Báo Kinh tế & Đô thị: Hành trình về những 'địa chỉ đỏ' của báo chí Cách mạng Việt Nam
Thiết thực kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam và 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 23/4, Báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức hành trình về nguồn tại các 'địa chỉ đỏ' của báo chí Cách mạng Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là chuyến đi thực tế mang đậm dấu ấn, mà còn là hành trình tri ân, nhắc nhớ mỗi người làm báo về cội nguồn truyền thống cách mạng, bồi đắp lý tưởng và tinh thần nghề nghiệp.
Trong hành trình về nguồn, tham quan các "địa chỉ đỏ" của báo chí Cách mạng Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên, toàn thể cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên... của Báo Kinh tế & Đô thị đã đến dâng hương và tham quan tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De (xã Phú Đình, huyện Định Hóa). Trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn Báo Kinh tế & Đô thị đã thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy vĩ đại của lớp lớp các thế hệ nhà báo Cách mạng Việt Nam; các nhà báo tiền bối đã cống hiến hết mình, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trung thành với Đảng, góp phần dựng xây sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam..

Báo Kinh tế & Đô thị dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh đèo De (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Thái Nguyên). Ảnh: Phạm Hùng
“Đoàn Báo Kinh tế & Đô thị - Cơ quan ngôn luận của UBND TP Hà Nội đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh đạo thiên tài của dân tộc Việt Nam, người thầy của nền Báo chí Cách mạng Việ Nam. Chúng con luôn khắc cốt ghi tâm nhớ lời dạy của Người, phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị viết trong sổ ghi cảm tưởng.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị viết sổ ghi cảm tưởng
Tiếp đó, Đoàn đến dâng hương tại Khu di tích di tích lịch sử quốc gia, địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, Thái Nguyên); thăm Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam, nơi lưu giữ những kỷ vật, tư liệu, hình ảnh về các hoạt động quan trọng của lãnh đạo Hội từ khi thành lập đến nay.
Tại địa điểm này, ngày 21/4/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam) đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất, sự kiện ghi mốc son trong sự phát triển của báo chí Cách mạng Việt Nam.

Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Kinh tế & Đô thị thăm Nhà trưng bày của Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn
Cũng trong hành trình về nguồn, Đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ các học viên của Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng tại Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Đây là ngôi trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị Tổng bộ Việt Minh tổ chức ngày 4/4/1949, là cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên của báo chí Cách mạng Việt Nam. Tại đây, các thành viên của đoàn Báo Kinh tế & Đô thị đã tìm hiểu về truyền thống cách mạng, quá trình ra đời của Trường, xem các tư liệu, hiện vật quý và tên tuổi những nhà báo gắn liền với sự ra đời của Trường.

Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên... Báo Kinh tế & Đô thị tham quan Di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Phạm Hùng.
Hành trình về nguồn nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Kinh tế & Đô thị về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, sự ra đời của nền báo chí Cách mạng Việt Nam gắn với công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng thời giáo dục ý thức, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam cũng như trách nhiệm, vai trò của báo chí trong Kỷ nguyên mới; Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.