Bảo hiểm VNI phải chịu trách nhiệm ra sao sau kết luận về hàng loạt sai phạm?

Bảo hiểm hàng không VNI bị cơ quan chức năng phát hiện loạt vi phạm, từ chi trả bồi thường, biểu mẫu giấy tờ cho đến quy trình nghiệp vụ về tài chính kế toán.

Sai thời hạn tạm ứng, bớt xén tiền bồi thường

Ngày 11/4/2025, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) ban hành kết luận thanh tra số 17/KL-QLBH về kết quả thanh tra tại Tổng công ty Cổ phần bảo hiểm hàng không (VNI).

Theo kết luận thanh tra, năm 2023 doanh nghiệp này phát sinh doanh thu từ phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là hơn 625 tỷ đồng, trong đó của chủ xe máy là 110,5 tỷ đồng và chủ xe ô tô là 514,7 tỷ đồng.

Về công tác bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, năm 2023, bảo hiểm VNI đã giải quyết 2.017 hồ sơ bồi thường, số tiền bồi thường là 108,5 tỷ đồng. Trong đó, 66 hồ sơ xe máy (bồi thường 4,4 tỷ đồng) và 1.951 ô tô (tiền bồi thường 104,1 tỷ đồng).

Trích kết luận thanh tra tại VNI của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Ảnh chụp văn bản

Trích kết luận thanh tra tại VNI của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm. Ảnh chụp văn bản

Về việc tạm ứng bồi thường bảo hiểm liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người được bảo hiểm, theo quy định là thanh toán trong 3 ngày.

Nhưng kết quả thanh tra, dựa trên chọn mẫu 5 hồ sơ, cho thấy VNI thanh toán bồi thường rất chậm, có những hồ sơ lên tới hơn 600 ngày so với quy định trong 15 - 30 ngày, chưa đúng quy định tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.

“Thời hạn thanh toán bồi thường thực tế cho thấy nhanh nhất là 19 ngày và các hồ sơ còn lại lần lượt là 302 ngày, 369 ngày, 544 ngày và 607 ngày”, trích kết luận thanh tra.

Có 10 trường hợp doanh nghiệp này yêu cầu bên mua bảo hiểm phải cung cấp tài liệu của cơ quan công an đối với trường hợp tổn thất về thương tật của bên thứ ba khi nộp hồ sơ bồi thường bảo hiểm, không đúng quy định tại Nghị định 03/2021.

Về căn cứ chi trả bồi thường, có 1 vụ việc gây tử vong về người công ty bồi thường cho khách hàng 30 triệu đồng, trong khi quy định tiền bồi thường tính mạng là 150 triệu đồng, hoặc theo thỏa thuận giữa chủ xe và người bị thiệt hại là 110 triệu đồng. Như vậy, căn cứ chi trả bồi thường trong vụ việc này không đúng quy định.

Có 10 trường hợp VNI không thông báo cho người bị tai nạn biết số tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Cơ quan thanh tra cũng chỉ ra công tác bồi thường bảo hiểm vật chất xe cơ giới của doanh nghiệp này chưa đúng quy định tại Quy tắc, điều khoản vật chất xe cơ giới của VNI đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Đến vi phạm quy định chuyên ngành

Thanh tra cũng chỉ ra, mặc dù Bảo hiểm Hàng không đã tích hợp tính năng tra cứu thông tin GCNBH trên trang điện tử của công ty, nhưng qua kiểm tra chọn mẫu thấy không tra cứu được thông tin về người được bảo hiểm, thời hạn và thông tin về xe tham gia bảo hiểm đối với một số GCNBH cấp bằng bản giấy…

Về tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng, thanh tra cho thấy công ty không thực hiện ghi âm cuộc gọi theo quy định về hướng dẫn, giải quyết bồi thường, không thống kê số lượng cuộc gọi do đó không theo dõi được kết quả giải quyết sự kiện bảo hiểm.

Thanh tra phát hiện VNI không thực hiện đúng quy định pháp luật về mẫu biểu báo cáo (vi phạm nghị định 67/2023), tiếp nhận thông tin tai nạn qua đường dây nóng, thời hạn Giấy chứng nhận bảo hiểm, thông tin trên Giấy chứng nhận bảo hiểm và việc tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm; việc giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường cũng có vi phạm (điểm e, khoản 2 điều 20 Luật kinh doanh bảo hiểm 2022).

Chậm trễ chi tạm ứng, bồi thường và các nghiệp vụ tổng đài, ghi âm cuộc gọi chưa được bảo hiểm VNI thực hiện đúng quy định. Ảnh minh họa

Chậm trễ chi tạm ứng, bồi thường và các nghiệp vụ tổng đài, ghi âm cuộc gọi chưa được bảo hiểm VNI thực hiện đúng quy định. Ảnh minh họa

Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đối với những sai phạm được thanh tra chỉ ra, theo các quy định hiện nay, phía bảo hiểm VNI có thể sẽ phải thực hiện những công việc tiếp theo, gồm:

Thứ nhất, phải bồi thường cho những trường hợp chưa bồi thường đầy đủ, kể cả trường hợp bị giảm trừ (chế tài bảo hiểm) số tiền bảo hiểm trái quy định.

Thứ hai, phải khắc phục sai phạm về quy trình quản lý nghiệp vụ theo kết luận thanh tra đã chỉ ra, bao gồm trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, ngoài ra có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về các sai phạm nghiệp vụ của mình.

Thứ ba, cơ quan thanh tra sẽ đề nghị cơ quan thuế vào cuộc, rà soát việc thực hiện pháp luật về thuế trong kê khai các khoản doanh thu, chi phí.

Thứ tư, bảo hiểm VNI phải khẩn trương, nghiêm túc khắc phục sai phạm, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý giám sát bảo hiểm trước ngày 31/5.

Lam Anh

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/bao-hiem-vni-phai-chiu-trach-nhiem-ra-sao-sau-ket-luan-ve-hang-loat-sai-pham-192250425112605574.htm