Bao giờ cho hết yêu thương?

Con thấy không, dòng yêu thương này chảy qua bao thế hệ mà không hề thay đổi.

Con trai yêu quý,

Con cứ hay nói: Mẹ ơi con nghe rồi, mẹ nói với con cái này đã mấy lần rồi á, hoặc sao mẹ cứ nhắc mãi việc này, con nhớ rồi, con lớn rồi mà - con có còn nhỏ nữa đâu?

Con sẽ chẳng bao giờ lớn trong mắt mẹ, con trai yêu quý à, cho dù sau này con có “lớn” đến ngần nào đi nữa, trưởng thành hay thành đạt đến đâu đi chăng nữa! Không chỉ mẹ mà tất cả bà mẹ trên thế gian này đều thấy con mình luôn bé bỏng trong mắt họ, đều cần được bao bọc, yêu thương.

Bà Cố con (ngoại của mẹ) năm ấy 80 tuổi phải nằm viện phẫu thuật. Chăm nom săn sóc bà Cố là bà ngoại con và bà Tư (chị ruột của ngoại con), hai chị em lúc ấy đều là U60 - thay phiên nhau chăm sóc má mình. Sau phẫu thuật, khi tỉnh dậy và cứ mỗi lần mở mắt ra nhìn thấy bà Tư là bà Cố hỏi: Em đâu con?

- Nó ngả lưng ngủ ngoài hành lang rồi má à - bà Tư thỏ thẻ.

- Mày chạy ra ngoài thăm em, coi chừng nó mê ngủ, té lọt lan can à con.

Lọt nổi không con khi ngoại con lúc ấy gần 70 kg, mà lan can chắn ở hành lang bệnh viện là những thanh sắt không rộng quá 2 tấc!

Trong mắt của cụ già 80 tuổi, đứa con gần 60 tuổi của bà chỉ là đứa trẻ 5-6 tuổi nên có thể dễ dàng ngủ mê mà té ngã bất cứ lúc nào!

 Sách Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương? Ảnh: Q.M.

Sách Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương? Ảnh: Q.M.

Thời gian và không gian đều không tồn tại trong tình yêu của người mẹ dành cho con mình, mọi thứ tình đều có thể nhạt phai theo thời gian, duy chỉ có tình yêu của cha mẹ dành cho con cái là bất biến, không phai nhạt.

Ann G. Smolen đã viết: “Khi vợ hay chồng chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết. Nó không tồn tại trong từ vựng của chúng ta. Nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên”. Mẹ ám ảnh khi đọc câu này, nỗi ám ảnh biến thành nỗi lo sợ thấp thỏm khi con vượt xa khỏi tầm mắt mà mẹ có thể quan sát được.

Thế nên, đừng cằn nhằn, đừng cảm giác khó chịu khi mẹ cứ hay nhắc lại nào là con ơi chạy xe cẩn thận con nhé, đừng làm điều này, điều nọ... nguy hiểm lắm đó con.

Mẹ đứng ngồi không yên khi con đi học về trễ. Mẹ lo lắng cồn cào khi đi làm về mà chẳng thấy con. Mẹ lo âu khi con nói: Mẹ ơi, con hơi sốt nè mẹ... Con vui, con khỏe, con an lành là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với mẹ.

Mẹ thương ngoại con cứ mỗi tối là gọi điện thoại hỏi nào là ba, mẹ đi làm về chưa, các cháu của bà đi học về chưa, ăn cơm chưa... cứ như là điểm danh vậy. Thương ngoại, mẹ gắn camera ở nhà mình trong phòng ăn để ngoại có thể nhìn cả nhà vào buổi tối.

Thế đấy con, mẹ dù bao nhiêu tuổi đi nữa nhưng với ngoại, mẹ không khác gì cô bé! Con thấy không, dòng yêu thương này chảy qua bao thế hệ mà không hề thay đổi.

Vậy nên, con sẽ mãi là con trai bé bỏng của mẹ vì cả mẹ và con đều không thể nào thay đổi điều đó trong mẹ được.

Mẹ sẽ vẫn viết thư cho con đến tận khi nào mẹ còn sáng suốt, còn viết được.

Mẹ - cũng như bao bà mẹ khác, yêu thương con mình bằng tình yêu thương vô tận và chẳng ai có thể trả lời được câu hỏi: Bao giờ cho hết yêu thương?

Yêu con,

[ Mẹ của con ]

Vũ Minh Đức / Trần Thị Hồng An / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-gio-cho-het-yeu-thuong-post1189781.html