Bao giờ Hà Nội thu hồi xong các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai?

Đó là câu hỏi được một số đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đặt ra trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 9.

Ngày 9/7, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ 2.

Hôm nay, Hội đồng Nhân dân Thành phố dành trọn một ngày để chất vấn các thành viên Ủy ban nhân dân Thành phố về một số nhóm vấn đề có tính thời sự, bức xúc, nổi cộm đang được đông đảo cử tri, nhân dân Thủ đô và dư luận quan tâm.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố đã chọn một số nhóm vấn đề gửi xin ý kiến đại biểu.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Qua đó, các đại biểu đều mong muốn tái chất vấn 3 nội dung đã được Hội đồng nhân dân Thành phố chất vấn, giải trình tại các Kỳ họp trước nhằm tiếp tục xem xét nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn và có những giải pháp để thúc đẩy hiệu quả.

Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội tái chất vấn 3 nhóm vấn đề nóng

Ba nhóm nội dung chất vấn, đó là:

Nhóm vấn đề thứ nhất, tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn Thành phố.

Đây là vấn đề khó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng tài nguyên đất đai của Thành phố, ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân nên nhận được rất nhiều ý kiến kiến nghị của cử tri. Vì vậy, Hội đồng nhân Thành phố tiếp tục tái chất vấn nhằm thúc đẩy thực hiện thông báo 18 của Hội đồng nhân dân Thành phố hiệu quả hơn.

Nhóm vấn đề thứ hai, liên quan đến nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố.

Đến nay, Thành phố đã triển khai Đề án này 2 năm.

Qua giám sát, mặc dù Đề án đã phát huy hiệu quả tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý phương tiện giao thông, từng bước phát triển vận tải hành khách công cộng, góp phần tạo bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại nhưng vẫn còn những nhiệm vụ cần phải thúc đẩy nhanh hơn.

Vì vậy, sau 2 năm thực hiện Đề án thì việc chất vấn đề tìm ra giải pháp giải quyết những vấn đề bất cập là cần thiết.

Nhóm vấn đề thứ ba, liên quan đến nội dung công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Đây là nội dung được đặc biệt quan tâm.

Thực trạng tình hình cháy nổ vẫn tiềm ẩn phức tạp, tuy giảm về số vụ nhưng vẫn xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Việc chất vấn để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng cháy chữa cháy là điều cần thiết.

Đại biểu Vũ Ngọc Anh chất vấn. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị

Đại biểu Vũ Ngọc Anh chất vấn. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị

Bao giờ thu hồi xong các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai?

Đại biểu Vũ Ngọc Anh - tổ Nam Từ Liêm đặt câu hỏi về việc, triển khai kết luận của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tại phiên giải trình tháng 8/2018, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành kế hoạch số 173 ngày 5/9/2018 chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành, quận huyện liên quan khẩn trương rà soát, dừng triển khai và chấm dứt hoạt động 47 dự án vi phạm.

Đến nay, theo báo cáo của 2 Sở cho thấy, đã dừng được 40/47 dự án, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt được 33/39 dự án thuộc trách nhiệm của Sở. Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi được 7/8 dự án thuộc trách nhiệm của Sở.

Như vậy, còn 7 dự án chưa thực hiện thu hồi đất và thu hồi dự án, trong đó có 1 dự án được điều chỉnh kế hoạch để tiếp tục triển khai, tức là đến thời điểm tháng 6/2019 còn 6 dự án chưa thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Đề nghị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân và bao giờ thực hiện xong việc dừng thực hiện đối với các dự án còn lại này?

Đại biểu Trần Vân Hoa - tổ Tây Hồ chất vấn, qua giám sát, có 38/78 dự án vi phạm đất có quyết định thu hồi đất với diện tích 990,4 ha.

Đến nay, còn 18 dự án chưa được thu hồi trên thực địa. Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kế hoạch xử lý của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với 18 dự án này thế nào? Bao giờ mới thu hồi? Lý do gì và rào cản nào khiến cho quyết định của Thành phố không có hiệu lực? Phương án để giải quyết?

Trả lời chất vấn của đại biểu Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tại báo cáo giải trình của Ủy ban nhân dân Thành phố, trên cơ sở thông báo số 18 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Thành phố đã ban hành kế hoạch, giao rõ trách nhiệm cho các sở ngành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ rà soát lại 47 dự án mà Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố có chỉ đạo giải trình. Trong đó, có 8 dự án nhà ở thuộc địa bàn huyện Mê Linh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì; còn 39 dự án giao Sở rà soát và tham mưu, xử lý.

Trong 39 dự án, đến nay, có 33 dự án, Sở đã cùng các ngành, địa phương rà soát, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố có hướng xử lý.

“Qua quá trình rà soát, có dự án có tính pháp lý chưa đủ, một số sở ngành, địa phương chưa chủ động, nhiều chủ đầu tư chây ì, chưa nghiêm túc thực hiện, không báo cáo.

Việc xử lý chậm tiến độ phải thực hiện đúng trình tự, xác định đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan.

Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn do kéo dài, thay đổi chính sát đất đai, quy hoạch, chính sách giải phóng mặt bằng.

Vì vậy, để chấm dứt hoạt động của dự án, cũng cần phải cân nhắc, đối chiếu sai phạm, phù hợp quy định pháp luật để có cơ sở thu hồi, bởi một số dự án đang trong quá trình thanh tra, chờ kết luận thanh tra, có dự án chờ điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên vẫn phải chờ kết quả cuối cùng”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Vân Hoa, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, về 18 dự án vi phạm mà Thành phố đã có quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013, các chủ đầu tư vi phạm việc bồi thường hỗ trợ theo quy định khi nhà nước thu hồi đất.

Khi rà soát lại cho thấy, các trường họp này chậm thực hiện giải phóng mặt bằng, các tổ chức không phối hợp, không kê khai kiểm đếm đo vẽ để Hội đồng giải phóng mặt bằng quận huyện tiến hành giải phóng mặt bằng, không cung cấp tài liệu, không bàn giao nhà xưởng…

“Sở kiến nghị các quận huyện tổ chức giải phóng mặt bằng với 18 dự án này, nếu chủ đầu tư không phối hợp thì tổ chức cưỡng chế theo quy định”, ông Đông nói.

Ngay sau khi phần trả lời của ông Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị nêu tên các quận huyện có các dự án chưa thu hồi trên thực địa.

Ông Đông có nêu 3 quận huyện là Hoài Đức, Ba Đình, Phú Xuyên. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố yêu cầu lãnh đạo 3 địa phương trên giải trình.

Đáng chú ý, lãnh đạo Hoài Đức nói huyện không có dự án nào. Quận Ba Đình trình bày về 2 dự án nhưng cũng không rõ có nằm trong danh sách 18 dự án lãnh đạo Sở Tài Nguyên nêu không.

Phó Chủ tịch huyện Phú Xuyên báo cáo 3 dự án trên địa bàn Huyện đang chờ hướng dẫn, kết luận.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố yêu cầu các bên liên quan làm rõ, chỉ cụ thể dự án thuộc trách nhiệm của quận, huyện nào.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/bao-gio-ha-noi-thu-hoi-xong-cac-du-an-cham-trien-khai-vi-pham-luat-dat-dai-post200250.gd