Từ chuyến bay Bắc - Nam đầu tiên đến sự vươn mình ngoạn mục

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng sinh ra trong thời bình, lại thuộc thế hệ 8x, nhưng những gì thuộc về lịch sử ngành hàng không đã được ông nắm chắc như 'nằm lòng'. Với ông, thông tin về những chuyến bay Bắc-Nam đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước sẽ mãi là trang sử tự hào của người làm hàng không nói chung và người dân cả nước nói riêng.

Dấu mốc lịch sử

Nói về chuyến bay đầu tiên sau ngày độc lập, ông Uông Việt Dũng cho biết, ngay sau khi Sài Gòn giải phóng, ngày 1/5/1975, chiếc máy bay trực thăng MI-6 do tổ bay của đồng chí Lê Đình Ký – chiếc máy bay đầu tiên sơn phủ hiệu Không quân nhân dân Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, đem theo một lá cờ Tổ quốc rất lớn để cắm trên nóc Dinh Độc Lập.

Tiếp đó, một đoàn cán bộ kỹ thuật của Không quân, trong đó có các cán bộ kỹ thuật của Ban Kỹ thuật Lữ đoàn 919 do đồng chí Nguyễn Văn Chung dẫn đầu, đã có mặt ở sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp quản trung tâm kỹ thuật của hàng không dân dụng Sài Gòn.

Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13-5-1975. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng bộ miền Nam đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 13-5-1975. Ảnh: TTXVN

Đến ngày 13/ 5/1975, chiếc máy bay chuyên cơ IL-18 số hiệu VN195 của Hàng không dân dụng Việt Nam cất cánh từ sân bay Gia Lâm bay thẳng đến sân bay Tân Sơn Nhất lần đầu tiên đưa Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng cùng Đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước ta vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam kể, chuyến bay này ngoài chở Bác Tôn, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, trong đoàn còn có các lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, cùng nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị. Tất cả gần 40 người đã vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng, mừng thống nhất đất nước. Chuyến bay đó đã được nhà thơ Tố Hữu ghi lại bằng những dòng cảm xúc: “Nhớ buổi sáng Sài Gòn giải phóng/Người anh xuống sân bay, dang hai tay ôm cả miền Nam”, trong không khí “đường phố hát nửa mừng, nửa tủi” của niềm vui thống nhất.

Phải nói rằng những chuyến bay đầu tiên mang một ý nghĩa lịch sử. Thời khắc đó không chỉ đánh dấu sự kết nối liền mạch giữa hai miền Bắc-Nam sau nhiều năm chia cắt, mà còn thể hiện niềm vui lớn của ngày thống nhất và sự quyết tâm xây dựng đất nước của Đảng và Nhà nước. Việc nhanh chóng khôi phục đường bay Bắc-Nam có ý nghĩa vô cùng to lớn về mặt chính trị và kinh tế, góp phần thúc đẩy quá trình thống nhất và phát triển đất nước.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Việt Nam đã thu hồi một số lượng lớn máy bay cả quân sự và dân sự và sân bay, song cũng đối mặt với không ít khó khăn. Các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và các sân bay địa phương khác cũng được tiếp quản. Song hạ tầng sân bay và trang thiết bị bị hư hại nặng nề do chiến tranh. Nhiều máy bay cần được sửa chữa và bảo dưỡng để có thể hoạt động trở lại. Các trang thiết bị kiểm soát không lưu và các hệ thống hỗ trợ khác cũng cần được khôi phục.

Hiểu được nhiệm vụ của mình, ngành Hàng không Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các hoạt động sửa chữa, bảo dưỡng và khôi phục hạ tầng, trang thiết bị. Các kỹ sư và kỹ thuật viên đã làm việc không ngừng để đưa các sân bay và máy bay trở lại hoạt động. Việc khôi phục các đường bay và tăng tần suất chuyến bay được ưu tiên hàng đầu để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế. Việc sửa chữa và sử dụng lại các máy bay chiến lợi phẩm cũng được đẩy mạnh. Việc khắc phục và sử dụng lại các sân bay đã có, giúp Việt Nam nhanh chóng tái thiết đường bay dân dụng.

Sau khi hoàn thành việc tiếp quản và khôi phục các sân bay, ngành hàng không dân dụng Việt Nam đã nhanh chóng tăng cường tần suất các chuyến bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các đường bay mới cũng được mở ra, kết nối TP Hồ Chí Minh với các địa phương khác trên cả nước, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.

Thế nhưng trong giai đoạn đầu sau giải phóng, việc đi lại bằng máy bay có thể còn một số hạn chế nhất định, ưu tiên cho các cán bộ, công chức và những người có nhiệm vụ công tác. Sau một thời gian, khi tình hình ổn định, việc bán vé máy bay dần được mở rộng cho mọi đối tượng công dân.

