Bao giờ hết 'bẻ kèo, ép giá' trong ngành lúa gạo ĐBSCL?
Thị trường lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sụt giảm mạnh khiến tình trạng 'bẻ kèo' hoặc ép nông dân giảm giá diễn ra khắp nơi. Điều này cho thấy ngành hàng lúa gạo vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Vậy câu hỏi được đặt ra là cách nào để ổn định thị trường cho ngành hàng chủ lực này của ĐBSCL hay không?
Khu vực ĐBSCL hiện đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân 2023-2024, khiến nguồn cung gia tăng trong khi nhu cầu thị trường đi xuống, làm những bất ổn trong ngành hàng này lộ diện…
Nông dân bị động khi ở “kèo dưới”
Trao đổi với KTSG Online, ông Phạm Văn Em, ngụ xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang- địa phương đang vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân 2023-2024- cho biết, mùng 6 Tết vừa qua, ông hợp đồng lấy tiền cọc từ thương lái cho giống OM 380 với giá 170.000 đồng/giạ, tương đương 8.500 đồng/kg. Thế nhưng, khi đến thời điểm thu hoạch, thương lái yêu cầu giảm giá còn 150.000 đồng/giạ, tương đương 7.500 đồng/kg mới mua, còn không bỏ số tiền đã đặt cọc trước đó (2 triệu đồng/héc ta). “Nhưng chưa biết đến khi cân lúa họ còn giảm nữa không”, ông nói
Ông Hồ Văn Chính, ngụ ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, hợp đồng bán 8.500 đồng/kg, nhưng bị yêu cầu giảm xuống 7.500 đồng/kg. “Lẽ ra đã cắt 3 ngày nay rồi, nhưng lái không chịu cắt, đòi giảm xuống còn không nếu bỏ cọc”, ông nói và cho biết, việc thu hoạch chậm trễ khiến nông dân bị thiệt hại, lúa vừa bị đổ ngã tăng tiền cắt, vừa bị hao hụt do quá khô.
Trong khi đó, bà Bùi Thị Hường, ngụ xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, thương lái yêu cầu giảm xuống chỉ còn 7.300 đồng/kg, tức giảm 1.100 đồng/kg so với mức giá được hợp đồng nhận cọc với thương lái trước đó.
Thậm chí, lúa đài thơm 8 trước đó thương lái đặt cọc 9.000 đồng/kg, nhưng đến thời điểm thu hoạch yêu cầu giảm xuống còn 8.000 đồng/kg mới đồng ý thu mua. “Lúa cắt xong, đến khi cân, thương lái yêu cầu giảm xuống còn 7.000 đồng/kg. Điều này khiến nhiều người bức xúc và phản ứng mạnh”, bà Hường nói.
Tuy nhiên, theo bà Hường phản ứng ra sao thì cũng đành chấp nhận theo yêu cầu của thương lái vì không còn đường nào khác. “Bắt buộc phải bán, chứ mình đâu có phương án khác khi không có ghe hay nhân công để chở về để phơi sấy”, bà nói.
Trong khi đó, về phía cò lái mua lúa thì cho rằng vì giá gạo sụt giảm quá mạnh trong những ngày qua, cho nên, họ mới “bẻ kèo”, yêu cầu nông dân giảm giá để chia sẻ rủi ro thua lỗ.
Trao đổi với KTSG Online, ông Lương Quốc Bảo, một cò gạo (kết nối giữa thương lái với các nhà kho mua gạo) ở cụm công nghiệp An Thạnh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, thương lái đặt cọc 9.000-10.000 đồng/kg, nhưng đến ngày lấy, giá lúa giảm 1.500-2.000 đồng/kg nên phải bỏ cọc hoặc thương lượng yêu cầu nông dân giảm giá bán so với mức giá đã hợp đồng.
Theo ông Bảo, thậm chí khi nông dân đã đồng ý giảm giá bán theo yêu cầu của thương lái, nhưng vẫn bị lỗ vì khi lúa đem về phơi sấy, xay xát đến khi bán (bán gạo) giá tiếp tục bị sụt giảm. “Đàm phán được nông dân giảm giá, nhưng khi xay xát đem bán, giá giảm thêm 500-700 đồng/kg, thì cũng không thể lời”, ông giải thích và dẫn chứng, từ thời điểm sau Tết Nguyên đán đến nay giá gạo đã giảm trên dưới 2.000 đồng/kg.
Một thương lái trực tiếp mua lúa của nông dân (xin không nêu tên) phân tích, nếu họ thực hiện đúng theo cam kết, tức không yêu cầu nông dân giảm giá sẽ chịu mức lỗ gấp nhiều lần so với việc họ “bẻ kèo” bỏ cọc hoặc thương lượng để nông dân giảm giá.
