Đồng hồ đang điểm với TikTok ở Mỹ

TikTok đang mắc kẹt giữa 'tình yêu' của người Mỹ với lệnh cấm của chính quyền.

Biểu tượng mạng xã hội TikTok trên màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng mạng xã hội TikTok trên màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 4 năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua và Tổng thống Joe Biden đã ký một đạo luật đặc biệt có thể sẽ cấm, ít nhất là tại Mỹ, một sản phẩm mà 170 triệu người Mỹ đang sử dụng - TikTok.

Luật này cho phép công ty truyền thông xã hội do Trung Quốc sở hữu thời hạn đến ngày 19/1/2024 phải bán cho một chủ sở hữu không phải người Trung Quốc hoặc ngừng hoạt động. Đáp lại, TikTok cho biết việc bán công ty là không thể và chính phủ Trung Quốc cũng phản đối. Nếu TikTok không thuyết phục được tòa án Mỹ hủy bỏ luật, công ty có thể phải đóng cửa tại Mỹ.

Đây thực sự là một tình huống đặc biệt. Quốc hội Mỹ không có truyền thống ban hành luật để khiến các công ty ngừng hoạt động. Hơn nữa đây không phải là một công ty bình thường. Đây là một công ty được một nửa đất nước ủng hộ (và “nghiện” - một số người sẽ nói như vậy); một công ty mà cả hai ứng cử viên tổng thống đều sử dụng nền tảng để thu hút cử tri. (Cả hai đều từng ủng hộ hành động quyết liệt chống lại công ty này nhưng phạm vi ảnh hưởng của nó lớn đến mức họ dường như cảm thấy buộc phải tận dụng)

Rõ ràng chính việc TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance đã khiến Quốc hội Mỹ thực hiện bước đi bất thường này. TikTok đã thu thập thông tin cá nhân của tất cả những người dùng người Mỹ đó. Phía Mỹ cho rằng, nếu chính phủ Trung Quốc yêu cầu chuyển giao thông tin, ByteDance sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ.

Các nhà lập pháp Mỹ lo ngại Trung Quốc sẽ sử dụng thông tin theo cách thù địch. Giới chức nước này cũng lo ngại, có nguy cơ thuật toán nổi tiếng của TikTok được điều chỉnh theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Có sự bất đồng giữa tâm lý phản đối của công chúng với lệnh cấm TikTok và cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng của quốc hội Mỹ nhằm thông qua lệnh cấm này. Ảnh: THX/TTXVN

Có sự bất đồng giữa tâm lý phản đối của công chúng với lệnh cấm TikTok và cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng của quốc hội Mỹ nhằm thông qua lệnh cấm này. Ảnh: THX/TTXVN

"Quốc hội không hành động để trừng phạt ByteDance, TikTok hay bất kỳ công ty nào khác. Quốc hội đang hành động để ngăn chặn các đối thủ nước ngoài tiến hành hoạt động gián điệp, giám sát, hoạt động bôi nhọ, gây hại cho người Mỹ dễ bị tổn thương, quân nhân nam nữ của chúng ta và nhân viên chính phủ của chúng ta", Chủ tịch Ủy ban Thương mại Thượng viện Maria Cantwell giải thích khi Thượng viện thông qua dự luật vào tháng 4 năm ngoái.

Nhưng người Mỹ dường như không muốn sự bảo vệ mà Quốc hội đưa ra. Theo Pew Research, chỉ có 32% người lớn ở Mỹ ủng hộ lệnh cấm TikTok.

Không phải là họ mềm mỏng với Trung Quốc. Theo một cuộc thăm dò khác, do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện, người Mỹ cho Trung Quốc 26 điểm trên thang điểm từ 1 đến 100, mức độ ủng hộ thấp nhất kể từ khi hội đồng này bắt đầu thăm dò vào năm 1978.

Vì thế có hai sự bất đồng ở đây. Một là bất đồng giữa mức độ lo lắng nghiêm trọng của công chúng về Trung Quốc và mức độ không lo lắng rõ ràng về TikTok. Có lẽ đó là vì đối với rất nhiều người dùng, TikTok liên quan đến văn hóa đại chúng và giải trí hơn là chính trị.

Sự khác biệt còn lại là giữa sự phản đối của công chúng đối với lệnh cấm TikTok và sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng đối với lệnh cấm này tại cả Hạ viện và Thượng viện, trong khi quan điểm của Quốc hội và công chúng vốn không quá cách xa nhau.

Tòa án tối cao Mỹ có thể đưa ra quyết định cuối cùng về tương lai của TikTok. Công ty không có cơ hội thắng thế ở đó. Các thẩm phán sẽ phải cân nhắc về an ninh quốc gia so với quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất – bởi không chỉ TikTok mà còn là quyền của hơn 100.000 “influencer” (người có tầm ảnh hưởng), kiếm sống bằng các bài đăng trên nền tảng này.

Bên cạnh đó, đối với các thương hiệu, lệnh cấm TikTok đe dọa đến công cụ đang trở thành khoản doanh thu sinh lời cao của họ. Trong những năm gần đây, các công ty đã lũ lượt đổ xô vào TikTok, một nền tảng mà việc doanh số tăng thần tốc chỉ sau một đêm không còn xa lạ. Ngay cả khi tương lai của TikTok đang gặp nguy hiểm ở Mỹ, các thương hiệu vẫn nói rằng họ vẫn chưa rời bỏ nền tảng này. Nhiều thương hiệu cũng coi TikTok là động lực quan trọng để tăng trưởng doanh số bán hàng. Cakes Body, công ty sản xuất phụ kiện thời trang dành cho nữ, đã xây dựng được một lượng người hâm mộ hùng hậu thông qua TikTok. Thương hiệu Scrunchie NightCap chứng kiến khoảng 80% doanh thu của họ đến từ TikTok...

Còn tại Trung Quốc, Facebook, X và các nền tảng truyền thông xã hội khác của Mỹ đều bị cấm ở và không có tòa án nào mà họ có thể kháng cáo ở đó.

Hiện nay, cả TikTok và Bộ Tư pháp Mỹ đều yêu cầu Tòa án liên bang đưa ra phán quyết trước ngày 6/12 để Tòa án Tối cao Mỹ xem xét kháng cáo trước khi thời hạn ngày 19/1/2025 của luật có hiệu lực.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dong-ho-dang-diem-voi-tiktok-o-my-20241113111649984.htm