Ước mơ của hàng triệu người dân đã trở thành hiện thực

Sau ngày 30/4/1975, nhu cầu đi lại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, cũng như nhu cầu chuyên chở cán bộ, bộ đội, thương binh, hàng hóa, thuốc men giữa hai miền rất lớn. Những sân bay chính đã được khôi phục bảo đảm hoạt động bình thường, hệ thống thông tin liên lạc đã được sửa chữa và đảm bảo thông suốt từ Bắc vào Nam.

Trung tâm Kiểm soát không lưu (ACC) Sài Gòn được đưa vào hoạt động, nghiên cứu điều chỉnh sơ đồ đường bay trên vùng trời miền Nam, quy chế kiểm soát không lưu. Các chuyến bay thường xuyên theo lịch Hà Nội - Tân Sơn Nhất - Hà Nội và Hà Nội - Đà Nẵng - Tân Sơn Nhất - Đà Nẵng - Hà Nội đã bắt đầu hoạt động.

Tuy nhiên, phải đến ngày 20/3/1976, Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam (11/2/1976) mới gửi tờ trình lên Hội đồng Chính phủ về việc xin mở các đường bay trong nước tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh, Hà Nội - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt, Hà Nội - Nà Sản - Điện Biện Phủ và đề nghị sớm cho bán vé hành khách và cước hàng hóa.

Đến 20/8/1976, Nhà nước chính thức cho phép ngành Hàng không dân dụng được bán vé hành khách và cước hàng hóa. Lúc này, việc bán vé mới chỉ phục vụ hạn chế đối tượng theo quy định, với nhiều thủ tục kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và phức tạp. Cán bộ công nhân viên, bộ đội có nhiệm vụ đi công tác phải do cấp bộ hoặc cơ quan tương đương cử.

Từ chỗ chỉ có một chuyến bay/ngày với duy nhất 1 hãng phục vụ, Việt Nam hiện nay đã có 5 hãng hàng không với 66 đường bay nội địa, cùng khai thác hơn 150 đường bay quốc tế.

Từ chỗ chỉ có một chuyến bay/ngày với duy nhất 1 hãng phục vụ, Việt Nam hiện nay đã có 5 hãng hàng không với 66 đường bay nội địa, cùng khai thác hơn 150 đường bay quốc tế.

Trải qua thời khắc lịch sử, cho đến nay, ngành hàng không Việt Nam đã đạt được những dấu mốc ấn tượng. “Chúng tôi không muốn dùng từ “thần tốc”, dù đây là một từ rất hay đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp sử dụng trong bức điện lịch sử ngày 7/4/1975. Chúng tôi cho rằng, sự phát triển của ngành trong những năm qua là rất nhanh và mạnh mẽ, điều này được thể hiện rõ ràng”, Cục trưởng Uông Việt Dũng bày tỏ, và ông dẫn chứng: Đó là sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không giá rẻ như Vietjet Air đã tạo sự cạnh tranh mạnh mẽ, làm giảm đáng kể giá vé máy bay. Điều này đã mở ra cơ hội cho nhiều người dân, kể cả những người có thu nhập thấp, có thể trải nghiệm dịch vụ hàng không.

Đó là việc các hãng hàng không Việt Nam đã không ngừng mở rộng mạng lưới đường bay trong nước và quốc tế, kết nối nhiều địa phương và quốc gia hơn. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, du lịch và giao thương. Số lượng hành khách đi máy bay đã tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, cho thấy sự phổ cập của dịch vụ hàng không. Ngay cả những người có thu nhập thấp cũng có thể dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm dịch vụ này. Tựu trung lại, những yếu tố trên đã góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không Việt Nam, biến ước mơ được bay trên bầu trời trở thành hiện thực của nhiều người dân.

Từ chỗ chỉ có một chuyến bay/ngày với duy nhất 1 hãng phục vụ, Việt Nam hiện nay đã có 5 hãng hàng không Việt Nam là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines khai thác thị trường vận tải hàng không Việt Nam với 66 đường bay nội địa. Các hãng hàng không Việt Nam và 78 hãng hàng không nước ngoài khai thác hơn 159 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến thường lệ. Mạng đường bay quốc tế kết nối cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tới 39 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ các khu vực tại Châu Á gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Nam Á, Trung Á, Trung Đông tới các quốc gia ở Châu Âu, Châu Phi, Bắc Mỹ và nước Úc.

Trong giai đoạn trung hạn tiếp theo, vận tải hàng không sẽ duy trì nhịp tăng trưởng đối với thị trường vận tải hàng không Việt Nam, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8%-10%/năm, trong đó, với năm 2025, mục tiêu tổng thị trường hàng không sẽ đạt 84,2 triệu hành khách và 1,4 triệu tấn hàng hóa (tăng lần lượt 10% về hành khách và 14% về hàng hóa so với năm 2024). Việc tăng trưởng hơn 8% về hành khách là một mục tiêu khả thi và tích cực, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP của đất nước. Sự phát triển này không chỉ đến từ các thành phố lớn mà còn lan rộng đến các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng miền…

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/tu-chuyen-bay-bac-nam-dau-tien-den-su-vuon-minh-ngoan-muc-i766663/