Báo động tình trạng 'độ' xe đạp điện trong thanh, thiếu niên
(ABO) Tình trạng thanh, thiếu niên "độ", "chế" xe đạp điện đang trở thành vấn đề nhức nhối, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhiều em học sinh chỉ 13 - 14 tuổi đã chi hàng chục triệu đồng để cải tạo xe, nâng tốc độ lên 80 - 100km/h, vượt xa mức cho phép.
Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm, chấm dứt tình trạng trên để đảm bảo an toàn cho chính con em mình và cộng đồng.

Công an xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo kiểm tra các trường hợp xe đạp điện vi phạm.
NGUY CƠ MẤT AN TOÀN GIAO THÔNG
Những năm gần đây, tình trạng "độ" xe đạp điện đang trở nên phổ biến trong một bộ phận thanh, thiếu niên, đặc biệt là học sinh THCS và THPT. Việc thay đổi kết cấu xe để nâng tốc độ, cải thiện diện mạo hay trang bị thêm các thiết bị mới không chỉ nhằm thể hiện cá tính mà còn mang đến cảm giác phấn khích khi di chuyển. Hành vi này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông và vi phạm các quy định của pháp luật.
Mới đây, trong tháng 3-2025, qua nguồn tin phản ánh của nhân dân và thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xử lý 4 trường hợp xe đạp điện đã qua "độ", "chế" tham gia giao thông trên địa bàn xã Thanh Bình.
Tại buổi làm việc với Công an xã Thanh Bình, 2 trong số 4 trường hợp điều khiển xe đạp điện "độ" chỉ 13 và 14 tuổi, 2 trường hợp còn lại là học sinh THPT. Quan sát thực tế phương tiện mà các em đã "độ", dễ dàng nhận thấy nhiều chi tiết không đảm bảo an toàn như: Thay đổi động cơ, nâng cấp pin, chỉnh sửa hệ thống truyền động, sơn lại xe, thay đổi kết cấu khung sườn, thay đổi hệ thống phanh xe...
Trao đổi với chúng tôi, em N., 13 tuổi, cư trú xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo cho biết, không tính giá trị xe ban đầu khi mua, riêng chi phí "độ" xe đã gần 13 triệu đồng. Còn em Đ., 14 tuổi, cư trú xã Thanh Bình cho biết tiền "độ" xe đạp điện của em gần 9 triệu đồng. Cá biệt, có trường hợp đã chi khoảng 30 triệu đồng để "độ" xe đạp điện. Hầu hết các em cho biết sau khi "độ" xe, vận tốc tối đa có thể đạt được khoảng 60 - 70 km/h, thậm chí khoảng 80 - 100 km/h. Chi phí "độ" xe đều do cha, mẹ cho.

Tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm.
CẦN CHẤM DỨT NGAY NẠN "ĐỘ" XE ĐẠP ĐIỆN TRONG HỌC SINH
Theo thông số kỹ thuật từ các nhà sản xuất cung cấp, xe đạp điện chỉ đạt vận tốc tối đa từ 25 - 35 km/h. Vì vậy, một khi xe đạp điện đã được "độ" đến vận tốc 80 - 100 km/h, phía sau tay lái là một thiếu niên 13 - 14 tuổi, kỹ năng và kinh nghiệm xử lý tình huống khẩn cấp còn hạn chế thì rất dễ mất kiểm soát khi có "bất trắc" xảy ra, hậu quả khôn lường là điều không tránh khỏi.
Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra do xe đạp điện "độ" chạy quá nhanh, đâm vào người đi đường hoặc phương tiện khác. Ngoài ra, việc thay đổi động cơ và nâng cấp pin không đúng tiêu chuẩn có thể dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống điện, gây chập, cháy, nổ pin. Đồng thời, việc thay đổi các linh kiện không phù hợp với đặc tính ban đầu sẽ làm giảm tuổi thọ của xe, dẫn đến tình trạng hỏng hóc bất ngờ khi vận hành.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, mọi hành vi thay đổi kết cấu xe không đúng với tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu là hành vi vi phạm pháp luật. Việc "độ" xe không chỉ khiến người điều khiển xe gặp nguy hiểm mà còn có thể bị xử phạt hành chính, bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, trong trường hợp gây tai nạn, người điều khiển xe "độ" còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo Phòng CSGT - Công an tỉnh Tiền Giang, việc thay đổi kết cấu xe không chỉ vi phạm quy định của pháp luật mà còn đặt chính bản thân và mọi người xung quanh vào tình thế nguy hiểm. Để ngăn chặn tình trạng này, không chỉ lực lượng Công an mà cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình và các cơ quan có liên quan vào cuộc, nhằm bảo đảm an toàn cho xã hội.