Bao giờ đời sống nhân dân ổn định, đơn vị mới rút quân

Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 sẽ vào hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua để giúp nhân dân khắc phục hậu quả. Đến khi nào nhân dân đã cơ bản ổn định lại cuộc sống, đơn vị mới rút quân.

Nhanh chóng cơ động vào Quảng Bình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Nhanh chóng cơ động vào Quảng Bình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 23/10, 200 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4 đã hành quân vào tỉnh Quảng Bình để giúp địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ.

Nhận được đề nghị của địa phương và yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Chỉ huy Sư đoàn 324 đã điều động Trung đoàn 1 vào Quảng Bình thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ.

Theo đó, đơn vị đã nhanh chóng tổ chức lực lượng gồm 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 8 xe ô tô và các phương tiện, trang bị hậu cần, quân y cơ động di chuyển từ 5 giờ sáng nay. Dự kiến, đơn vị sẽ có mặt tại Quảng Bình vào chiều cùng ngày.

Trung tá Nguyễn Thanh Quang, Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 cho biết: Đơn vị sẽ chia lực lượng theo hai hướng, vào hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua để giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đơn vị sẽ giúp nhân dân và chính quyền địa phương trong nhiều ngày với phương châm đến khi nhân dân đã cơ bản ổn định lại cuộc sống mới rút quân.

* Ngày 23/10, toàn tỉnh Quảng Bình còn khoảng 2.000 ngôi nhà ở các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập.

Trong đó, riêng huyện Lệ Thủy chiếm hơn một nửa số ngôi nhà bị ngập, tập trung tại các xã: Lộc Thủy, An Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy, Dương Thủy và thị trấn Kiến Giang... Đây là các địa phương vùng trũng nên nước rút chậm.

Hiện nay, nước lũ tại tỉnh Quảng Bình đang xuống nhanh, những trục đường chính tại các huyện bị ngập lụt nặng như Lệ Thủy, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn đã thông được tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt và cứu trợ, cứu nạn.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Bình vẫn còn đến hơn 34 thôn, bản bị chia cắt và cô lập. Các thôn bản này chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng sát biên giới do giao thông độc đạo lại bị chia cắt do ngập lụt hoặc sạt lở gây ra.

Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện các trục đường lớn như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 12C đã thông tuyến hoàn toàn; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chỉ còn các điểm km 16+500, Km 17, Km 81+00, Km 166+300, Km 189+300 đang tắc do ngập hoặc sạt lở ta-luy.

Quốc lộ 12A đã thông tuyến đoạn từ Km 0 đến Km 78 (thị xã Ba Đồn - Pheo, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa); riêng đoạn Khe Ve - Cha Lo (huyện Minh Hóa) đang bị tắc hoàn toàn do nền đường lún sụt với chiều dài khoảng 300 m…

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính đến 10 giờ ngày 23/10, trận lũ lịch sử này đã làm chết 9 người, làm 95 người bị thương; thiệt hại về kinh tế vẫn chưa thống kê được.

Huy động tổng lực để tập trung ứng phó mưa lũ

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa lũ, kế hoạch triển khai ứng phó bão số 8, đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã ghi nhận và đánh giá cao tính chủ động của các cấp chính quyền, người dân Quảng Bình trong công tác ứng phó với thiên tai, mưa lũ.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Cần huy động tổng lực để tập trung ứng phó hiệu quả với diễn biến mưa lũ, trong đó các lực lượng công an, bộ đội phát huy tối đa vai trò nòng cốt; kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng trọng điểm ngập lụt, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất;

Đánh giá, triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ đập; chủ động tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ kịp thời, bảo đảm không để một người dân nào bị thiếu đói, rét;

Bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng cơ động ứng cứu người dân, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo đảm an toàn cả trước, trong và sau bão lũ; chủ động phòng, chống dịch bệnh cả đối với người lẫn gia súc, gia cầm...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã lưu ý tỉnh Quảng Bình cần tập trung sử dụng mọi nguồn lực hiện có, động viên nhân dân nỗ lực đoàn kết vượt qua mọi khó khăn để sẵn sàng ứng phó hiệu quả với bão số 8.

Về một số kiến nghị của tỉnh, đồng chí Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hứa sẽ lưu ý, đồng thời đề xuất với các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ tỉnh một cách hợp lý trong thời gian sớm nhất./.

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/bao-gio-doi-song-nhan-dan-on-dinh-don-vi-moi-rut-quan/411718.vgp