Bảo hiểm học sinh, sinh viên: Góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện
Quá trình triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) cho thấy hiệu quả của chính sách này không chỉ thể hiện qua diện bao phủ BHYT tới HSSV liên tục tăng trưởng hằng năm, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân, mà còn thể hiện ở ý nghĩa, lợi ích thiết thực của chính sách BHYT trong việc đem lại cho thế hệ trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước một cơ chế chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học.
ĐƯỢC HƯỞNG NHIỀU QUYỀN LỢI BẢO HIỂM Y TẾ
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, năm học 2021-2022, chính sách BHYT đã bao phủ đến 96% HSSV cả nước với khoảng 18,8 triệu em tham gia. Điều đó đồng nghĩa với việc trên toàn quốc đã có gần 19 triệu HSSV được đảm bảo và thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi BHYT theo quy định. Nếu không may ốm đau, bệnh tật, các em sẽ được quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh (KCB) không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm. Khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp KCB trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện (BV) tuyến Trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại BV tuyến tỉnh; 100% chi phí tại BV tuyến huyện.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu HSSV KCB BHYT với trên 3,9 triệu lượt KCB với số tiền được quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng. Trong đó, rất nhiều trường hợp HSSV đi KCB đã được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lớn như sau:
Bệnh nhân có mã thẻ HS48686217XXXXX (xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long): KCB ngoại trú và điều trị nội trú BHYT 24 lần trong năm 2021 tại Bệnh viện Chợ Rẫy – Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long và Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ với các chẩn đoán chính: Thông liên thất (phần màng); Nhiễm trùng huyết do candida; Hở van động mạch chủ do thấp (nặng 4/4); Hở (van) hai lá (nặng do dãn vòng van); Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cấp và bán cấp (áp xe gốc động mạch chủ);… Chi phí quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân là 1,18 tỷ đồng, trong đó: tiền thuốc 475,2 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật 214,9 triệu đồng; tiền xét nghiệm 142,1 triệu đồng; tiền giường 74,3 triệu đồng; tiền máu 56,5 triệu đồng; tiền vật tư y tế 22,4 triệu đồng; tiền chẩn đoán hình ảnh 18,7 triệu đồng;…
Bệnh nhân có mã thẻ HS47979369XXXXX (phường 14, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh): KCB ngoại trú và điều trị nội trú BHYT 2 lần trong năm 2021 tại Bệnh viện Nhi Đồng II và Bệnh viện 175 của Thành phố Hồ Chí Minh với các chẩn đoán chính: sốc nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa theo dõi do nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn, suy đa cơ quan; Viêm phổi, không đặc hiệu. Chi phí quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân là 1,14 tỷ đồng, trong đó: tiền thuốc 536,2 triệu đồng; tiền máu 202,8 triệu đồng; tiền xét nghiệm 107,1 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật 45,2 triệu đồng; tiền giường 31,1 triệu đồng…
Bệnh nhân có mã thẻ HS47979379XXXXX (phường Tân Thành, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh): KCB ngoại trú và điều trị nội trú BHYT 8 lần trong 8 tháng đầu năm 2022 tại Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nhi Đồng I và Bệnh viện Chợ Rẫy với các chẩn đoán chính: Viêm cơ tim cấp; Di chứng tổn thương nội sọ (tổn thương cũ chẩm trái); Hở van hai lá do thấp; Viêm mô bào;… Chi phí quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân là 1,1 tỷ đồng, trong đó: tiền thuốc 621,6 triệu đồng; tiền vật tư y tế 153,6 triệu đồng; tiền xét nghiệm 88,7 triệu đồng; tiền phẫu thuật, thủ thuật 83,4 triệu đồng; tiền máu 79,4 triệu đồng; tiền giường 39,2 triệu đồng;…
Từ những số liệu trên, có thể khẳng định, chính sách BHYT mang ý nghĩa nhân văn và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Đồng hành cùng các thế hệ HSSV nói riêng và người tham gia BHYT nói chung, trong nhiều năm qua, tấm thẻ BHYT đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người. Đặc biệt, với những HSSV, những người bị bệnh hiểm nghèo có thời gian chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội. Bởi tấm thẻ BHYT đã không chỉ giúp người bệnh có điều kiện được tiếp xúc, sử dụng với các vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền để điều trị bệnh, mà còn giúp gia đình người bệnh không mắc vào cảnh sa sút kinh tế chỉ vì lo chi phí KCB cho người thân.
