Bạo hành phụ nữ và trẻ em: Tội ác cần lên án

Tình trạng bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em vẫn diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đây là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Bạo lực, bạo hành được coi là 'tội ác' và cần phải lên án.

Theo Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của Cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có khoảng 2 phụ nữ (khoảng 66%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo hành thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.

Bạo hành phụ nữ, trẻ em xảy ra ở mọi nơi, mọi đối tượng, từ nông thôn tới thành thị, từ những người nông dân chất phác đến trí thức, nghệ sĩ, kể cả những người hoạt động trong ngành giáo dục. Đây là hồi chuông đáng báo động.

Mới đây nhất, tối 10/4, trên mạng xã hội lan truyền 1 đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một người phụ nữ bị bạo hành dã man tại nhà, gây xôn xao cộng đồng mạng. Theo chia sẻ trên trang cá nhân của người tự nhận là nạn nhân, cô mới sinh con được 5 tháng. Sự việc xảy ra tại xã Thiên Đức (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), cơ quan chức năng đã nắm được vụ việc và đến hiện trường, lập biên bản hành vi bạo hành vợ của anh Phan Ngọc (DJ Ximer).

Hình ảnh người đàn ông không ngừng đánh vợ được cắt từ clip

Hình ảnh người đàn ông không ngừng đánh vợ được cắt từ clip

Trước đó, ngày 23/2, trên mạng xã hội cũng xuất hiện đoạn clip, một người phụ nữ bị chồng túm tóc, chửi bới khi đang ôm 2 con ngồi trên giường. Ngay sau khi được đăng tải, clip này đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhận về hàng nghìn lượt chia sẻ và bình luận bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động của người chồng. Vụ việc này xảy ra tại phường Mỹ Xá, TP Nam Định.

Với hành vi bạo hành trẻ em, theo báo cáo của Cục trẻ em (Bộ LĐTB&XH), năm 2024, bạo lực trẻ em có xu hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước cả về số vụ và mức độ vi phạm. Những hành vi này đã gây làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Cụ thể, ngày 12/4 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền clip bà Nguyễn Ngọc Uyên Lan - SN 1995; trú thôn Phước Chánh, xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn, Quảng Nam; chủ cơ sở nhóm trẻ tư thục Con Cưng - bị phát hiện có hành vi đánh đập các cháu bé. Trong lúc trông trẻ đi ngủ, bà Lan đã có hành vi bạo hành 2 cháu nhỏ, buông lời đe dọa để các cháu ngừng khóc, đi ngủ. Sự việc trên đã được camera trong lớp học của nhóm trẻ ghi lại. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, phụ huynh của một trong 2 cháu nhỏ đã đăng tải lên mạng xã hội Facebook và trình báo cơ quan công an.

Hình ảnh bảo mẫu đánh đập, nhét vật cứng vào miệng trẻ 20 tháng tuổi

Hình ảnh bảo mẫu đánh đập, nhét vật cứng vào miệng trẻ 20 tháng tuổi

Một vụ việc khác gây phẫn nộ dư luận là vụ bạo hành trẻ em tại điểm trông giữ trẻ tự phát không có giấy phép hoạt động của bà Trần Thị Liên (59 tuổi, ngụ ấp 5, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức).

Trong quá trình trông giữ trẻ, bà Liên đã có hành vi nắm giật tóc, đè đầu bé P.V và dùng tay đánh nhiều lần vào tay và mặt bé. Một bé khác tên N.G (SN 2023), trong lúc ăn ngậm cơm và phun ra ngoài, đã bị bà Liên dùng tay đánh, giật tóc và ghì đầu xuống đất làm bé nằm úp mặt xuống đất và khóc. Sau khi có hành vi bạo hành, bà Liên bỏ các bé rồi đi làm việc khác…

Bạo hành - “vết thương hở” của xã hội

Trước thực trạng số lượng phụ nữ, trẻ em bị bạo hành ngày càng gia tăng, gây nhức nhối dư luận, ThS. Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) - bày tỏ, dù đã có rất nhiều nỗ lực từ phía các tổ chức xã hội, các cơ quan nhà nước và truyền thông nhưng bạo hành vẫn là một “vết thương hở” của xã hội hiện đại. Nguyên nhân sâu xa không chỉ nằm ở việc thiếu luật, thiếu chế tài, mà còn nằm ở những định kiến giới, quy chuẩn văn hóa cổ hủ và thiếu hụt hệ thống hỗ trợ toàn diện cho người bị bạo hành.

