Báo Đức: Ba Lan cố thuyết phục NATO tung toàn lực đối phó Nga
Tờ Die Welt(DW) của Đức dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Ba Lan cho biết, Warsaw đang cố gắng thuyết phục các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn với Nga.
Bài báo viết: "Một số thành viên NATO - trong đó có Đức - dường như muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt, ngay cả khi Kiev buộc phải nhượng bộ lãnh thổ. Còn Ba Lan lại mong muốn làm suy yếu Moscow về lâu dài".
DW dẫn lời nguồn tin từ Ba Lan giấu tên nói: “Chúng tôi không tìm kiếm sự hủy diệt của nhà nước Nga, mà là sự suy yếu của Nga và đảm bảo hòa bình ở châu Âu trong ít nhất vài thập kỷ".
Theo các chuyên gia từ Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR), nhóm các nước ủng hộ việc sớm giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp hòa bình bao gồm Đức và Pháp, trong khi các nước vùng Baltic, Czech và Slovakia bằng mọi cách khao khát "chiến thắng" của Ukraine mà Ba Lan là nước đứng đầu danh sách này.
Bà Justyna Gotkowska, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu phương Đông của Ba Lan (OSW) nhận định: "Ngay cả Mỹ và Anh, mặc dù cung cấp viện trợ quân sự đáng kể cho Ukraine, nhưng còn tỏ ra ít cấp tiến hơn".
Nga hiện chưa bình luận về những thông tin trong bài báo này.
Trong khi đó, trong một bài viết cho hãng tin Bloomberg, nhà bình luận Andreas Klut cho rằng, mặc dù NATO cung cấp vũ khí tấn công công nghệ mới cho Kiev, song Ukraine không được sử dụng chúng để tấn công các vùng lãnh thổ mà phương Tây công nhận là của Nga.
The ông Klut, các nước phương Tây lựa chọn cẩn thận các mẫu vũ khí mà họ chuyển cho Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU). Điều này là do ưu tiên hàng đầu của Mỹ và các đồng minh vẫn là tránh đối đầu trực tiếp với Moscow.
Thông báo về việc chuyển cho Kiev các loại xe chiến đấu bộ binh mới, kể cả Bradley và Marder, là một sự thay đổi lớn của Mỹ, Đức và Pháp, vì các thành viên NATO trước đó đã từ chối cung cấp những phương tiện như vậy, ông Klut kết luận.
Hồi tháng 12/2-22, Nhật báo phố Wall (WSJ), dẫn lời các quan chức giấu tên, cho biết Mỹ đã điều chỉnh các hệ thống HIMARS bàn giao cho Ukraine để Kiev không thể sử dụng chúng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Theo WSJ, Nhà Trắng coi hành động này là cần thiết để giảm nguy cơ xung đột với Moscow.