Bảo hiểm thất nghiệp: 'Phao cứu sinh' của người lao động mùa dịch

Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều NLĐ nộp đơn xin hưởng BHTN. Trong ảnh: Cán bộ Phòng BHTN - Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên tiếp nhận hồ sơ và tư vấn cho NLĐ thất nghiệp. Ảnh: NGỌC HÂN

Tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến một bộ phận người lao động (NLĐ) bị cắt giảm việc làm. Trong thời điểm khó khăn này, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được coi như “phao cứu sinh”…

Điểm tựa lúc khó khăn

Đến nộp hồ sơ làm thủ tục để hưởng chế độ BHTN ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên (Sở LĐ-TB-XH), chị Phan Thị Phương Thảo, nhân viên Công ty TNHH GVIN Phú Yên cho biết, 2 năm làm nhiệm vụ nhân viên hành chính, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công ty ngừng hoạt động, chị nghỉ việc không lương. Nhận thấy tình hình không ổn nên công ty đã ra quyết định thôi việc để chị cùng nhiều lao động khác hưởng BHTN, trang trải cuộc sống phần nào. “Tôi đã chốt xong sổ BHXH và chờ nhận trợ cấp BHTN theo quy định”, chị Thảo cho hay.

Chị Nguyễn Thị Bích Ly ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa đang làm công nhân tại một doanh nghiệp ngoài tỉnh. Vừa qua, do dịch bệnh, doanh nghiệp dừng hoạt động nên chị Ly quyết định trở về quê, chờ qua dịch sẽ tìm công việc mới. Vừa qua, chị Ly đến Phòng BHTN - Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian mất việc ở nhà, số tiền trợ cấp từ nguồn đóng BHTN, dù chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, nhưng cũng giúp chị trang trải phần nào cuộc sống. Không chỉ có vậy, khi đến đây, chị Ly còn được tư vấn, giới thiệu việc làm và hiện chị đang tích cực phối hợp với trung tâm để lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân để sau khi hết dịch có thể đi làm việc trở lại. “Trong lúc chờ hết dịch bệnh và tìm công việc mới, không có thu nhập, BHTN thực sự là “phao cứu sinh” của mình lúc khó khăn này”, chị Ly tâm sự.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, từ đầu năm 2020 đến nay, do tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, số người đến nộp hồ sơ để hưởng BHTN tăng đột biến. Trung tâm tiếp nhận 2.500 hồ sơ đề nghị giải quyết BHTN, tăng gần 2.000 hồ sơ so với cùng thời điểm năm 2019. Tổng số tiền trợ cấp thất nghiệp chi trả hàng tháng gần 8 tỉ đồng. Trong đó, tỉ lệ lao động làm việc ngoài tỉnh về quê đăng ký hưởng BHTN chiếm hơn 50%, số còn lại trong tỉnh.

Hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm

Ngoài chi trả trợ cấp thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, công tác hỗ trợ học nghề cũng là nhiệm vụ quan trọng trong chính sách BHTN đang được Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên thực hiện trong thời gian qua. Qua đó góp phần giúp NLĐ có chứng chỉ nghề để thay đổi công việc, đồng thời nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh.

Theo ông Phan Ngọc Luận, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, hiện nay, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tiếp tục gửi văn bản đề nghị được tạm dừng đóng bảo hiểm. BHXH phối hợp các đơn vị để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự báo, từ đây đến cuối năm, số lượng NLĐ bị ảnh hưởng và các đơn vị sản xuất kinh doanh gặp khó khăn sẽ tiếp tục gia tăng. Cơ quan BHXH nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp hướng dẫn các doanh nghiệp kịp thời giải quyết các chế độ bảo hiểm ngắn hạn.

Ông Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, cho biết: “NLĐ đến trung tâm đa phần để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tìm kiếm cơ hội việc làm và học nghề. Do vậy, ưu tiên hàng đầu của trung tâm là phải bảo đảm mọi người đến đây đều được giải quyết nhanh nhất theo hướng vừa giải quyết chế độ để NLĐ có tiền trang trải cuộc sống, vừa tư vấn để họ có việc làm phù hợp nhất. Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh tư vấn, tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ, nắm kỹ về chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thông qua đội ngũ tư vấn viên trực tiếp tại trung tâm và các cộng tác viên ở cơ sở. Song song đó, trung tâm tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng các ngành nghề để liên kết đào tạo”.

Hỗ trợ học nghề là một chính sách BHTN rất cần thiết đối với NLĐ thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động với mức thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa cho NLĐ lúc khó khăn thì các nhà làm chính sách cần nghiên cứu nâng mức hỗ trợ học nghề, hỗ trợ chi phí đi lại cho NLĐ thất nghiệp. Cùng với đó, phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội và có chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao.

Ông Hoàng Tự Đức,

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên

NGỌC HÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/240338/bao-hiem-that-nghiep---phao-cuu-sinh--cua-nguoi-lao-dong-mua-dich.html