THỂ HIỆN LÒNG NHÂN ÁI, TRÁCH NHIỆM VỚI CỘNG ĐỒNG
Khi Luật BHYT chưa có quy định chi tiết cho y tế dự phòng nhưng nhóm HSSV đã gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua việc chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) tại nhà trường. Công tác CSSKBĐ tại các trường học hiện đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ KCB BHYT cho hoạt động y tế trường học (trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho HS đầu năm học; tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh…). Công tác CSSKBĐ tại trường học không chỉ giúp HSSV và gia đình phát hiện bệnh kịp thời, chăm sóc và tạo điều kiện điều trị các căn bệnh học đường liên quan đến thị lực, điều chỉnh tư thế viết, ngồi học chống cong vẹo cột sống… mà còn dự phòng nhiều căn bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có thể dẫn tới những căn bệnh mạn tính, nan y nguy hiểm, đảm bảo sức khỏe các em trong tương lai.
Theo quy định của Luật BHYT, HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Do đó, việc tham gia BHYT không những là quyền lợi mà còn là trách nhiệm tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần tương thân tương ái của HSSV thông qua việc đóng góp, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật…, đặc biệt với những người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.
Số liệu của BHXH Việt Nam cho thấy diện bao phủ BHYT HSSV qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT. Điều đó thể hiện, nhận thức của các bậc phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT cho con em đã được nâng cao một cách rõ rệt. Nhiều phụ huynh chuyển từ quan niệm chỉ tham gia BHYT lúc ốm đau sang tâm thế chủ động tham gia BHYT ngay từ khi các con đang khỏe mạnh - coi đó là cách tốt nhất để phòng ngừa, ứng phó rủi ro và góp phần chia sẻ với cộng đồng thông qua việc tham gia BHYT.
Đồng hành cùng các thế hệ HSSV nói riêng và người tham gia BHYT nói chung, trong nhiều năm qua, tấm thẻ BHYT đã được xem là “chiếc phao cứu sinh” không thể thiếu của mỗi người. Đặc biệt, với những HSSV, những người bị bệnh hiểm nghèo có thời gian chữa trị bệnh lâu dài thì giá trị của việc tham gia BHYT càng được nhân lên gấp bội.
Tuy nhiên, hiện cả nước vẫn còn khoảng 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm SV các trường đại học và HS các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề. Trong số này, một số HSSV và phụ huynh vẫn còn hiểu chưa thấu đáo về chính sách BHYT, cho rằng chỉ cần tham gia BHYT những lúc ốm đau.
Bước vào năm học 2022-2023 trong bối cảnh được dự báo còn tiềm ẩn nhiều dịch bệnh gây rủi ro tới sức khỏe con người, công tác chăm sóc sức khỏe cho HSSV thông qua chính sách BHYT càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, trong năm học này, công tác BHYT HSSV tiếp tục được triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia và được thụ hưởng chính sách BHYT. Để đạt mục tiêu này, rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới các địa phương, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của các nhà trường, thầy cô giáo trong việc thông tin, tuyên truyền vận động HSSV, cũng như phụ huynh của các em tham gia BHYT HSSV. Trong đó, quan trọng nhất chính là ý thức tự giác, chủ động tham gia BHYT của mỗi HSSV và phụ huynh./.
Chú thích ảnh: Học sinh, sinh viên được hưởng thụ nhiều lợi ích thiết thực từ chính sách BHYT. (Nguồn BHXH Đắk Lắk)