Bảo hiểm nhân thọ vẫn khó

Trong 2 tháng đầu năm 2025, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ghi nhận mức tăng trưởng hơn 5%. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi khối bảo hiểm phi nhân thọ, trong khi khối bảo hiểm nhân thọ vẫn gặp khó khăn.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với nhiều thách thức

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đang đối mặt với nhiều thách thức

Doanh thu và số lượng hợp đồng tiếp tục giảm

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 2/2025, tổng doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm đạt khoảng 34.500 tỷ đồng, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước; tổng tài sản của toàn ngành đạt 1,018 triệu tỷ đồng, tăng 10,71%; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 860.000 tỷ đồng, tăng 12,12%.

Những con số trên phần nào cho thấy đóng góp tích cực của ngành bảo hiểm vào nền kinh tế, đặc biệt là từ khối bảo hiểm phi nhân thọ. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, khối này tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng doanh thu chung của toàn ngành với mức tăng trưởng xấp xỉ 2 con số 2 tháng đầu năm.

Trong khi đó, khối bảo hiểm nhân thọ vẫn gặp nhiều thách thức. Theo số liệu thu thập từ Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh thu khai thác mới quy năm của bảo hiểm nhân thọ trong 2 tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái hơn 5%. Đáng chú ý, doanh thu phí khai thác mới đến từ kênh đại lý cá nhân giảm hơn 10%, trong khi kênh bancassurance và các kênh khác chỉ tăng khoảng 2%.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy cơ cấu sản phẩm đang có sự thay đổi rõ nét. Các quy định siết lại việc bán bảo hiểm liên kết đơn vị, đặc biệt là qua kênh ngân hàng, khiến doanh thu của dòng sản phẩm này giảm mạnh.

Cụ thể, số lượng hợp đồng khai thác mới tính đến hết tháng 1/2025 đạt 91.086 hợp đồng (sản phẩm chính), giảm 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư chiếm tỷ trọng 46,5% và giảm 30,1% (gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung chiếm tỷ trọng 40,8% và giảm 30,3%; sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng 5,7% và giảm 27,3%); sản phẩm bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 42% và giảm 1,7%; sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 3,9% và giảm 57,5%; các sản phẩm bảo hiểm còn lại (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm trọn đời) chiếm tỷ trọng 7,5% và giảm 95,7%.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chưa thoát khỏi đà suy giảm tăng trưởng kéo dài từ những năm trước. Theo thống kê của IAV, tính đến ngày 31/12/2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 227.398 tỷ đồng, giảm 0,3% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.348 tỷ đồng, tăng 11,7%; trong khi doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 148.050 tỷ đồng, giảm 5,7%.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm doanh thu khai thác phí mới là do chính sách tuyển dụng đại lý có nhiều thay đổi. Việc điều chỉnh cách tính hoa hồng đã khiến thu nhập của đại lý giảm sút, khiến cho việc tuyển dụng mới trở nên kém hấp dẫn. Khi số lượng đại lý mới không được mở rộng hoặc giảm đi, doanh thu khai thác phí mới của bảo hiểm nhân thọ đã bị ảnh hưởng đáng kể. Đây vẫn là một vòng luẩn quẩn mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang tìm cách khắc phục.

Năm 2025, Bộ Tài chính kỳ vọng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường sẽ đạt khoảng 239.636 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,05% so với năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 85.938 tỷ đồng, tăng 9,77% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 153.698 tỷ đồng, tăng 3%.

Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, triển vọng của ngành bảo hiểm có lẽ sẽ vẫn đặt chủ yếu vào khối bảo hiểm phi nhân thọ với mức tăng trưởng ổn định 2 con số, trong khi khối bảo hiểm nhân thọ vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3% trong năm 2025.

“Tiên trách kỷ...”

Khi số lượng đại lý mới không được mở rộng hoặc giảm đi, doanh thu khai thác phí mới của bảo hiểm nhân thọ đã bị ảnh hưởng đáng kể. Đây vẫn là một vòng luẩn quẩn mà các doanh nghiệp bảo hiểm đang tìm cách khắc phục.

