Bao giờ hết cảnh cửa hàng 'lúc mở, lúc đóng', xếp hàng mua xăng như thời bao cấp?
Tình trạng cửa hàng xăng dầu nghỉ bán đang lan rộng khắp nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt ở các thành phố lớn. Điều này khiến người dân, doanh nghiệp rất khó khăn để mua nhiên liệu – hàng hóa vốn được xem là 'mạch máu' của nền kinh tế.
Anh Lê Nam, lái xe khách tuyến Phú Thọ - TP.Hà Nội bức xúc cho biết phải đi qua tới 4 trạm xăng, xe ô tô 30 chỗ của anh mới có thể nạp năng lượng. “Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mua xăng dầu khó đến mức như vậy, qua cửa hàng nào, nhân viên cũng xua tay, thật đáng sợ!”, anh nói.
Sau kỳ điều hành 11/11 có hết 'khát' xăng?
Thực tế, đó cũng là tình trạng chung mà nhiều người dân TP.Hà Nội, cùng một số tỉnh lân cận gặp phải khi nhiều cửa hàng xăng dầu đồng loạt đóng cửa, bán hàng giới hạn 30.000 đồng – 50.000 đồng/xe máy/lần, 500.000 đồng/lần với xe ô tô. Trong khi đó, dư luận nhiều ý kiến cho rằng thà xăng dầu tăng thêm 2.000-3.000 đồng/lít mà đổ được dễ dàng họ cũng chấp nhận, chứ còn cảnh chầu chực quá khổ thế này là không chịu nổi…
Ông Nguyễn Văn Tiu, Giám đốc CTCP Xăng dầu Tự Lực 1 (TP.Hà Nội) chia sẻ với VnBusiness: “DN bán lẻ xăng dầu phải đóng cửa là cực chẳng đã, thực tế để đảm bảo cung cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng, chúng tôi có xăng thì bán xăng, có dầu thì bán dầu. Không nhập được bất cứ nhiên liệu nào thì mới phải đóng cửa. Mỗi một lần điều chỉnh, chúng tôi lại kỳ vọng công thức tính giá, cách thức điều hành sẽ được thay đổi. Tuy vậy, qua rất nhiều lần điều chỉnh, chiết khấu vẫn 0 đồng, thậm chí âm và cuối cùng là DN không có hàng để bán”.
Sau một thời gian dài khẳng định thiếu xăng dầu chỉ là tình trạng cục bộ, ngày 4/11 vừa qua, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các Bộ Tài chính, GTVT, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.
Trong văn bản này, Bộ Công Thương cho biết, trước diễn biến phức tạp của nguồn cung và giá cả xăng dầu thế giới, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu trong nước có hiện tượng một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại một số tỉnh, thành phố đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế đã gây ảnh hưởng nhất định đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.
Đáng chú ý, liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, chiều ngày 4/11/2022, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương. Và cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ Công Thương đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính.
"Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11, những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN", Bộ Công Thương cho biết.
Kiến nghị không thả nổi chiết khấu
Tuy nhiên, với nhiều DN bán lẻ, việc điều chỉnh chi phí phát sinh vào giá cơ sở cũng khó có thể giải quyết được tình trạng đang diễn ra hiện nay. Theo TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc (Trà Vinh), dù là Bộ nào quản lý xăng dầu đi chăng nữa mà không quy định chiết khấu cho DN bán lẻ thấp nhất là 7%/giá bán lẻ là một sai lầm (3,5% là điểm hòa vốn; 3,5% là lợi nhuận thấp nhất được hưởng). Còn giá mua hàng trong công thức tính giá cơ sở dứt khoát phải tính bình quân gia quyền ít nhất là cả giai đoạn không nhỏ hơn 30 ngày thì mới tính đúng và đủ giá thành theo nguyên tắc tài chính kế toán.
“Có như vậy giá xăng dầu sẽ tăng giảm không bị sốc nhằm ổn định thị trường và hài hòa lợi ích các bên liên quan”, ôngn Tây đề xuất.
Giám đốc Công ty TNHH Bội Ngọc nhấn mạnh quan điểm nên ấn định chiết khấu không dưới 7%/giá bán lẻ và xem như đây là công cụ quản lý để ổn định thị trường! Còn ngược lại, cho lợi nhuận chung chung bao nhiêu thì nhà cung cấp cũng giữ hết ở phần họ thì thị trường xăng dầu cũng sẽ hỗn loạn, với thị trường biến động như hiện nay hoàn toàn không thể để thị trường tự điều tiết lợi ích giữa các khâu. Vì vậy, cần phải quy định chiết khấu rõ ràng cho DN bán lẻ nếu muốn thị trường ổn định!
