Bảo dưỡng đúng cách các thiết bị điện ứng phó với mùa hè nắng nóng
Chủ động bảo dưỡng các thiết bị điện trước khi vào hè sẽ giúp gia đình bạn không rơi vào tình cảnh cháy thợ hay bị chặt chém mỗi khi vào mùa nóng cao điểm.
Bảo dưỡng điều hòa nhiệt độ
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết, thời gian bảo dưỡng điều hòa tốt nhất là cách vài tuần trước khi chính thức bước vào mùa nóng. Đây được xem là thời điểm lý tưởng bởi giá thành không cao và đội ngũ thợ cũng sẽ làm tỉ mỉ hơn do chưa đến cao điểm phải chạy sô. Muốn đảm bảo được chiếc điều hòa nhiệt độ của gia đình mình hoạt động có hiệu quả và bền nhất, hãy nên có thói quen bảo dưỡng điều hòa định kỳ.
Thời điểm hiện nay là lý tưởng nhất để kiểm tra và bảo dưỡng các máy điều hòa nhiệt độ trong gia đình. Đối với các dịch vụ bảo dưỡng chuyên nghiệp, hãy đảm bảo thợ bảo dưỡng thực hiện đầy đủ các bước kiểm tra và vệ sinh cần thiết cho cả dàn nóng và dàn lạnh, hoặc thực hiện đủ các dịch vụ đã có trong hợp đồng.
GS Nguyễn Đức Lợi cho biết, có thể tự bảo dưỡng điều hòa tại nhà bằng cách tắt hết nguồn điện cung cấp cho điều hòa, tiến hành kiểm tra cục nóng và lạnh bên trong/ ngoài nhà để đảm bảo không có vật cản nào bên trong máy (bọ hoặc côn trùng chết…). Vệ sinh lưới lọc bụi cho cả dàn nóng và lạnh theo các bước tháo mở trong sách hướng dẫn. Đôi khi điều hòa hoạt động kém hiệu quả cũng có thể bắt nguồn từ các lưới lọc bụi bị bít kín. Tháo lớp vỏ dàn lạnh, sẽ bắt gặp ngay hệ thống lưới lọc bụi, bạn dễ dàng gỡ lớp màng này ra, rũ sạch và có thể giặt phơi khô do được làm bằng nhựa hoặc loại sợi đặc biệt nên có thể chịu được nước và xà phòng.
Với dàn nóng bên ngoài cũng vậy, bên ngoài quạt và lốc máy là hệ thống lưới bảo vệ, tuy thưa những cũng nên được làm sạch thường xuyên, tránh những vật cản không mong muốn, làm giảm công suất của máy.
Cuối cùng đóng aptomat nguồn, bật máy chạy thử. Nếu phát hiện có tiếng động lạ thì cần ngắt điện để tìm rõ nguyên nhân. Nếu không thể tự giải quyết, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của thợ kỹ thuật có chuyên môn.Điều hòa sau một thời gian dài hoạt động, sẽ có những hao mòn nhất định. Vì vậy trước mỗi mùa sử dụng cao điểm, chúng nên được bảo dưỡng để đảm bảo công suất hoạt động và tránh hao phí điện năng trong quá trình sử dụng.
Bảo dưỡng điều hòa, thời gian tốt nhất là cách vài tuần trước khi chính thức bước vào mùa hè. Tại thời điểm này sẽ cho bạn hưởng nhiều lợi thế từ giá thành đến sự tận tâm, cẩn thận của thợ thi công cũng như sự chuẩn bị chu đáo cho mùa nóng, tránh được trường hợp điều hòa bị hỏng lúc nhu cầu sử dụng đang cao.
Bảo dưỡng đúng cách các loại quạt
KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự, trước khi lấy quạt điện ra sử dụng, cần gỡ lồng và cánh quạt để làm vệ sinh sạch sẽ, nhỏ luyn hoặc dầu chạy động cơ vào các đầu trục của quạt. Việc này sẽ giúp bảo dưỡng quạt tốt nhất, tránh khỏi bụi bẩn và nguy cơ bụi bám lâu ngày gây bó trục, khô động cơ khi dùng lại.
Đối với các loại quạt bàn, quạt lửng, quạt treo tường, trong quá trình hoạt động động cơ thường rất mau bám bụi. Do đó, trước khi sử dụng quạt điện, bạn nên tháo rời cánh quạt, lồng bảo vệ quạt để làm vệ sinh. Cách vệ sinh cũng rất đơn giản. Bạn hòa xà phòng với một ít nước sạch, cho cánh quạt và lồng bảo vệ quạt vào cọ rửa, sau đó rửa sạch bằng nước rồi lau khô. Bạn cũng có thể phơi khô trong nắng nhưng tránh nắng gắt vì cánh quạt làm bằng nhựa.
Trong lúc vệ sinh bảo dưỡng quạt điện bạn nên lưu ý không để nước dính vào động cơ bên trong quạt, có thể gây chập điện, gây cháy nổ. Bạn nên chấm vài giọt dầu máy may vào bạc quạt của mô tơ, quay nhẹ để dầu thấm đều vào. Bạn nên chú ý không để dầu rớt vào cuộn dây mô tơ.
Với các loại quạt đá, quạt hơi nước, trước khi không sử dụng trong thời gian dài cần kiểm tra làm sạch hộc nước, tránh để nước còn đọng trong đó sẽ gây ẩm mốc các linh kiện bên trong máy. Chú ý lau rửa lưới lọc chắn bụi phía sau quạt, màn thấm nước, xả đáy, đường ống bơm nước và các bộ phận bên trong quạt.
Bạn đừng quên kiểm tra dây điện, phích cắm xem có bị lỏng lẻo, hở dây, chuột cắn hay không. Nếu phát hiện dây điện bị đứt, công tắc tiếp xúc không tốt, nên thay ngay để tránh chập điện. Sau đó bạn cắm điện để quạt điện chạy thử khoảng 10 phút, nếu thấy quạt điện chạy êm là được.
"Không ít gia đình bắt đầu sử dụng thiết bị điện vào mùa nóng, do để lâu không dùng nên khi bật lên thường có mùi hôi mốc rất khó chịu. Đó chính là vì các bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc bám trên các chi tiết máy đã không được vệ sinh sạch sẽ. Khi mở cho máy chạy, các hạt bụi bẩn li ti sẽ cùng vi khuẩn và bào tử nấm mốc theo hơi gió bay ra làm ô nhiễm bầu không khí trong phòng. Đồng thời, để thiết bị hoạt động trong tình trạng như vậy cũng là cách làm cho máy giảm tuổi thọ nhanh hơn và tiêu tốn điện năng nhiều hơn do hiệu quả làm mát chậm", KS Nguyễn Huy Bạo nói.
KS Nguyễn Huy Bạo nhấn mạnh đến việc bảo quản thiết bị điện trong mùa nồm ẩm vì các chi tiết, linh kiện điện tử của các thiết bị điện như quạt điều khiển từ xa, điều hòa… rất dễ bị hỏng hóc vào những ngày có độ ẩm trong không khí cao. Vào những ngày này nên thi thoảng đóng điện cho các thiết bị điện trong gia đình hoạt động để sấy khô các linh kiện bên trong. Tuy nhiên, cần chú ý không đóng điện trong những ngày quá ẩm vì khi đó thiết bị lại dễ bị ảnh hưởng ngược lại.