Bạo hành trẻ em: Tại sao liên tục gia tăng?
Thời gian qua, nhiều vụ bạo hành trẻ em đau lòng liên tiếp xảy ra. Đáng nói, trong hầu hết vụ bị phát hiện, người gây hại cho trẻ đều là người trong gia đình, người thân quen của trẻ, gây bức xúc dư luận xã hội.
“Thương cho roi cho vọt” là cách mà những ông bố, bà mẹ giải thích cho hành động đòn roi trong cách dạy dỗ con cái của mình. Thế nhưng, đáng tiếc rằng, hiện nay có không ít bậc phụ huynh lạm dụng đòn roi để trút giận lên con cái, thậm chí đánh đập con cái tàn nhẫn dẫn tới những hậu quả đau lòng.
Gia tăng cả về lượng lẫn mức độ
Hai hôm nay, thông tin về một bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành với vật thể giống đinh trong hộp sọ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.
Trước đó, vào trưa 18/1, Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) nhận được cuộc điện thoại cầu cứu của ông Đỗ Hữu Chức, ông nội bé gái Đỗ Ngọc A. (3 tuổi) nghi bị bạo hành với nhiều vật thể giống đinh trong hộp sọ ở xã Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Cuộc gọi của người ông nội mong muốn Tổng đài 111 hỗ trợ kết nối với cơ quan chức năng làm rõ vì sao cháu gái mình bị hôn mê sâu, có 9 dị vật nghi là đinh trên hộp sọ.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, tổng đài đã chuyển ngay cho Trung tâm công tác xã hội Hà Nội. Hiện tại, cháu A. đang nguy kịch và được các bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn tích cực điều trị.
Theo ông Chức, vợ chồng con trai ông đã lập gia đình được 10 năm nay. Cả hai sinh được 3 người con gái, cháu A. là con út. Tuy nhiên hiện tại, gia đình con trai ông đã ly hôn, hai bé gái lớn ở với bố và ông bà nội còn cháu A. sống với mẹ.
Đáng nói, chỉ trong vòng 3 tháng ngắn ngủi gia đình ông liên tục nhận tin dữ về việc cháu nội 4 lần nhập viện. Lúc thì bé nuốt đinh, có dị vật ở mũi, sau lại uống nhầm thuốc trừ sâu, gãy tay.
Lo lắng cho tình hình sức khỏe của cháu, ông Chức cho hay, điều mà ông mong muốn nhất hiện nay là cháu A. vượt qua hoạn nạn và được cơ quan chức năng làm sáng tỏ vụ việc.
Sự việc trên của cháu A. xảy ra trong khi câu chuyện buồn của một bé 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh bị tử vong do vợ chưa cưới của bố đánh đập, bạo hành chưa kịp lắng xuống. Cái chết thương tâm của cháu bé 8 tuổi này khiến dư luận dậy sóng trong những ngày qua. Dù người phụ nữ gây ra cái chết cho bé gái đã bị bắt và bị khởi tố nhưng vẫn có đó những dư âm của sự bàng hoàng và đau xót.
Đáng tiếc là vụ việc bạo hành bé 8 tuổi tại TP Hồ Chí Minh đến tử vong không phải cá biệt mà ngay tháng trước đó cũng có một em bé gái chỉ có 3 tuổi ở huyện An Minh, tỉnh An Giang bị cha dượng bạo hành dẫn tới tử vong.
Người cha dượng này tên là Trần Văn Khởi (sinh năm 1995), thường xuyên bạo hành con riêng của vợ bằng cách tàn nhẫn như: châm điếu thuốc đang cháy vào miệng em nhỏ, dùng kìm nhổ răng của bé, dốc đầu em bé mà đánh vì lý do bởi bé hay tè dầm.
Bài học chưa đủ cảnh báo?
Theo thống kê từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi đến, trong đó có 706 ca phải hỗ trợ, can thiệp, tăng 299 ca so với cùng kỳ năm trước.
Trong các ca hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em, có 362 ca bạo lực trẻ em, chiếm 51,27%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 là 167 ca, tương đương 3,36%; 122 ca xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 17,28%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 13 ca.
Trong đó, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đây là điều đáng báo động về phương pháp giáo dục của cha mẹ/người chăm sóc đối với trẻ em.
Đối với các ca bị xâm hại tình dục, có 71 ca hiếp dâm trẻ em, chiếm 58,2% (tăng 16 ca so với cùng kỳ 2020), 51 ca dâm ô trẻ em, chiếm 25,4%, tăng 21 ca so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi bạn bè, người quen chiếm 31,1%; bởi người thân trong gia đình vẫn tương đối cao, chiếm 23,8%, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. “Thương cho roi cho vọt” là cách mà những ông bố, bà mẹ giải thích cho hành động đòn roi trong cách dạy dỗ con cái của mình.
Thực tế, dùng đòn roi dạy dỗ trẻ em không chỉ dừng lại ở câu chuyện bạo lực về thể xác mà còn liên quan tới yếu tố tinh thần, thậm chí là dẫn tới những hậu quả đau lòng.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những vụ việc đáng tiếng xảy ra ở trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh.
Theo ông Nam, nghiên cứu của UNICEF cũng chỉ ra hơn 3/4 những đứa trẻ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách, hoặc về tinh thần, hoặc về thể chất, thậm chí là cả hai.
Tình trạng bạo hành con cái một phần cũng do cha mẹ quá căng thẳng và kiệt sức trước ảnh hưởng của đại dịch, chịu nhiều áp lực liên quan đến an sinh xã hội, nghề nghiệp, tài chính… Do đó, thay vì chia sẻ cùng con, nhiều người đã phản ứng với trẻ bằng thái độ tức giận, mắng mỏ, thậm chí dùng đòn roi.
Phải làm rõ cho ra lẽ không chỉ là mong mỏi của những người thân trong gia đình nạn nhân mà còn là mong mỏi chung của dư luận xã hội để tìm lại công bằng cho những đứa trẻ bị bạo hành.
Dù đã có nhiều bài học, nhiều cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình thời gian qua nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo, răn đe. Số vụ bạo hành trẻ em vẫn gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ và sau mỗi vụ việc đau làm xảy ra, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, khi một đứa trẻ bị bạo hành trong gia đình thì ai sẽ là người chìa tay ra cứu?
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bao-hanh-tre-em-tai-sao-lien-tuc-gia-tang-5678255.html