Bao giờ hết cảnh chật vật chờ khám bệnh từ 3h sáng ở TP.HCM

Các bệnh viện có lượng bệnh nhân lớn đều triển khai nhiều biện pháp để giảm tải, trong đó mở cửa lấy số sớm và ứng dụng công nghệ là biện pháp tối ưu.

Đến TP.HCM sau 3 giờ ngồi xe khách, ông Trần Văn Việt (62 tuổi) và con trai ngáp ngắn ngáp dài trong lúc ngồi đợi lấy số ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Đồng hồ lúc này chỉ mới điểm 4h15 sáng.

Đều đặn 20 năm qua, cứ mỗi tháng, ông Việt lại cùng con bắt xe từ Đồng Tháp đến TP.HCM tái khám tiểu đường, bệnh tim và phổi.

"Mỗi lần đi khám, tôi gần như xuyên đêm vì đón xe lúc 1h sáng. Lúc lên xe, tranh thủ chợp mắt được lúc nào hay lúc đó. Tuy có cực, bù lại đi khám sớm thì tiết kiệm thời gian, có kết quả xét nghiệm sớm và về trong ngày, đỡ chi phí ăn ở", ông Việt chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Cũng giống như ông Việt, mỗi ngày, có hàng nghìn bệnh nhân ngoại tỉnh đến các bệnh viện lớn ở TP.HCM khi đồng hồ vừa điểm sang ngày mới, xếp hàng để lấy số khám bệnh.

Hiểu được nỗi khó khăn, mệt mỏi của người bệnh, các bệnh viện quá tải ở TP.HCM cũng nỗ lực tìm mọi cách để khắc phục. Tuy nhiên, giải quyết được tình trạng này trong một sớm một chiều là điều không dễ.

Nhiều bệnh viện quá tải

Mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận trung bình 5.500-6.000 lượt khám. Trong đó, 80% bệnh nhân đến từ các tỉnh khác, thậm chí Campuchia. Họ phải bắt xe khách di chuyển xuyên đêm để đến được bệnh viện và bốc số từ 2-3h sáng

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, dù đã triển khai hệ thống đăng ký khám theo khung giờ, nhiều người bệnh và thân nhân vẫn theo thói quen đến sớm xếp hàng lấy số, một phần vì tâm lý muốn khám sớm, phụ thuộc lịch trình xe di chuyển hay phải nhịn ăn để làm xét nghiệm.

"Từ 4h đến 6h sáng, bệnh viện phát ra khoảng 1.200-1.300 phiếu khám bệnh. Vì vậy, khung giờ khám buổi sáng là thời điểm tập trung nhiều bệnh nhân nhất", bác sĩ Việt chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ chuyên khoa II Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, chia sẻ tình trạng quá tải đã và đang xảy ra tại đơn vị này.

Mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận gần 8.000 lượt khám bệnh ngoại trú, 150-180 lượt cấp cứu. Ở cơ sở 1, bệnh viện có 80 phòng khám, hoạt động từ sáng đến chiều.

“Tình trạng quá tải là áp lực không chỉ đối với bệnh viện mà còn với đội ngũ y tế, các bác sĩ của bệnh viện đa số là giảng viên của Đại học Y Dược TP.HCM. Ngoài công việc khám chữa bệnh, họ còn có sứ mệnh giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học”, bác sĩ Tùng nói.

Theo bác sĩ Tùng, có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến cuối bị quá tải, trong đó trang thiết bị của các cơ sở tuyến dưới chưa được đồng đều, tối ưu là yếu tố quan trọng. Đồng thời nguồn nhân sự, đội ngũ chuyên môn ở tuyến dưới vừa thiếu, chưa đạt chuẩn, chưa đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Do đó, những người bệnh nặng, có bệnh nền có xu hướng chuyển lên tuyến trên.

 Bệnh nhân xếp hàng dài trước quầy đăng ký khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, lúc 4h sáng. Ảnh: Duy Hiệu.

Bệnh nhân xếp hàng dài trước quầy đăng ký khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, lúc 4h sáng. Ảnh: Duy Hiệu.

Trong khi đó, là trung tâm điều trị chuyên sâu về ung bướu nên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, bệnh viện này tiếp nhận 4.700-4.800 lượt khám bệnh, trong đó 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Bệnh viện luôn trong tình trạng đông đúc, nên người dân phải xếp hàng từ 3-4h sáng để lấy số khám bệnh. Thậm chí, có người đứng trước cổng bệnh viện từ 2h30 sáng.

Bệnh viện xoay sở nhiều cách

Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, cho hay mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 4.500 bệnh nhi, 50% là trẻ ở tỉnh.

Để giải quyết tình trạng quá tải, đơn vị này đã tổ chức các phòng khám tiếp nhận bệnh nhân 24/24. Kể cả giờ nghỉ trưa, các bác sĩ vẫn thay phiên làm việc tại 10 phòng khám.

Ngoài giờ làm việc, bệnh viện tiếp tục mở 12 phòng khám vào khung 16h-20h; 3 phòng khám vào khung 20-22h và 22h-6h hôm sau.

50% trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đến từ các tỉnh, thành lân cận. Ảnh: Khương Nguyễn.

50% trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đến từ các tỉnh, thành lân cận. Ảnh: Khương Nguyễn.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mở phòng khám lúc 6h sáng, không rà soát bảo hiểm y tế tại quầy tiếp nhận như một nỗ lực trong việc giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh và thân nhân.

Ngoài ra, các bệnh nhân tái khám sẽ có hệ thống bốc số riêng của mỗi khoa. Việc này giúp người bệnh không cần mất thêm thời gian chờ làm thủ tục tiếp nhận tại khoa Khám bệnh như những người đến khám lần đầu.

Ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, để giải quyết vấn đề chờ đợi của người dân, đơn vị này đã ứng dụng công nghệ thông tin triệt để vào khâu tổ chức, quản lý công tác khám chữa bệnh.

Tỷ lệ người bệnh đăng ký trước ngày khám chiếm 40% số lượng khám mỗi ngày. Bước đăng ký này giúp sắp xếp bệnh nhân theo khung giờ khám, tránh tập trung đông tại bệnh viện vào một buổi, đặc biệt là sáng sớm. Một số khoa còn linh động thời gian khám, chuyên khoa nào đông có thể khám sớm, khám thông buổi trưa hoặc buổi chiều tối.

Trong khi khám, bác sĩ không cần ghi chép hoặc nhập hồ sơ bệnh án. Thay vào đó, một điều dưỡng, thư ký y khoa sẽ làm việc này để bác sĩ có thể dành toàn bộ thời gian khám cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng đang xin chủ trương để thời gian tới mở rộng thêm cơ sở khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải.

Cần biện pháp căn cơ

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cũng mở quầy bốc số thứ tự từ 4h30, phòng khám dịch vụ từ 5h và phòng khám bảo hiểm y tế từ 7h. Bệnh viện còn bố trí nơi nghỉ ngơi buổi tối cho nhân viên y tế để có thể bắt đầu làm việc sớm hơn vào sáng hôm sau.

Bệnh viện cũng triển khai khám bệnh ngoài giờ, từ 16h30-19h để giảm tình trạng bệnh nhân chờ đợi. Các bộ phận có liên quan cũng mở rộng thời gian làm việc.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện, chia sẻ rằng đó chỉ là giải pháp mang tính thời điểm. Theo ông, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, cần có biện pháp căn cơ, lâu dài.

Trong đó, nâng cao năng lực của bệnh viện tuyến tỉnh là điều quan trọng. Các bệnh viện tuyến tỉnh cần có kế hoạch đầu tư để giữ chân bệnh nhân, nhằm giảm tải cho bệnh viện ở TP.HCM.

Bên cạnh đó, những đơn vị điều trị chuyên sâu như Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cần được cho phép thu phí dịch vụ cao hơn bệnh viện tuyến tỉnh.

 Vì lo sợ tình trạng quá tải và sợ khám muộn, nhiều người đến đăng ký khám bệnh vào giờ "gà chưa gáy". Ảnh: Duy Hiệu.

Vì lo sợ tình trạng quá tải và sợ khám muộn, nhiều người đến đăng ký khám bệnh vào giờ "gà chưa gáy". Ảnh: Duy Hiệu.

Còn theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, người dân vẫn sẵn sàng bỏ thêm chi phí, thời gian, công sức di chuyển từ tỉnh đến điều trị chuyên sâu ở TP.HCM, vì tâm lý muốn khám ở nơi được cho là tốt nhất. Chính điều này gây ra tình trạng quá tải.

Do đó, các bệnh viện tuyến cơ sở cần có kế hoạch thu hút người bệnh. Đồng thời, ngành y tế cũng cần có những giải pháp căn cơ trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến cơ sở.

Trả lời Tri Thức - Znews trong việc nỗ lực giảm tải, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm tổng lượt khám, chữa bệnh ngoại trú của toàn thành phố là 20.148.006 lượt, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023.

Để giảm tải, các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giải pháp phục vụ người bệnh từ khâu tiếp nhận, khám chữa bệnh đến khi xuất viện, ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin.

Ngành y tế thành phố cũng thực hiện các biện pháp dài hơi trong nỗ lực giảm tình trạng quá tải, trong đó có hỗ trợ các tỉnh thành lân cận nâng cao năng lực chuyên môn. Đồng thời, Sở cũng xây dựng phát triển mạng lưới phòng chống ung thư vùng, phát triển nguồn nhân lực y tế chất lượng cao từ y tế cơ sở đến y tế chuyên sâu.

Đặc biệt, việc 3 bệnh viện cửa ngõ thành phố gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Hóc Môn và Củ Chi sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024, cũng được hy vọng sẽ góp phần giúp giảm tải gánh nặng y tế cho các bệnh viện lớn trong nội thành.

Nguyễn Thuận - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/bao-gio-het-canh-chat-vat-cho-kham-benh-tu-3h-sang-o-tphcm-post1492346.html