Bảo hiểm PVI: Dẫn đầu thị trường trên mọi chỉ tiêu tài chính
Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị phần của Bảo hiểm PVI 6 tháng đầu năm 2021 là 15,4%, đứng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, vượt Bảo Việt ở vị trí thứ hai với 15,3% thị phần. Đây là quý thứ 2 liên tiếp, Bảo hiểm PVI dẫn đầu thị trường về thị phần.
Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, Bảo hiểm PVI đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến vô cùng phức tạp và tạo nên ảnh hưởng nặng nề tới mọi mặt đời sống xã hội. Trong bối cảnh chung đó, Bảo hiểm PVI vẫn nỗ lực đạt tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 là 5.445 tỷ đồng, hoàn thành 114,4% kế hoạch 6 tháng và 56,8% kế hoạch năm, tăng trưởng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm PVI đạt 415 tỷ đồng, hoàn thành 64,2% kế hoạch năm và tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ 2020. Ngoài dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm gốc, Bảo hiểm PVI cũng là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ trên các chỉ tiêu: Vốn điều lệ, Tổng tài sản, Tổng doanh thu, Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Lợi nhuận trước thuế và Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu…
Dù nửa sau năm 2021 còn nhiều khó khăn hơn nửa đầu năm, Bảo hiểm PVI vẫn phấn đấu để đạt mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng cho cả năm. Đây là mục tiêu rất khát vọng, nhất là khi mốc doanh thu này sẽ phải hoàn thành cùng lúc với việc duy trì vị trí số 1 thị trường về hiệu quả mà doanh nghiệp đã làm được các năm qua.
Vừa tiếp tục kiên trì chiến lược kinh doanh đúng đắn, hợp lý “ưu tiên tập trung vào hiệu quả và chỉ tăng trưởng quy mô nếu có hiệu quả”, vừa linh hoạt trong chính sách kinh doanh để ứng phó với biến động của thị trường, Bảo hiểm PVI tự tin đang đi đúng hướng và hy vọng sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Bảo hiểm PVI đặt mục tiêu là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm bền vững hàng đầu tại Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á
Trong các năm tới đây, mục tiêu của Bảo hiểm PVI là trở thành doanh nghiệp bảo hiểm bền vững hàng đầu tại Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài khát vọng, ý chí của Ban điều hành và tập thể CBNV Bảo hiểm PVI, đây còn là yêu cầu của các cổ đông nước ngoài đối với doanh nghiệp.
Bảo hiểm PVI là công ty con do Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán: PVI) nắm 100% vốn. Hiện HDI Global (Đức) là cổ đông lớn nhất của PVI khi đang nắm giữ 45,9% vốn điều lệ, một cổ đông chiến lược ngoại khác là Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) nắm giữ 6,29% cổ phần PVI.
HDI Global lên kế hoạch thông qua Bảo hiểm PVI để phát triển mảng bảo hiểm gốc ở Đông Nam Á. IFC tham gia vào PVI với tư cách là nhà đầu tư chiến lược, cam kết đầu tư lâu dài. Khi đầu tư vào PVI, IFC dự kiến cùng với HDI Global thúc đẩy sự phát triển về các mặt quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro và chính sách tuân thủ của PVI, đồng thời điều chỉnh các chính sách quản trị cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
HDI Global và IFC hướng đến mục tiêu củng cố vị thế của PVI là doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu cung cấp các giải pháp bảo hiểm trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp của Việt Nam.
HDI Global SE là công ty thuộc Khối Công nghiệp của Tập đoàn Talanx. Khoảng 3.700 nhân viên làm việc trong khối này đã mang lại doanh thu tổng phí bảo hiểm trị giá khoảng 6,7 tỷ Euro trong năm 2020. Tổ chức xếp hạng Standard & Poor’s đã xếp hạng tín nhiệm Talanx Primary Group ở mức A+/ổn định (Mạnh). Talanx AG được niêm yết và là công ty cấu thành của chỉ số SDAX của Sở giao dịch Chứng khoán Frankfurt. Kể từ khi bắt đầu thực hiện cam kết tại PVI, HDI Global đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ở phạm vi khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) là cổ đông lớn thứ hai tại PVI và đang nắm giữ 35% cổ phần PVI. PetroVietnam suốt 25 năm qua luôn là nhà đầu tư lớn đồng thời là đối tác quan trọng của PVI trong các lĩnh vực bảo hiểm công nghiệp trọng yếu.
IFC – một thành viên thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới – là một tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất, tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển. IFC thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống người dân bằng cách khuyến khích sự tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân ở các nước đang phát triển.