Sinh viên đi làm thêm
Hiện nay, có không ít sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chọn đi làm thêm để trang trải chi phí học tập, vừa rèn luyện kỹ năng sống, giúp ích cho việc học. Để SV tránh rơi vào tình trạng mải mê kiếm tiền, lơ là việc học, các trường đại học, cao đẳng luôn đồng hành để tư vấn, định hướng cân bằng việc học tập và làm thêm cho SV.
Vừa có thu nhập vừa được rèn luyện kỹ năng
Một buổi sáng cuối tuần giữa tháng 3, chúng tôi cùng một vị khách người Nga đến quán Gióng (15 Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang) thưởng thức cà phê. Khi mọi người vừa ngồi vào bàn, một bạn tiếp viên trẻ của quán nhanh nhảu tới chào mời bằng tiếng Anh rất chuyên nghiệp. Hỏi ra mới biết, đó là Hoàng Thủy, SV Trường Đại học Khánh Hòa tranh thủ thời gian được nghỉ học đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống, học tập. Gia đình Hoàng Thủy có hoàn cảnh khá khó khăn, bố bị bệnh tim, mẹ lại không có việc làm ổn định. Hoàng Thủy chia sẻ: “Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ và chị gái luôn động viên em không được bỏ học giữa chừng. Do đó, em đã đi làm thêm để có tiền lo cho việc học tập, bớt gánh nặng cho gia đình”. Để việc làm thêm không ảnh hưởng đến việc học, Hoàng Thủy đã chọn nơi làm gần trường học, thường xuyên có khách nước ngoài lui tới và có nguồn thu nhập phù hợp. Bên cạnh việc pha chế, Hoàng Thủy còn phụ trách tư vấn, giới thiệu sản phẩm cà phê hạt cho khách hàng, trong đó có cả khách nước ngoài. “Nhờ công việc này, em được rèn luyện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và học hỏi thêm nhiều kiến thức xã hội hữu ích cho ngành học. Với công việc hiện tại em đang làm, mỗi tháng tiền công được gần 5 triệu đồng cũng đủ trang trải cho cuộc sống, học tập”, Hoàng Thủy tâm sự.

Hoàng Thủy làm thêm tại quán Gióng, vừa phục vụ khách vừa trau dồi kỹ năng giao tiếp.
Tương tự, vì muốn tự lập, phụ giúp gia đình nên Hữu Thắng, SV ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Trường Đại học Nha Trang cũng chọn đi làm thêm tại quán Gióng được gần 1 năm nay. Hữu Thắng cho biết: “Em làm thêm theo ca và được chủ quán ưu tiên làm vào khoảng thời gian được nghỉ học để không ảnh hưởng đến việc học tập trên lớp. Công việc chính của em là pha chế và hỗ trợ kiểm kê, giám sát hàng hóa nhập vào, xuất ra. Mỗi tháng, em thu nhập được 5 triệu đồng, tạm đủ chi phí học tập. Công việc hiện tại không chỉ giúp em có tiền trang trải cuộc sống, còn bổ trợ rất nhiều cho việc học. Em được làm quen với các quy trình thực tế, có thêm kiến thức để áp dụng vào bài học trên lớp”. Cũng theo Hữu Thắng, hiện nay, nhiều SV chung trường với Thắng cũng chọn đi làm thêm ở các lĩnh vực như: Gia sư, trợ giảng, nhân viên bán hàng kỹ thuật…, nhờ vậy tích lũy thêm kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp. Việc làm thêm giúp ích cho việc học, nhưng Thắng chia sẻ vẫn dành phần lớn thời gian cho việc học tập bởi vì có học tập tốt thì mới có nền tảng kiến thức vững chắc để bước vào con đường lập nghiệp.
Nhà trường luôn đồng hành
Tuy nhiên, không phải SV nào cũng biết cách sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và đi làm thêm. Có trường hợp SV đi làm thêm quá sức, dẫn đến bỏ lỡ bài giảng, kết quả học tập sa sút. Cô Thanh Vy - trợ giảng Tiếng Anh tại Trường Đại học Nha Trang chia sẻ: “Một số SV đi làm đến khuya, sáng không đủ sức đến lớp. Nếu SV không kiểm soát, cân bằng việc học và làm thêm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả quá trình học tập. Việc thiếu kinh nghiệm và trải nghiệm có thể khiến SV rơi vào những công việc thiếu ổn định, thậm chí bị bóc lột sức lao động, trả lương không đúng thỏa thuận. Do đó, cần có sự định hướng từ nhà trường và phụ huynh để SV chọn công việc phù hợp, không làm ảnh hưởng đến việc học".

Hữu Thắng đi làm thêm để có thu nhập, vừa trải nghiệm và giúp ích cho việc học.
Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đều thành lập bộ phận hỗ trợ SV, nhằm giúp SV cân bằng giữa học và làm. Các trường thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm thêm uy tín, đúng chuyên ngành cho SV chọn lựa. Một số khoa còn kết nối với doanh nghiệp để SV có thể thực tập, làm thêm trong môi trường chuyên môn. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm và cố vấn học tập cũng đóng vai trò quan trọng trong việc theo sát, nhắc nhở và hỗ trợ SV kịp thời khi có dấu hiệu học sút do làm thêm quá sức.
Cô Kim Thu - giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa chia sẻ: “Nhà trường luôn đồng hành với SV trong quá trình tìm kiếm việc làm thêm. Phòng Công tác SV của trường luôn làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ SV, trong đó có việc giới thiệu và kết nối với các doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội làm thêm phù hợp cho SV. Đồng thời, nhà trường thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng trên fanpage của trường để SV dễ dàng theo dõi và lựa chọn công việc phù hợp với lịch học và khả năng của mình”. Cũng theo cô Kim Thu, với SV, việc học tập vẫn là quan trọng nhất. Do đó, các em nên chọn công việc có thời gian linh hoạt và ưu tiên những vị trí liên quan đến ngành học để vừa làm vừa học hiệu quả.
Từ sự hỗ trợ, đồng hành của nhà trường, nhiều SV đã đi đúng hướng, cân bằng việc học và làm thêm. Quốc Thịnh, SV ngành Quản trị nhà hàng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang chia sẻ: “Sau khi được nhà trường tư vấn, hỗ trợ, em đã chọn được một công việc phù hợp với chuyên ngành ở một nhà hàng ở Nha Trang và làm theo ca, chủ yếu buổi tối và cuối tuần. Theo em, điều quan trọng là mình biết giới hạn bản thân, làm thêm để học hỏi và trải nghiệm, nhưng nếu thấy việc học bị ảnh hưởng thì em sẽ điều chỉnh lại ngay”.
Việc SV đi làm thêm là nhu cầu tất yếu trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn trẻ cần xác định rõ mục tiêu học tập, đồng thời chọn công việc phù hợp với năng lực và thời gian biểu. Có như vậy, việc làm thêm mới thực sự mang lại giá trị tích cực, thay vì trở thành áp lực vô hình trong những năm tháng SV.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202504/sinh-vien-di-lam-them-d4447c1/