Sau khủng hoảng truyền thông, cùng với việc Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 chính thức có hiệu lực, các quy trình tư vấn và ký kết hợp đồng trở nên chặt chẽ hơn, có thể khiến việc chốt hợp đồng trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập và làm giảm sức hút của nghề tư vấn bảo hiểm. Tuy vậy, việc siết chặt quy trình bán hàng và điều chỉnh chính sách hoa hồng sẽ góp phần giúp thị trường bảo hiểm hoạt động minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi khách hàng và nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ đại lý bảo hiểm.

Bên cạnh những khó khăn khách quan và sự thay đổi của luật định, nhiều ý kiến cho rằng, sự suy giảm của thị trường bảo hiểm nhân thọ còn bắt nguồn từ chính sách chạy theo doanh thu của không ít công ty bảo hiểm. Cuộc đua tăng trưởng khiến việc tuyển dụng đại lý mang tính thực dụng, chú trọng số lượng hơn chất lượng nhằm đạt chỉ tiêu kinh doanh. Hệ quả là tỷ lệ duy trì đội ngũ thấp, phản ánh việc mở rộng quy mô nhưng thiếu sự sàng lọc và đào tạo bài bản. Việc tuyển dụng ồ ạt nhưng không kiểm soát chất lượng đã khiến nhiều hợp đồng bị bỏ rơi, trở thành hợp đồng “mồ côi”, làm giảm đáng kể trải nghiệm cũng như mức độ hài lòng của khách hàng.

Theo ông Hoàng Gia Phong - Giám đốc HGP Training, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường bảo hiểm rơi vào tình trạng như hiện nay. Ngoài công tác tuyển dụng vẫn chủ yếu tập trung vào “lượng” mà chưa vào “chất”, thì việc thăng cấp quản lý quá nhanh, đốt cháy giai đoạn khi chưa đủ kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, đào tạo và hỗ trợ tuyến dưới… cũng dẫn đến hệ quả là một đội ngũ quản lý yếu kém, kéo theo sự mất định hướng chung cho toàn hệ thống; chất lượng đại lý và quản lý kém, cộng với áp lực “ép số” dẫn đến việc tư vấn sai, hướng dẫn khách hàng khai hồ sơ không trung thực, giả mạo chữ ký, che giấu bệnh… Điều này tạo ra nhiều tranh chấp giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, khiến niềm tin của khách hàng sụt giảm.

Một số công ty bảo hiểm đẩy mạnh mô hình GA (văn phòng tổng đại lý) quá mức, khiến thị trường xuất hiện nhiều “Giám đốc GA”, nhưng thực tế chỉ đủ năng lực làm quản lý nhóm nhỏ, từ đó càng làm cho hệ thống vận hành trở nên thiếu chuyên nghiệp. Một số công ty bảo hiểm phát triển các kênh đối tác như ngân hàng (bancassurance), tổ chức đại lý… quá nhanh và doanh số phụ thuộc khá nhiều vào các kênh này, trong khi kênh truyền thống (agency - đại lý) chưa được coi trọng đúng mức… Ngoài ra, việc áp dụng quá nhiều điều khoản loại trừ, trong đó có những điều khoản lỗi thời và thiếu công bằng, làm giảm giá trị thực tế của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, các công ty bảo hiểm liên tục tung ra các sản phẩm theo kiểu “bia kèm lạc”, khiến khách hàng khó lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp với nhu cầu thực sự…

“Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam chưa phát triển một cách lành mạnh, vững chắc và đúng với tiềm năng sẵn có, trong đó có lỗi của chính các công ty bảo hiểm. Bởi vậy, chỉ khi chúng ta biết nhìn nhận thực tế một cách nghiêm túc và cầu thị thì mới có cơ hội lật lại thế cờ”, ông Phong nói.

Gia Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-nhan-tho-van-kho-post366432.html