Báo động tỷ lệ trẻ 13-17 tuổi ở thành phố hút thuốc lá điện tử
Khảo sát mới nhất cho thấy, có khoảng 2,6% trẻ từ 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử, riêng tại Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ này lên tới 7%.
Tại hội thảo thông tin về các kiến nghị liên quan đến quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng do Bộ Y tế tổ chức ngày 28-9, các chuyên gia cảnh báo, thị trường thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ, tạo ra thế hệ nghiện thuốc mới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu như năm 2015 chỉ có 0,2% dân số sử dụng thuốc lá điện tử thì đến năm 2020, riêng lứa tuổi 13-17 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử đã chiếm 2,6%. Đặc biệt, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tỷ lệ này lên tới 7%.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, hiện nay quy mô của thị trường đối với các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) còn ít và chưa sản xuất trong nước.
Các nghiên cứu đã chứng minh, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác hại không thua kém thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có một số tác hại khác liên quan như lợi dụng hút thuốc lá để sử dụng các chế phẩm ma túy, hay tính an toàn của thuốc lá điện tử khi sử dụng gây cháy nổ…
Do đó, việc ngăn chặn sử dụng sản phẩm này ngay từ bây giờ sẽ hiệu quả hơn là cho phép thí điểm dẫn đến nguy cơ phát triển sản phẩm mới song song với thuốc lá điếu thông thường.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chính phủ kiến nghị cần có biện pháp mạnh cấm nhập khẩu, sản xuất cũng như sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam.