Bảo hiểm vi mô có cơ hội
Nhờ công nghệ, bảo hiểm vi mô đã tới gần người dùng hơn, dù việc 'chạm' vào nhu cầu vẫn còn khoảng cách.
Tại Việt Nam, các loại hình bảo hiểm phổ biến chủ yếu xoay quanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Sự hạn chế trong hiểu biết về bảo hiểm là một trong những lý do khiến tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm còn thấp. Cụ thể, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên GDP hiện nay của Việt Nam mới đạt trên 3%, thấp hơn so với mức trung bình 3,35% của khối ASEAN, 5,37% của châu Á và 6,3% của thế giới.
Khi nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm ngày càng tăng, mọi người ngày càng có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế riêng để đáp ứng nhu cầu bảo vệ hàng ngày của họ, vì vậy bảo hiểm vi mô có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam. Ngày nay, nhiều người có thể dễ dàng tiếp cận bảo hiểm vi mô hơn, sản phẩm cũng được thiết kế theo cách thân thiện với người dùng hơn, giúp khách hàng có thể hoàn tất việc mua bảo hiểm và nhận tiền bồi thường chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có các chính sách thúc đẩy tài chính toàn diện và mở rộng phạm vi bảo hiểm, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô.
Theo ông Nguyễn Hữu Tự Trí - Giám đốc Igloo Việt Nam, mặc dù được đánh giá giàu tiềm năng, thế nhưng sự phát triển của bảo hiểm vi mô ở Việt Nam lại chưa tương xứng, một phần do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế khi coi bảo hiểm là không cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều công ty bảo hiểm còn ngần ngại cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô do cần phải đơn giản hóa sản phẩm và giảm chi phí để đáp ứng các dịch vụ bảo hiểm có mức phí thấp, trong khi đây là thách thức không nhỏ với các công ty bảo hiểm truyền thống. Chưa kể, việc xây dựng một kênh phân phối hiệu quả để đưa sản phẩm bảo hiểm vi mô đến với đối tượng mục tiêu cũng là một vấn đề nan giải.
Hiện tại, khi công nghệ phát triển, các công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech) và các đối tác đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhiều loại sản phẩm bảo hiểm vi mô nhằm bảo vệ các nhu cầu đặc thù của người dân Việt Nam. Các sản phẩm này trải rộng từ bảo hiểm tai nạn cá nhân, bảo hiểm thiết bị điện tử… cho tới bảo hiểm hàng hóa cá nhân, bảo hiểm vận chuyển hàng hóa (loại bảo hiểm này có đặc điểm là phí thấp so với giá trị hàng hóa được vận chuyển, chỉ từ 550 đồng cho mỗi đơn hàng), đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ người nông dân như bảo hiểm chỉ số thời tiết…
Khi nhu cầu về dòng sản phẩm này gia tăng, các Insurtech trong nước cũng phát triển hơn và trên thực tế, không chỉ các quỹ đầu tư tại Việt Nam, mà nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến thị trường Insurtech nội địa.
Chẳng hạn, Igloo - công ty công nghệ bảo hiểm toàn diện đầu tiên tại Singapore đã hợp tác với nhiều công ty bảo hiểm lớn trong nước như Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH) để phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô. Được biết, các sản phẩm của Igloo hiện có sẵn trên các nền tảng thương mại điện tử, chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi phổ biến tại Việt Nam như Lazada, Shopee, Sendo, Viettel Store, Circle K... Ngoài ra, Igloo cũng đã ra mắt Ignite by Igloo - một nền tảng số giúp thúc đẩy hiệu quả của đại lý và nhân viên bán bảo hiểm, được chính thức đưa vào vận hành tại Việt Nam và Indonesia.
Theo các chuyên gia trong ngành, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng của khu vực với lợi thế dân số trẻ và yêu thích công nghệ, đặc biệt là nhận thức về tầm quan trọng của bảo hiểm ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số của Việt Nam với đặc điểm có nhiều nhóm đối tượng khác nhau, với những nhu cầu bảo hiểm khác nhau… được xem là “mảnh đất màu mỡ” để các Insurtech khai thác, đặc biệt là các sản phẩm bảo hiểm vi mô.
“Những lý do trên khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường trọng điểm của Igloo. Việt Nam luôn nằm trong nhóm thị trường có doanh thu cao nhất của Igloo trong khu vực ASEAN”, ông Trí cho hay.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-vi-mo-co-co-hoi-post344610.html