Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Mở rộng quyền lợi cho người tham gia

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7 với nhiều sửa đổi quan trọng, đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Một trong những điểm mới là đề xuất mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Theo đó, ngoài hai chế độ (hưu trí và tử tuất) như hiện nay, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng trợ cấp thai sản (do ngân sách Nhà nước đảm bảo) và bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước đảm bảo

Theo dự thảo Luật, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu được áp dụng tại thời điểm đóng.

Tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện bằng 22% thu nhập làm căn cứ đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất. Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được đề xuất thêm chế độ trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động. Ảnh: Hoàng Phúc

Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được đề xuất thêm chế độ trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động. Ảnh: Hoàng Phúc

Về trợ cấp thai sản, dự thảo Luật quy định lao động nữ sinh con, lao động nam có vợ sinh con mà tham gia BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp thai sản. Mức trợ cấp là 2.000.000 đồng cho một con.

Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức trợ cấp thai sản nói trên, vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định của Chính phủ.

Trợ cấp thai sản này do ngân sách nhà nước đảm bảo. Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Thảo luận tại nghị trường về nội dung này, đại biểu Quốc hội Đào Chí Nghĩa (Đoàn thành phố Cần Thơ) đề nghị quy định chỉ cần tham gia đóng BHXH tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trước khi sinh con và tiếp tục đóng BHXH tối thiểu 6 tháng tiếp theo sau khi thời gian sinh con là được hưởng chế độ trợ cấp thai sản.

Đại biểu cũng đề nghị với trường hợp cả cha và mẹ đều tham gia BHXH tự nguyện và sinh con chung thì cả cha và mẹ đều được hưởng chế độ thai sản nhằm đảm bảo sự công bằng giữa gia đình có cha, mẹ cùng đóng BHXH tự nguyện so với gia đình chỉ có một trường hợp là mẹ hoặc cha đóng BHXH tự nguyện. “Điều này sẽ đảm bảo tính hấp dẫn của chính sách trên nguyên tắc đóng nhiều thì sẽ được hưởng nhiều”, đại biểu Đào Chí Nghĩa phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Đoàn tỉnh Phú Thọ) nhìn nhận, theo dự thảo Luật thì mức lương hưu hằng tháng của người tham gia bảo hiểm tự nguyện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH, tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

“Quy định trên sẽ dẫn đến sự chênh lệch mức giữa nam và nữ cùng mức đóng, thời gian đóng. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của nữ giới cao hơn nam giới, đối tượng BHXH tự nguyện hướng đến chủ yếu là nông dân, người không có việc làm ổn định thường xuyên, như vậy sẽ khó thu hút, thuyết phục, tăng tính hấp dẫn và mở rộng được đối tượng bao phủ BHXH tự nguyện. Do vậy, tôi đề nghị cần phải cân nhắc thêm”, đại biểu Nguyễn Thành Nam nói.

Nâng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện

Một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn tỉnh Cà Mau) cho rằng, theo Luật BHXH năm 2014, mức hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế được tính trên chuẩn nghèo khu vực nông thôn hiện nay là quá thấp.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, chuẩn nghèo theo tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/tháng, theo đó hộ nghèo được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và đối tượng khác được hỗ trợ 10%, số tiền cụ thể tương ứng là 99.000 đồng/tháng, 82.500 đồng/tháng và 33.000 đồng/tháng.

Theo đại biểu, mức hỗ trợ thấp như vậy không đủ động lực với người lao động tham gia BHXH tự nguyện, nên trong nhiều năm qua tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm tỉ lệ đặc biệt thấp trong tổng số lực lượng lao động. Mặc dù được triển khai từ năm 2008, nhưng 15 năm qua hiện nay số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,4 triệu người, bằng 3,17% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Cho rằng điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đã có bước phát triển, đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị nâng mức hỗ trợ của Nhà nước lên cao hơn và căn cứ tính hỗ trợ là mức chuẩn nghèo khu vực thành thị hoặc mức lương tối thiểu vùng thấp để nông dân lao động khu phi chính thức, người thu nhập thấp, nghèo, cận nghèo tham gia BHXH tự nguyện nhiều hơn, đúng với tinh thần Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết 42 về chính sách xã hội đề ra để không ai bị bỏ lại phía sau, lọt ra ngoài mạng lưới an sinh xã hội.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn tỉnh Kon Tum) đề nghị tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện. “Tôi thấy cần phải tăng mức hỗ trợ này lên, nhất là những đối tượng 10% vì họ sẽ thấy được quyền lợi sát sườn nhất, những lợi ích khác họ có thể chưa thấy nhưng riêng thấy được hỗ trợ cao thế này thì họ sẽ tích cực tham gia hơn. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế cho thấy nếu không có hỗ trợ đáng kể thì tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn thấp”, đại biểu đoàn Kon Tum phân tích.

Còn đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn tỉnh Ninh Bình) lại đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, cho phép công dân nước ngoài đủ điều kiện thường trú tại Việt Nam mà không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được tham gia BHXH tự nguyện, nhằm mở rộng hơn mạng lưới an sinh xã hội.

Điều 109 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện như sau:

Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện được tính bằng bình quân các mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.

Thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-mo-rong-quyen-loi-cho-nguoi-tham-gia-171981.html