Đồng thời, ông Tây cũng dẫn chứng câu chuyện nhập hàng trên thực tế mà DN này đã gặp phải. Theo đó, khi còn 2-3 ngày nữa điều chỉnh giá bán lẻ, nếu giá xăng dầu có xu hướng tăng thì nhà cung cấp hạ chiết khấu xuống bằng 0 đồng. DN bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là nhất quyết không giao hàng, cho dù DN bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng nhà cung cấp vẫn bảo “Cấp trên chỉ đạo khóa sổ rồi, muốn lấy hàng thì phải đợi qua điều chỉnh giá, trong 10 ngày qua bán bao nhiêu là đủ rồi không bán thêm nữa”.
“Do quy định chỉ được mua hàng ở một nơi duy nhất nên DN bán lẻ rơi vào đường cùng. Thế là DN bán lẻ hết hàng buộc phải đóng cửa. Nhà phân phối họ không cần biết DN bán lẻ bán ra nhiều hay ít trong thời gian vừa qua. Họ chỉ biết quyền lợi của họ. Họ chỉ biết ôm hàng để chờ tăng giá hưởng chênh lệch. DN bán lẻ không có quyền gì cả. Nhà cung cấp cho chiết khấu 30 đồng/lít, 50 đồng/lít hay 200 đồng/lít là do họ quyết định và DN bán lẻ phải chấp nhận mà không thể có quyền thêm bớt đồng nào! Đây là nguyên nhân chính dẫn đến cửa hàng xăng dầu khi đóng cửa lúc thì mở cửa, cửa hàng này hết dồn qua cửa hàng kia gây bất ổn thị trường”, ông Tây chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Bội Ngọc, 2/6 cửa hàng xăng dầu của đơn vị này sắp phải đóng cửa do không nhập được hàng, càng gần ngày điều chỉnh giá, thì DN càng khó khăn. "Không phải thời gian này mà thời gian trước đây cũng vậy, nhà phân phối muốn cho chiết khấu bao nhiêu thì cho nhưng do không xảy ra hiện tượng đóng cửa như vừa qua nên các bộ ngành không nắm. Vì vậy mà DN bán lẻ đã và đang luôn ở thế bất lợi. Nên sắp tới, Bộ Công Thương cần có quy định rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho DN bán lẻ cũng như bảo vệ xuyên suốt hệ thống bán phân phối xăng dầu mà Bộ quản lý và bảo vệ cho thị trường luôn hoạt động ổn định", ông Tây kiến nghị.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Uỷban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn cho rằng nguồn cung xăng dầu đứt gãy là do cơ chế quản lý. Tại sao các nước không có tình trạng này trong khi chúng ta đã sản xuất được xăng dầu (hai nhà máy lọc dầu chiếm 70% thị phần). Nguyên nhân là do sự phối hợp quản lý giữa hai cơ quan là Bộ Công Thương về nguồn cung, xuất nhập khẩu xăng dầu và Bộ Tài chính trong quản lý giá, chi phí chưa tốt.
Ông Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương
Thị trường xăng dầu năm nay rất dị biệt trong bối cảnh thế giới hỗn loạn nên đã bộc lộ khiếm khuyết trong điều hành. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu để phù hợp thực tế. Nếu 10 ngày không phù hợp thì có thể rút thời gian điều hành xuống còn 5 ngày. Thậm chí, nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân, đối tượng chịu tác động, đa số ý kiến cho rằng điều chỉnh giá theo ngày là phù hợp thì Bộ sẽ tham mưu Chính phủ.
Ông Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ Tài chính không quản lý hoạt động kinh doanh của DN đầu mối, phân phối và bán lẻ xăng dầu. Do đó, ngay cả khi điều chỉnh các chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu thì vấn đề đặt ra là phải điều tiết được chi phí giữa các DN đầu mối, phân phối và bán lẻ. Dù có tăng chi phí lên 5.000 đồng/lít hay 10.000 đồng/lít nhưng không điều phối được, DN đầu mối vẫn không tăng chiết khấu cho DN bán lẻ ở bên ngoài hệ thống thì vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí
Đoàn TP. Hà Nội
Tôi cho rằng vấn đề xăng dầu phải giải quyết ngay trong 1-2 ngày, chứ hiện nay tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa đã diễn ra từ rất lâu. Nguyên nhân của vấn đề xăng dầu là chúng ta vẫn điều hành theo Nghị định 95, tức muốn thiết lập giá ngày hôm nay bán phải lấy giá 10 ngày trước xong cộng lại đưa ra giá trung bình… Điều này khiến các nhà kinh doanh xăng dầu nói thường bị chậm tới 20 ngày. Rõ ràng, Nghị định 95 là do Bộ Công Thương soạn thảo sau đó trình lên Chính phủ, vậy tại sao khi thấy đây là điểm nghẽn mà không thể tháo gỡ?