Báo động tình trạng sốc nhiệt, ngạt khí trên ô tô

Không ít tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khi nạn nhân bị sốc nhiệt, ngạt khí vì bị bỏ quên hoặc ngủ quên trong ô tô. Bài học đã cũ nhưng trẻ nhỏ vẫn trở thành nạn nhân vì sự bất cẩn, tắc trách của người lớn.

Tử vong vì bị bỏ quên, ngủ trên ô tô

Ngày 29-5, người nhà của bé T.G.H. (5 tuổi, Trường Mầm non Hồng Nhung, tỉnh Thái Bình) phát hiện bé bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường học từ sáng đến tối. Người dân hỗ trợ phá cửa xe đưa bé H. đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch nhưng bé H. tử vong trong tối cùng ngày. Sự việc xảy ra trong thời điểm tỉnh Thái Bình ghi nhận nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời cao nhất khoảng 350C.

4 năm trước, ngày 6-8-2019, một bé trai 6 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón của Trường quốc tế Gateway (Hà Nội) vào lễ khai giảng. Tài xế và người phụ trách đưa đón không kiểm tra lần cuối nên không biết bé vẫn ở trong xe, tử vong trước khi nhập viện... Đến ngày 13-9-2019, một cháu bé 3 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Ninh, được phát hiện bị bỏ quên suốt 7 giờ trên xe đưa đón của cơ sở mầm non tư thục. May mắn, xe đậu dưới gốc cây và mở hé cửa sổ, bé được đưa đi cấp cứu và hồi phục.

Sau đó, ngày 2-6-2023, ba cha con ngụ tại Hải Phòng nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, trong đó một người con tử vong. Tai nạn xảy ra khi nhà mất điện, 3 cha con lên ô tô mở máy lạnh ngủ tránh nóng. Chiếc xe nổ máy trong gara của gia đình. Sau đó, các nạn nhân lịm dần, hôn mê vì ngạt khí.

Ngày 30-5, liên quan tới vụ việc một cháu bé mầm non bị bỏ quên trên ô tô đưa đón học sinh của Trường Mầm non Hồng Nhung 2 (xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) dẫn tới tử vong, cơ quan CSĐT Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người”, đồng thời thực hiện lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phương Quỳnh Anh, giáo viên đảm nhiệm việc đưa, đón học sinh bằng ô tô của Trường Mầm non Hồng Nhung.

Cùng ngày, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cùng đại diện một số cơ quan chức năng của địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình cháu T.G.H. Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình cũng có công văn chỉ đạo chấn chỉnh công tác bảo đảm an toàn trường học, trong đó có công tác đưa đón trẻ bằng phương tiện ô tô trên địa bàn tỉnh Thái Bình; chỉ đạo Trường Mầm non Hồng Nhung 2 làm tốt công tác ổn định tâm lý cho phụ huynh, giáo viên để nhà trường hoạt động bình thường, không để ảnh hưởng đến học sinh khác.

NGUYỄN QUỐC

Hiểm họa khôn lường

Trước sự việc đau lòng tại Thái Bình, TS-BS Phạm Minh Huy, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định nhiều khả năng bé 5 tuổi rơi vào sốc nhiệt. Do xe có không gian khá rộng với trẻ nên khí oxy có thể đủ cho một đứa trẻ trong thời gian đầu. Tuy nhiên, khi đóng kín, dưới thời tiết nắng nóng ghi nhận đến 350C, ô tô xuất hiện tình trạng giống như “hiệu ứng nhà kính”, với nhiệt độ trong xe cao hơn ngoài trời 10-200C. Do vậy, trẻ có thể nhanh chóng rơi vào sốc nhiệt trong 1-2 giờ và lịm dần.

Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, trẻ nhỏ bị bỏ quên trên ô tô là tình huống cực kỳ nguy hiểm, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ có thể tử vong vì thiếu oxy, ngạt khí và sốc nhiệt. Nếu được cứu sống, trẻ đối mặt với nguy cơ di chứng não do thiếu oxy trong thời gian dài.

Ở tình huống đóng kín cửa, mở máy lạnh và ngủ quên, người lớn cũng đối mặt với nguy hiểm nếu ô tô nổ máy trong môi trường kín. “Nếu bắt buộc phải nghỉ ngơi trên ô tô và muốn mở máy lạnh, tài xế nên hé cửa sổ khoảng 10cm, đậu xe ở nơi thoáng mát, chỉ nên ngủ khoảng 30 phút”, BS Đinh Tấn Phương khuyến cáo.

ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, đề nghị phụ huynh duy trì các thói quen: Không để trẻ em hoặc thú cưng trên xe mà không có người trông nom, bất kể nhiệt độ ngoài trời cao hay thấp; luôn luôn kiểm tra lại ghế sau trước khi khóa xe, tạo thói quen nhìn lại hai lần; Khóa cửa xe khi không sử dụng để ngăn trẻ em vô tình leo vào; Cài đặt thông báo trên điện thoại để nhắc nhở bản thân kiểm tra ghế sau trước.

Bên cạnh đó, phụ huynh và nhà trường tuyệt đối cẩn trọng khi đưa đón trẻ đi học, đi chơi. Cần điểm danh đầy đủ khi trẻ lên và xuống xe, kiểm tra kỹ trên xe sau khi dừng đậu. Tài xế nên hé cửa sổ và đậu xe ở chỗ mát, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra. Đối với trẻ trên 6 tuổi, phụ huynh và giáo viên cần hướng dẫn kỹ năng khi không may gặp tình huống bị bỏ quên.

Giám sát quy trình đưa đón học sinh bằng xe

Liên quan vụ cháu bé 5 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên ô tô đưa đón học sinh (Thái Bình), ngày 30-5, bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội (ĐB) xung quanh vấn đề này.

ĐB Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Tôi cho rằng, cần thiết phải xử lý thật nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe. Hiện nay, còn có nhiều xe là hợp đồng giữa phụ huynh và tài xế, chỉ duy nhất tài xế chở học sinh đến trường, tiềm ẩn nguy hiểm, không chỉ là quên trẻ trên xe, mà an toàn trên đường đi cũng kém.

Tôi đồng tình phải có thiết kế riêng cho xe chuyên chở học sinh đi học. Ngoài tài xế phải có phụ xế, rồi nhân viên phụ trách việc đưa đón học sinh; có thể có camera, có còi báo…

ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Khi sự việc xảy ra, tôi nghĩ không chỉ là trách nhiệm những người trực tiếp liên quan mà cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục đó.

Đồng thời, bổ sung quy định liên quan về tiêu chuẩn của người được phân công đưa đón, giáo viên mầm non liên quan đến việc đưa đón học sinh.

ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Tôi rất hoan nghênh cơ quan chức năng đã ngay lập tức khởi tố vụ án. Về việc phải quy định về tiêu chuẩn xe đưa đón học sinh trong luật, tôi cho rằng đây là vấn đề mà thực tiễn đặt ra và sẽ được luật hóa trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

VĂN MINH - PHAN THẢO ghi

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-dong-tinh-trang-soc-nhiet-ngat-khi-tren-o-to-post742330.html