Bảo hiểm kỳ vọng tăng 'chất' năm 2024
Dù còn tồn tại những vấn đề, thách thức, nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận trong 30 năm qua, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước. Bước sang năm 2024, cũng là tuổi 31, thị trường được kỳ vọng phát triển theo hướng chất lượng, lành mạnh và bền vững hơn.
11 tháng, ước đạt 227.596 tỷ đồng
Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 30/11/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng. Dù thống kê không đưa ra tỷ lệ tăng giảm, nhưng con số này đã nhích tăng so với cùng kỳ năm trước (11 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 220.959 tỷ đồng, tăng 15,67% so với cùng kỳ năm 2021).
Về từng khối, 11 tháng đầu năm 2023, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng 2%, còn thị trường bảo hiểm nhân thọ giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tăng 31,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 86.467 tỷ đồng.
Dù chưa thực sự khả quan và còn đối mặt với nhiều tồn tại, thách thức, nhưng kết quả trên phần nào cho thấy sự đóng góp của thị trường bảo hiểm vào sự phát triển chung của kinh tế đất nước và an sinh xã hội. Nói như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, “thị trường bảo hiểm đã và đang đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân”.
Nếu xét cả quá trình 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận: Trong giai đoạn 2013-2022, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng trưởng trung bình 18,3%/năm, trong đó doanh thu phi nhân thọ tăng bình quân 11,6%/năm và doanh thu nhân thọ tăng trung bình 23,3%/năm. Hệ thống pháp lý về kinh doanh bảo hiểm dần được hoàn thiện với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm từ cả 3 khối (nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm), các sản phẩm bảo hiểm đã phong phú hơn, nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng…
Tại hội nghị Các cơ quan quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 (AIRM26) và hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 49 (AIC49) với chủ đề “Bền vững, toàn diện và kết nối” diễn ra tại Quảng Ninh mới đây, các chuyên gia đã đề cập tới tiềm năng của thị trường bảo hiểm Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung. Cùng với đà phục hồi kinh tế, ASEAN tiếp tục chứng kiến sự phát triển về bảo hiểm khi tăng trưởng tổng phí bảo hiểm được duy trì và tổng tài sản bảo hiểm tăng lên với sự gia nhập của các công ty mới trên thị trường, đây là cơ hội phát triển ngành bảo hiểm và hợp tác chặt chẽ trong khu vực…
Chia sẻ bên lề hội nghị, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) nhìn nhận, trong năm 2023, tương tự như một số nước trong khu vực, thị trường bảo hiểm Việt Nam cũng gặp một số thách thức, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành của người dân…, nhiều giải pháp đã được tăng cường và bước đầu mang lại hiệu quả. Theo đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam được kỳ vọng sẽ phát triển theo hướng chất lượng, lành mạnh và bền vững hơn trong năm 2024 cũng như những năm tới.
“Trong tương quan với khu vực và thế giới, quy mô của thị trường bảo hiểm Việt Nam còn khiêm tốn, trong khi nhu cầu rất lớn, đây là dư địa cho thị trường phát triển tích cực hơn trong thời gian tới”, ông Trung nhấn mạnh.
Cần một cuộc “đại phẫu”
Tính đến ngày 30/11/2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 227.596 tỷ đồng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tăng 31,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 86.467 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP mới đạt 3%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN là 3,35%, châu Á là 5,37% và thế giới là 6,3%. Đến nay, Việt Nam mới có khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Dự báo, doanh thu phí bảo hiểm bình quân trên GDP đến năm 2025 ước đạt khoảng 3,5%.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, với quy mô hiện tại, cơ hội bứt phá của thị trường bảo hiểm Việt còn rộng mở, nhưng để biến cơ hội thành kết quả, thành “trái ngọt” thì cần những hành động, những bước chuyển mình mạnh mẽ.
Theo ông Hoàng Gia Phong - chuyên gia huấn luyện các đại lý bảo hiểm, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cần một cuộc cải tổ toàn diện, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng niềm tin vừa qua khi liên tiếp xảy ra những hoạt động không chuẩn chỉnh. Nhiều công ty bảo hiểm chạy theo doanh số, kinh doanh “lướt ván”, tuyển người ồ ạt nhằm đẩy mạnh khai thác phí bảo hiểm mới nhưng không đào tạo chuyên sâu, không nêu cao đạo đức nghề nghiệp, dẫn đến hệ lụy là một bộ phận tư vấn viên, đại lý bảo hiểm làm ẩu, làm bừa, “chạy” doanh số bằng mọi giá.
Thực tế, thời gian qua, Báo Đầu tư Chứng khoán đã đăng tải nhiều thông tin về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến bảo hiểm, cũng như phản ánh bức xúc từ phía người tham gia bảo hiểm. Theo nhiều chuyên gia, chỉ có tiến hành “đại phẫu”, cải tổ mạnh mẽ thị trường, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý bảo hiểm, đi kèm với đó là những chế tài xử lý vi phạm thật nghiêm các đối tượng, hành vi vi phạm; tăng cường các hoạt động thanh tra, giám sát cùng với truyền thông sâu rộng… mới giúp dần lấy lại niềm tin của người dân dành cho bảo hiểm.
Quay trở lại hội nghị nêu trên, bên cạnh thảo luận về các giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh, bền vững, nội dung “quản lý đại lý nhằm phát triển bền vững thị trường bảo hiểm” cũng được mang ra thảo luận. Đây là chủ đề thời sự, hữu ích và nhận được nhiều quan tâm trong bối cảnh lực lượng đại lý bảo hiểm gặp nhiều điều tiếng thời gian qua.
Các thành viên thị trường kỳ vọng thông qua hội nghị lần này, Việt Nam có thể chia sẻ, cập nhật thông tin, kinh nghiệm quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm toàn diện, bền vững, cập nhật việc tích hợp công nghệ vào lĩnh vực bảo hiểm từ các nước đi trước, giúp tạo ra một thị trường bảo hiểm ngày càng chất lượng, lành mạnh hơn.
Trong xu hướng phát triển công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đang trải qua quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ như một điều tất yếu. Các công ty trung gian đóng vai trò kết nối, bao gồm các công ty chuyên về công nghệ, môi giới, đại lý, đang có tiềm năng phát triển thông qua kết nối với các công ty bảo hiểm. Việc chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang công nghệ, số hóa sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra sự thuận tiện và lựa chọn đa dạng về sản phẩm bảo hiểm cũng như quá trình thanh toán và bồi thường cho khách hàng.
Ông Đỗ Thế Vinh, Tổng giám đốc Bảo hiểm trực tuyến - IBAOHIEM cho biết, khi áp dụng công nghệ, đại lý bảo hiểm sẽ khai thác được nhiều khách hàng hơn, đồng thời chăm sóc khách hàng đơn giản và hiệu quả hơn. Các sản phẩm cũng sẽ đa dạng và tối ưu hơn từ công ty bảo hiểm đến các kênh phân phối.
11 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 762.580 tỷ đồng, tăng 12,78%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 190.227 tỷ đồng, tăng 7,09%. Tính đến nay, toàn thị trường có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bao gồm 32 doanh nghiệp phi nhân thọ (1 chi nhánh doanh nghiệp phi nhân thọ nước ngoài), 19 doanh nghiệp nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm và 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-ky-vong-tang-chat-nam-2024-post335667.html