Vấn đề bạo hành phụ nữ và trẻ em không chỉ là những con số đau lòng, mà còn là một tấm gương phản chiếu những bất bình đẳng còn tồn tại rất sâu trong nền tảng xã hội. Nhiều người vẫn xem chuyện bạo hành là “chuyện nhà người ta”, là việc riêng không nên can thiệp, hay thậm chí là “chuyện nhỏ ", "đóng cửa bảo nhau”. Những quan niệm này góp phần tước đi quyền được an toàn và được bảo vệ của người phụ nữ và trẻ em, khiến các nạn nhân bị cô lập, im lặng, bất lực. Thêm vào đó, định kiến giới vẫn hiện diện dai dẳng: phụ nữ phải nhẫn nhịn, hi sinh; trẻ em phải nghe lời, không được “cãi người lớn”.

Trong xã hội vẫn tồn tại quan điểm coi phụ nữ và con cái là “tài sản” của người đàn ông, là người phải “thuộc về” gia đình và không có quyền lên tiếng. Điều này vô tình tạo ra một xã hội dễ dung túng cho hành vi bạo lực.

“Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, hệ thống bảo vệ hiện nay chưa đủ thân thiện, dễ tiếp cận và tin cậy với nạn nhân. Không ít người khi tìm đến sự giúp đỡ lại phải kể đi kể lại câu chuyện đau đớn của mình, gặp ánh nhìn phán xét, hay thậm chí bị từ chối vì “không đủ bằng chứng” hoặc “đây là việc nội bộ gia đình”. Điều đó khiến họ mất niềm tin và lựa chọn im lặng. Chúng ta cần một sự thay đổi toàn diện, từ tư duy xã hội tới pháp luật, tới cách các dịch vụ hỗ trợ vận hành. Phụ nữ và trẻ em không cần được thương hại, họ cần được trao quyền, được tin tưởng, và được bảo vệ như những con người bình đẳng và có phẩm giá”, bà Nguyễn Phương Linh cho hay.

Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững

Theo BS. Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), bạo lực phụ nữ, bạo lực trẻ em là một thực trạng đáng buồn ở nước ta và chưa có chiều hướng suy giảm, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn. Số vụ bạo lực năm sau cao hơn năm trước và loại hình bạo lực cũng đa dạng hơn.

“Việc xử lý các vụ bạo hành chưa nghiêm, chế tài xử phạt chưa thỏa đáng cũng chỉ là một phần. Theo tôi, cái gốc để giải quyết vấn đề ở đây là giáo dục, bao gồm: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường và giáo dục xã hội. Nhiều năm nay, chúng ta đã coi nhẹ giáo dục gia đình, đã chệch hướng giáo dục nhà trường và thiếu quan tâm đến giáo dục xã hội. Khi là trẻ em thì bạo lực học đường, bạo lực đường phố. Khi lớn lên trở thành người lớn thì bạo lực phụ nữ, bạo lực gia đình và gây rối loạn xã hội”.

Ông An cũng chỉ ra một thực tế đang tồn tại hiện nay, đó là ngành giáo dục đang bị “chệch hướng”, trong nhà trường nhồi nhét kiến thức bác học, giấy khen để lấy thành tích mà thiếu quan tâm đến giáo dục đạo đức, giáo dục tâm lý và dạy kỹ năng sống cho trẻ em. Thậm chí còn xảy ra tình trạng, giáo viên bạo lực cả thể xác và tinh thần của học sinh. Hầu hết các nhà trường trong hệ thống giáo dục chưa quan tâm đến giáo dục pháp luật, giúp trẻ em hiểu và tuân thủ pháp luật; Các trường học ở Việt Nam không có giáo viên tâm lý, không có góc tâm lý học đường. Trong khi đó, các nước trên thế giới và ngay cả trong hệ thống ASEAN rất quan tâm đến vấn đề này.

Sự thiếu hụt đó khiến các em bé không được hỗ trợ về tâm lý để có thể phát triển tâm lý lành mạnh song song với các sức ép học hành, thành tích văn hóa… Một số em bị sang chấn tâm lý, gặp bức xúc ở gia đình, bên ngoài hay trường học… không được nắm bắt kịp thời để tư vấn, giải tỏa, cân bằng tâm lý, chính vì vậy, bạo lực học đường vẫn đang ngày một gia tăng.

“Trong xã hội văn minh, việc gia tăng chế tài xử phạt không được khuyến khích. Do vậy, theo tôi cần đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Tăng cường công tác phòng ngừa bạo lực, phát hiện sớm, ngăn chặn sớm, không để bạo lực xảy ra. Cuối cùng là pháp luật phải nghiêm minh, không để xảy ra các câu chuyện tiêu cực, cần sớm hoàn thiện hệ thống tư pháp vị thành niên và tòa án thân thiện với trẻ em. Bạo lực là một tội ác, cần phải lên án”, ông Nguyễn Trọng An cho hay.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-hanh-phu-nu-va-tre-em-toi-ac-can-len-an-post1191920.vov