Báo Khánh Hòa: Cột mốc mới, hành trang mới để nâng tầm phát triển

Ngày 24-4-2025, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị công bố quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Tỉnh ủy đã công bố quyết định hợp nhất Báo Khánh Hòa và Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa, lấy tên là Báo Khánh Hòa. Việc hợp nhất này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong bối cảnh cả nước khẩn trương, quyết liệt, triệt để việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Đây là bước ngoặt quan trọng của 2 cơ quan báo chí của tỉnh, việc hợp nhất sẽ phát huy được sức mạnh của một cơ quan báo chí truyền thông - kênh thông tin chính thống, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời là cơ hội để cơ quan báo chí của tỉnh làm mới mình, phát triển phù hợp với xu thế mới.

Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định cho Ban Biên tập Báo Khánh Hòa (sau hợp nhất).

Thường trực Tỉnh ủy trao quyết định cho Ban Biên tập Báo Khánh Hòa (sau hợp nhất).

Đối với các cơ quan, đơn vị khi hợp nhất, sáp nhập, Trung ương đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể về sắp xếp, tên gọi. Các cơ quan báo chí cũng vậy. Theo Công văn số 34 ngày 17-2-2025 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đối với tên cơ quan báo chí có nêu rõ: Bám sát Quy định 338-QĐ/TW năm 2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của Đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bám sát Quy định 232-QĐ/TW năm 2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; bám sát Luật Báo chí 2016 và các quy định liên quan; kế thừa và phát huy giá trị thương hiệu truyền thống quen thuộc của báo Đảng địa phương, thống nhất tên gọi là Báo gắn với tên đơn vị hành chính của địa phương. Như vậy, việc hợp nhất 2 cơ quan báo đài của tỉnh, lấy tên Báo Khánh Hòa là hoàn toàn đúng với các quy định, nhất là theo Điều 14 Khoản 1 Quy định 232 của Ban Bí thư về lập các cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các đơn vị: Văn phòng, ban tổ chức, cơ quan ủy ban kiểm tra, ban tuyên giáo và dân vận, ban nội chính, trường chính trị và báo của đảng bộ tỉnh, thành phố. Cơ quan báo chí của tỉnh sau sáp nhập, cụ thể ở đây là Báo Khánh Hòa có đầy đủ các loại hình báo chí: báo in, báo nói (phát thanh), báo điện tử và báo hình. Cũng cần nói rõ hơn báo hình là bao gồm các chương trình truyền hình, chương trình nghe - nhìn thời sự được thực hiện bằng các phương tiện kỹ thuật khác nhau. Như vậy, sau khi hợp nhất, tên gọi Báo Khánh Hòa đã bao hàm tất cả các loại hình báo chí của hai cơ quan báo chí trước đây, chứ không phải là không bao hàm chức năng của đài phát thanh và truyền hình như một số ý kiến trên mạng gần đây.

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan báo chí theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW chính là một trong những đột phá để giúp nền báo chí cách mạng Việt Nam “vươn mình” phát triển chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn. Việc hợp nhất sẽ giúp các cơ quan báo chí phát huy được giá trị của các loại hình báo chí truyền thống, đồng thời sẽ tích cực thay đổi để làm mới mình, hoạt động tốt hơn, thực hiện có hiệu quả hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền và đáp ứng được nhu cầu của người dân. Tin rằng, với bề dày truyền thống của 2 đơn vị Báo Khánh Hòa và Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa, khi đi vào hoạt động với tên gọi Báo Khánh Hòa sẽ tiếp tục phát triển vững mạnh, xứng đáng là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, xứng đáng với sự tin yêu của bạn đọc, khán thính giả, cùng hướng tới mục tiêu phát triển báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn.

HẢI NGUYỆT

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202504/bao-khanh-hoa-cot-moc-moi-hanh-trang-moi-de-nang-tam-phat-trien-ad75689/