Báo Italy: Khí đốt đang trong 'lòng bàn tay' Mỹ, thế lực chi phối kinh tế châu Âu không còn ở Viễn Đông?
Châu Âu đã và sẽ ngày càng cần đến khí hóa lỏng (LNG) của Mỹ với giá thành cao, được sản xuất bằng những công nghệ bị từ chối sử dụng trong lãnh thổ châu Âu.
Có tất cả 641 tàu chở LNG đang hoạt động trên thế giới, thì có tới 60 chiếc trong số đó đang chờ xả nhiên liệu ở châu Âu. Theo Marine Traffic, những còn tàu này đã gần như dừng lại hoặc từ từ đi vòng quanh Tây Bắc châu Âu, Địa Trung Hải và Bán đảo Iberia. Một chiếc được neo tại kênh đào Suez. Tám tàu LNG xuất phát từ Mỹ đang được cho tiến vào cảng Huelva của Tây Ban Nha.
Từ sau chiến dịch quân sự của Moscow tiến hành tại Ukraine và loạt đòn trừng phạt-trả đũa qua lại giữa Nga và châu Âu, khiến nguồn cung khí đốt tại khu vực này ngày càng bị thắt chặt, còn mùa Đông thì đã cận kề. Tranh thủ "mức giá tốt", Mỹ đã sớm chớp cơ hội, bán nhiều hơn LNG sang châu Âu.
Kết quả là, lượng khí đốt tự nhiên tồn kho đã tăng nhiều hơn so với dự kiến của thị trường. Dự trữ khí đốt ở châu Âu tiếp tục tăng và hiện đã vượt quá 93%. Trong khi, luôn còn một lượng tàu chở đầy LNG đang chờ dỡ hàng "lượn" bên ngoài các cảng có cơ sở hạ tầng có thể tiếp nhận, ở châu Âu .
Viễn Đông hay Viễn Tây?
“Làn sóng" tàu chở LNG đã vượt qua năng lực bốc dỡ và xử lý loại hàng hóa đặc biệt - vốn cần cả một hạ tầng cơ bản, từ đường ống kết nối, đến nhà máy tái khí hóa, của các cơ sở tiếp nhận tại châu Âu”, Chủ tịch Andrew Lipow của Lipow Oil Associates cho biết.
Lượng LNG trong các kho lưu trữ nổi đang tăng lên từng ngày - đồng nghĩa với việc giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đang giảm. Giá khí đốt của châu Âu đã tăng lên trên 340 Euro (332,6 USD) mỗi Megawatt giờ vào cuối tháng 8, nhưng tuần này lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 100 USD kể từ khi Nga cắt giảm nguồn cung. Có điều, mức giá trước cuộc xung đột Nga-Ukraine là 30 Euro.
Nguồn khí đốt từ Mỹ có vẻ đang thay thế tốt nguồn cung Nga, làm nguôi ngoai sự lo lắng của các nhà lãnh đạo châu Âu trước mùa Đông cận kề.
Đó cũng là lúc giới quan sát đặt ra câu hỏi, có phải quyền lực của Mỹ đang tiếp tục chi phối các vấn đề ở châu Âu?
Trong bài viết đăng trên báo mạng Corriere della Sera - tờ báo lâu đời và nhiều độc giả nhất tại Italy, tác giả Federico Fubini nhận định rằng, trong nhiều thập kỷ, châu Âu đã nằm trong sự chi phối của Mỹ về mặt quân sự, công nghiệp và chiến lược.
Điểm yếu này của châu Âu có thể sẽ làm đảo ngược những câu chuyện của 20 năm gần đây. Thế lực đang gây xói mòn nền tảng công nghiệp Italy và châu Âu có thể không còn là ở Viễn Đông, mà đang chuyển sang Viễn Tây và chính là Mỹ.
Gần đây, ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến thăm hạt Licking, bang Ohio, nơi Intel sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất chất bán dẫn. Với Đạo luật về Chip và Khoa học được đưa ra vào tháng 8/2022, Mỹ đã phân bổ 50 tỷ USD trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp tư nhân Mỹ - Intel, Qualcomm, Micron, Global Foundries - để phát triển chất bán dẫn trên lãnh thổ quốc gia. Một trong số các mục tiêu chính là phải "giải phóng" nền kinh tế Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Đài Loan (Trung Quốc).
Bán dẫn không phải là ngành duy nhất nhận được trợ cấp rất mạnh từ chính quyền Tổng thống Biden. Từ điện toán lượng tử, công nghệ sinh học, hydro, sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời và các công nghệ năng lượng tái tạo khác, Nhà Trắng đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm tới.
