vực bờ biển ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Thanh, Hoằng Phụ, đảm bảo an toàn cho người và tài sản theo phương châm “4 tại chỗ”; Sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời các hộ dân, cơ quan bị ảnh hưởng khi có tình huống xảy ra. Huyện thực hiện các biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở, xâm thực (sử dụng rọ thép, đá hộc... gia cố hộ chân khu vực sạt lở).
Liên quan đến vấn đề sạt lở tại khu vực bờ biển, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Hoằng Hóa kiểm tra, khảo sát, đánh giá cụ thể về phạm vi, quy mô, mức độ sạt lở, xâm thực bờ biển và xác định giải pháp xử lý phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hỗ trợ kinh phí để đầu tư, triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và ổn định lâu dài cho khu vực bờ biển bị sạt lở, xâm thực.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-dong-tinh-trang-bien-xam-thuc-10288880.html