Bảo hiểm việc làm: Nên hay không?
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; trong đó có quy định về bảo hiểm thất nghiệp.
Cho ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất nghiên cứu cơ chế bảo hiểm việc làm bên cạnh bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ người lao động phòng ngừa rủi ro, duy trì việc làm và nâng cao kỹ năng nghề.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc có thêm cơ chế bảo hiểm việc làm là cần thiết.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được thiết kế nhằm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia, bao gồm các chế độ như hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo và nâng cao trình độ cho người lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ phát huy tác dụng khi người lao động đã mất việc làm.
“Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng linh hoạt, việc có thêm cơ chế bảo hiểm việc làm là cần thiết. Bảo hiểm việc làm sẽ hỗ trợ người lao động ngay cả khi họ vẫn đang làm việc, giúp họ nâng cao kỹ năng nghề nghiệp theo định kỳ, thích ứng với những biến động kinh tế và sẵn sàng chuyển đổi công việc khi cần thiết. Cơ chế này không chỉ giúp phòng ngừa nguy cơ mất việc mà còn tạo điều kiện để người lao động phát triển bền vững trong sự nghiệp”, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất.
Trước đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhiều người lao động tỏ ra phấn khởi và đồng tình bởi có thêm bảo hiểm việc làm người lao động sẽ cảm thấy an tâm hơn không phải lo lắng, thấp thỏm mỗi khi doanh nghiệp không có đơn hàng làm thêm giờ.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện nay, chúng ta chỉ có khái niệm hỗ trợ phát triển việc làm, nhà nước đầu tư phát triển việc làm; đối tượng hưởng lợi là người lao động và người sử dụng lao động. Cho nên, khi người lao động được tuyển dụng vào làm việc thì cần có chính sách hỗ trợ bảo đảm việc làm bền vững. Trường hợp những người lao động thất nghiệp thì hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp với các chế độ hỗ trợ sớm quay trở lại thị trường lao động.
Đề cập tới đề xuất về cơ chế bảo hiểm việc làm, trao đổi với báo chí, TS Phạm Đình Thành – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học bảo hiểm xã hội – Bảo hiểm xã hội Việt Nam (nay là Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính) cho rằng, người lao động đang có công ăn việc làm ổn định, nhưng vì một lý do nào đó, mất việc làm, khi đó được coi là thất nghiệp. Khi người lao động mất việc làm (thất nghiệp) thì bảo hiểm thất nghiệp là một trong những công cụ để đảm bảo thu nhập cho người lao động trong khi họ đang tìm kiếm việc làm. Do đó, việc đề xuất có thêm bảo hiểm việc làm không hợp lý.
Bên cạnh đó, theo TS Thành, người lao động đang làm việc lại có thêm thu nhập từ bảo hiểm việc làm thì không đúng với bản chất của bảo hiểm xã hội. Dẫn chứng, vị chuyên gia này cho biết, khi người lao động tham gia bảo hiểm y tế xã hội để đề phòng khi ốm đau, bệnh tật họ mới cần đến bảo hiểm y tế, được khám chữa bệnh và được quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám chữa bệnh. Người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí xã hội là để dự phòng khi đủ điều kiện nghỉ hưu, già yếu thì được hưởng lương hưu...
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-hiem-viec-lam-nen-hay-khong-10302608.html