“Đặt cọc 200.000 đồng/công (tương đương 2 triệu đồng/héc ta), nếu “bẻ kèo” bỏ cọc mình lỗ 2 triệu đồng/héc ta, nhưng nếu thực hiện đúng cam kết thì lỗ ít nhất 14 triệu đồng/héc ta”, vị này cho biết và giải thích, giá lúa hiện nay giảm 2.000 đồng/kg so với thời điểm đặt tiền cọc hay nói cách khác nếu giữ đúng cam kết thì giá mua cao hơn hiện tại 2.000 đồng/kg, trong khi năng suất lúa hiện đạt khoảng 6,5 tấn/héc ta (700 kg/héc ta), tức lỗ 14 triệu đồng/héc ta.
Rõ ràng, với mức lỗ nặng như trên nên việc thương lái yêu cầu nông dân giảm giá hoặc chấp nhận bỏ cọc, chịu mức lỗ thấp nhất có thể cũng là điều dễ hiểu…
Nhà nước có nên xây kho, điều tiết thị trường?
Đứng trước bối cảnh thị trường lúa gạo giảm mạnh như nêu trên, việc đầu tư kho và mua dự trữ điều tiết thị trường trong những thời điểm giống như hiện nay là vấn đề được đặt ra.
Trao đổi với KTSG Online, TS Lê Văn Bảnh, Nguyên viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, vấn đề cơ bản đối với ngành lúa gạo ĐBSCL là cần có kho dự trữ để điều tiết thị trường giống nhu cách Thái Lan triển khai nhiều năm qua. Đúng ra phải thực hiện như vậy mới hạn chế được rủi ro mùa vụ và thương thảo hợp đồng.
Theo ông Bảnh, xuất khẩu gạo Việt Nam hiện vẫn “rộng” đầu ra. Tuy nhiên khi lúa thu hoạch đồng loạt lượng hàng cung ứng ra thị trường cùng lúc quá lớn, khiến giá giảm nên tình trạng “bẻ kèo” xảy ra khắp nơi. Đây không phải là chuyện mới, mà nó đã tồn tại nhiều năm qua trong ngành hàng lúa gạo.
“Nhà nước phải đứng ra đảm nhận vai trò này. Phải có sự sắp xếp, nếu không điệp khúc “trúng mùa mất giá” chắc chắn còn diễn ra. Việc này ở Thái Lan họ xử lý bình tĩnh, làm bình thường, trong khi mình lúc rộ lên lại lúng túng. Chung quy lại, vẫn cần có kho dự trữ để điều tiết khi thị trường sụt giảm”, ông Bảnh cho hay.
Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV lại có quan điểm ngược lại khi cho rằng, không cần thiết phải xây dựng kho dự trữ. Bởi lẽ, giá lúa gạo thời gian qua quá cao nên chuyện sụt giảm như hiện nay cũng là điều… bình thường.
“Vấn đề ai cũng muốn giá cao, nhưng thật sự giá gạo trong nước thời gian qua rất cao so với các quốc gia khác, cho nên, sụt giảm là chuyện tất nhiên. Việc xây dựng kho dự trữ như cách thức Thái Lan triển khai sẽ không hiệu quả với bối cảnh Việt Nam, thậm chí khả năng còn phát sinh tiêu cực”, ông Thành nhận định.
Trong khi đó, việc yêu cầu doanh nghiệp “chung tay” tham gia cũng khó khả thi, bởi doanh nghiệp ngành gạo đa phần chỉ xuất khẩu ăn chênh lệch đầu tấn. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ căn cứ vào giá xuất khẩu ký kết, họ sẽ thực hiện thu gom nguồn gạo trong nước phục vụ xuất khẩu đảm bảo có được một khoản lợi nhuận nhất định.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL thừa nhận, để dự trữ ngoài việc phải đầu tư hạ tầng kho chứa, thì cần phải có nguồn vốn lớn trong khi nguồn lực phụ thuộc ngân hàng. Do đó, doanh nghiệp chắc chắn sẽ không dự trữ lâu dài, mà thực hiện “mua nhanh, bán nhanh” nhằm đảm bảo lợi nhuận và bán được khối lượng nhiều.
Thực tế, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo quy định thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Tuy nhiên quy định này không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.
Thậm chí, theo thừa nhận của ông Thành, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang trông chờ giá gạo giảm xuống mới mua.Bài toán với ngành hàng lúa gạo Việt Nam là rất khó khăn, nhưng muốn ổn định, theo ông Thành, không còn cách nào khác phải liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân/hợp tác xã.
“Nhà nước nên có bộ phận để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nông dân trong xây dựng hợp đồng liên kết và bao tiêu, trong đó, bên nào vi phạm phải bị chế tài nặng mới mong tránh được tình trạng lộn xộn như hiện nay”, ông cho biết.
Ông Thành cũng đề xuất nên có chính sách, vùng nguyên liệu của doanh nghiệp nào, thì chỉ doanh nghiệp đó thu mua, đơn vị khác không được vào mua gây xáo trộn thị trường. “Ở Hà Lan hay Israel chúng tôi đi học tập, thì ở đây nông dân làm ra chỉ bán cho một nhà môi giới và nhà môi giới đó bán cho một doanh nghiệp thôi, doanh nghiệp khác không vô mua được”, ông cho biết.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-gio-het-be-keo-ep-gia-trong-nganh-lua-gao-dbscl/