Thêm vào đó là 40 tỷ USD được phân bổ cho Ukraine, phần lớn được chuyển hóa thành các đơn hàng về công nghiệp quốc phòng của Mỹ để Lầu Năm Góc tiếp tục hỗ trợ Kiev.
Một vị bộ trưởng châu Âu gần đây đã ước tính, mức trợ cấp công nghiệp trung bình ở Mỹ cao hơn rất nhiều so với mức hiện hành ở châu Âu.
Nếu quyết định đầu tư vào Mỹ, thay vì ở phía bờ Đông của Đại Tây Dương, các doanh nghiệp sẽ được chính phủ hỗ trợ ở mức cao gấp 4 lần. Không rõ mức độ tin cậy của những ước tính này song trên thực tế, giá khí đốt ở Mỹ vào cuối tháng 8/2021 chỉ bằng 1/8 so với châu Âu và tương đương 1/6 hiện nay, theo tính toán của chuyên gia Simone Tagliapietra thuộc trung tâm nghiên cứu Bruegel.
Điều này một lần nữa đặt lĩnh vực công nghiệp châu Âu vào thế yếu trong tất cả các ngành sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt như thép, xi măng, hóa chất, công nghiệp quốc phòng.
Nghịch lý ở châu Âu?
Liên quan đến lý do giá khí đốt tại châu Âu cao hơn ở Mỹ, việc người dân châu Âu chi trả nhiều tiền cho khí đốt hơn so với người Mỹ là điều bình thường. Mỹ có thể tự sản xuất và vận chuyển khí đốt đến các khu công nghiệp trong nước thông qua đường ống. Trong khi đó, châu Âu "không muốn" sản xuất khí đốt.
Nói chính xác hơn, vì lý do về môi trường, châu Âu không muốn tiến hành thăm dò tiềm năng mới ở Italy, khai thác mỏ Groningen rộng lớn ở Hà Lan hay khí đá phiến ở bất cứ đâu tại châu Âu. Tuy nhiên, châu Âu lại muốn mua khí đốt được sản xuất theo cách tương tự từ Mỹ.
Do đó, nhiên liệu dưới dạng hóa lỏng sẽ tiếp tục đổ dồn đến châu Âu sau khoảng 18 ngày vận chuyển bằng đường biển từ vịnh Mexico, để phục vụ các ngành công nghiệp nặng ở khu vục này.
Vì vậy, người tiêu dùng châu Âu phải trả thêm chi phí, cũng bởi vì châu Âu không trang bị sẵn cơ sở hạ tầng phù hợp để tiếp nhận nguồn khí đốt từ Mỹ chuyển đến. Hiện nay các tàu chở dầu xếp hàng trước các cảng châu Âu. Chỉ riêng trong ngày 17/10 vừa qua, ít nhất 35 tàu chở khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) xuất phát từ Mỹ phải chờ đợi dọc bờ biển nhiều nước châu Âu, từ Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Italy.
Số tàu hàng này không biết phải giao hàng đến đâu ngay trong thời điểm cuộc khủng hoảng khí đốt lớn nhất lịch sử châu Âu đang trở nên trầm trọng. Một số tàu hàng sẽ phải thay đổi hải trình và hướng đến châu Á. Mặc dù Tây Ban Nha sở hữu hạ tầng phù hợp để tái khí hóa song Pháp lại từ chối việc kết nối bằng đường ống để cung cấp cho phần còn lại của châu Âu. Italy cũng có khả năng kết nối nhưng lại không có đủ cơ sở tái khí hóa.
Điều gì đã dẫn đến tình huống mất cân bằng đến như vậy?
Đó có thể là vai trò của châu Âu và sức mạnh của Mỹ. Trước đây, những khoản trợ cấp quy mô lớn của chính quyền Mỹ dành cho các ngành công nghiệp tiên tiến nhất có thể sẽ kích hoạt hành động của Brussels chống lại Washington ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tuy nhiên, châu Âu hiện không thể làm điều đó bởi tình trạng phụ thuộc vào Mỹ. Điều này khiến châu Âu rơi vào tình trạng thua kém về các mặt chiến lược, cạnh tranh và công nghiệp.
Châu Âu có nguy cơ đang phi công nghiệp hóa theo hướng có lợi cho đồng minh bên kia Đại Tây Dương, dù rằng thực trạng này hiện chưa được đề cập một cách chi tiết.