Bảo Lạc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp
Mặc dù chưa vào cao điểm của mùa khô nhưng trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã có xóm vùng cao thiếu nước sinh hoạt, hàng trăm héc ta cây trồng bị khô hạn. Ngành chức năng, chính quyền địa phương đã và đang triển khai các biện pháp chống hạn nhằm ổn định sinh hoạt và giảm thiệt hại cho người dân.
Mùa đông xuân 2024 - 2025, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đầu vụ có những đợt rét kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng và sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Từ tháng 3 đến nay xảy ra hạn hán, nắng nóng, nhiều nguồn nước từ các khe, bể dự trữ cạn kiệt, người dân phải đối mặt với khó khăn do thiếu nước sinh hoạt và chăn nuôi, trồng trọt.
Đến nay, toàn huyện gieo trồng được 68,7 ha lúa xuân, đạt 89,33% kế hoạch; trồng 408,5 ha ngô, đạt 75,32%, hiện đang giai đoạn 7 - 8 lá; trồng 20,6 ha đỗ tương, đạt 77,15%; trồng 10,8 ha lạc, đạt 68,35%; cây sắn mặc dù bà con đã chuẩn bị đất trồng nhưng do thời tiết nắng hạn, khô hanh nên chưa trồng được. Trên địa bàn huyện có 153 công trình thủy lợi, đảm bảo diện tích nước hơn 2.450 ha. Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước tập trung tại các xã: Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường, Thượng Hà, Cốc Pàng, Bảo Toàn, Hồng Trị và thị trấn.
Tại xã Hồng Trị, ước tính diện tích lúa xuân bị ảnh hưởng hạn hán khoảng 20 ha, ngô xuân khoảng 46 ha và trên 4,3 ha hoa màu. Anh Lục Văn Quý, xóm Bản Pjậy trồng trên 2 ha sắn, gần 2 ha dâu tằm và cây hồi. Nguồn nước tưới tiêu chủ yếu trông chờ vào nước mưa và các khe nên khi hạn hán, số cây hồi, dâu tằm trồng mới gần như bị chết, cây sắp cho thu hoạch bị khô nên ảnh hưởng đến sản lượng. Mặc dù kéo được đường ống nước từ vùng thấp lên phục vụ sinh hoạt nhưng cây trồng trên diện tích rộng, ở đồi dốc cao không thể đưa nước tưới cho cây.
Xã vùng cao Khánh Xuân có 13 xóm, 100% xóm có cây trồng bị ảnh hưởng, cây chết, không sinh trưởng và phát triển được do khô hạn, nhiều nhất là diện tích cây ngô và dâu tằm. Trong đó các hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng từ các chương trình mục tiêu quốc gia đã trồng cây dâu tằm từ cuối năm 2024 đến quý I/2025, nhưng do thời tiết khô hạn đến nay chỉ còn khoảng 40% cây sống và sinh trưởng. Nếu thời tiết cực đoan tiếp tục kéo dài, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp của người dân sẽ còn tăng thêm, đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Vận chuyển nước sinh hoạt hỗ trợ người dân các xóm vùng cao xã Khánh Xuân (Bảo Lạc).
Chủ tịch UBND xã Khánh Xuân Lê Văn Thanh cho biết: Qua rà soát, thống kê, đến ngày 21/4/2025, xã có 146 hộ thiếu nước sinh hoạt, cụ thể, Cà Lò 35 hộ, Hò Lù 33 hộ, Lũng Chàm 35 hộ, Pác Kéo 21 hộ, Mác Nẻng 22 hộ. Thời gian qua, một số hộ dân phải đến khu vực UBND xã chở nước về phục vụ sinh hoạt. Để kịp thời hỗ trợ nhân dân, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ chở nước bằng ô tô đến các điểm xóm Lũng Rỳ, Lũng Pjao và đèo Khau Cốc Chà để nhân dân các xóm: Pác Kéo, Mác Nẻng, Bản Diềm, Lũng Chàm, Điểm trường Mác Nẻng, Điểm trường Lũng Quang đến tiếp nhận nước được thuận lợi.
Huyện tiếp tục hỗ trợ nước cho 59 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt tại xóm Xà Phìn, xã Xuân Trường. Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường Tô Đức Bình, các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện chủ yếu bằng công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy, nguồn nước không ổn định, thường chỉ đảm bảo từ 6 - 7 tháng trong năm. Các tháng còn lại người dân phải đi rất xa để lấy nước sinh hoạt tại khu vực đầu nguồn hoặc các hang, mó nước tự nhiên. Nhiều công trình vừa là nước sinh hoạt vừa là nguồn lấy nước phục vụ sản xuất. Đặc biệt, một số xã vùng cao biên giới (Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường và một số xóm thuộc xã Thượng Hà) có địa hình hiểm trở, đồi núi cao, không có các ao, hồ chứa nước nên không có nguồn dự trữ nước để tưới tiêu và sinh hoạt. Cùng với đó, do cơn bão số 3 rất nhiều công trình thủy lợi, nước sạch bị hư hỏng chưa được khắc phục, sửa chữa nên không đảm bảo cung cấp nước theo nhiệm vụ của công trình.
Nhằm ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung nâng cao chất lượng công tác kiểm kê, đánh giá thực trạng, dự báo nguồn nước tại các hệ thống thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để điều chỉnh, bổ sung phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước phù hợp với thực tiễn nguồn nước. Xây dựng kịch bản điều hành, kế hoạch sản xuất cụ thể từng vụ và đưa ra các phương án sản xuất nông nghiệp, phù hợp với tình hình thời tiết; chủ động rà soát, xem xét lùi thời vụ, chuyển đổi sản xuất nếu nguồn nước không bảo đảm cung cấp trong suốt thời gian sản xuất. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến thời vụ và tổ chức sản xuất để hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước; sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.
Đối với trường hợp thiếu nước nghiêm trọng, ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi, cấp cho các diện tích cây trồng lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đảm bảo vượt qua mùa hạn. Đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào khai thác và sử dụng các công trình phòng, chống hạn hán, cấp nước sinh hoạt cho người dân theo phương châm “càng sớm càng tốt”, nhất là ở các vùng có nguy cơ cao; xử lý các trường hợp không thực hiện nghiêm kế hoạch cấp nước, làm thất thoát, lãng phí nước, gây ô nhiễm nguồn nước.
Huyện chỉ đạo các xã tăng cường hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước mưa để sử dụng trong thời kỳ cao điểm hạn hán, thiếu nước. Tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương; tính toán lắp đặt thêm hệ thống các trạm bơm dã chiến tại những vị trí thuận lợi về nguồn nước để nâng cao năng lực cấp nước cho hệ thống, linh hoạt trong công tác cấp nước đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất. Tập trung nguồn lực tiến hành khắc phục sửa chữa các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt đảm bảo nước tưới và sinh hoạt cho nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích của việc trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ nước.