Bảo Lâm: Phát triển các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp

Thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ nông sản và kiểm soát chất lượng theo chuỗi an toàn, đến nay huyện Bảo Lâm đã xây dựng được 13 chuỗi giá trị liên kết sản xuất trong nông nghiệp, với sự tham gia của 8 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã (HTX).

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng của Công ty TNHH Long Thủy đã thực hiện bao tiêu sản lượng hàng ngàn tấn sầu riêng với các hộ nông dân ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Di Linh

Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng của Công ty TNHH Long Thủy đã thực hiện bao tiêu sản lượng hàng ngàn tấn sầu riêng với các hộ nông dân ở các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Di Linh

Trong thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã tập trung chỉ đạo, triển khai quy hoạch tổng thể nông lâm nghiệp, các vùng sản xuất cà phê, chè, cây ăn trái an toàn, vùng chăn nuôi tập trung, đặc biệt xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lâm cho biết: Mục tiêu của huyện là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất; phát triển ngành nông nghiệp toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, huyện Bảo Lâm có cơ chế cũng như chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ sản xuất, kinh doanh đang sản xuất các sản phẩm đặc trưng của huyện Bảo Lâm như: sản phẩm chế biến từ chè và cà phê; hạt mắc ca, quả bơ, quả sầu riêng, quả măng cụt, quả dứa… tham gia chương trình OCOP để đổi mới, sáng tạo, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm.

Thực hiện triển khai quy hoạch tổng thể vùng trồng, đối với cây chè, huyện Bảo Lâm đã hình thành các vùng sản xuất chè cành cao sản TB14, chè LD97; chè chất lượng cao như Olong, vùng chè ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lộc Tân với diện tích 377 ha và thị trấn Lộc Thắng, Lộc Quảng 300 ha để làm trung tâm phát triển cây chè. Hình thành nên các vùng sản xuất cà phê năng suất và chất lượng cao như: giống TR4; TR9; TR11, giống cà phê Thiện Trường, Xanh lùn... ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lộc Đức với diện tích 300 ha làm trung tâm để đầu tư phát triển mở rộng.

Còn diện tích cây ăn quả, huyện Bảo Lâm đã quy hoạch vùng trồng tại thị trấn Lộc Thắng và các xã Lộc An, Lộc Đức để chuyên trồng bơ 034; sầu riêng Dona; Ri6; măng cụt... theo quy trình phù hợp với cây trồng chính và cây trồng xen để đảm bảo chất lượng và phát triển bền vững. Vùng trồng dâu nuôi tằm được xác định tại một số địa phương có truyền thống như: xã Lộc Tân, Lộc Đức, Lộc Nam với diện tích 380 ha, sản lượng kén đạt gần 550 tấn.

Bên cạnh việc thực hiện quy hoạch tổng thể vùng trồng, huyện Bảo Lâm đã chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn, nền tảng là các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương như: cà phê, bơ 034, sầu riêng, chè, chim cút,… với số lượng 13 chuỗi giá trị cùng sự tham gia của 8 doanh nghiệp và 5 HTX. Đến nay, huyện Bảo Lâm đã được UBND tỉnh công nhận 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP Lâm Đồng hạng 4 sao, 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP Lâm Đồng hạng 3 sao, góp phần tiếp cận với quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững.

Các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, HTX theo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, có hợp đồng liên kết lâu dài đã được hình thành như: HTX Nông nghiệp Gia Phát xã Tân Lạc với chuỗi liên kết phát triển sản xuất chăn nuôi chim cút bền vững; HTX Nông sản sạch Thương mại Dịch vụ Lộc An với chuỗi giá trị phát triển sản xuất, tiêu thụ quả bơ; HTX Bình Minh với chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm trái cây, cà phê...

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp phát triển, hình thành các chuỗi liên kết, huyện Bảo Lâm tiếp tục chú trọng triển khai các chính sách hỗ trợ, nhất là ưu tiên lựa chọn các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình cùng tham gia hình thành các chuỗi, xây dựng các mô hình liên kết từ ứng dụng vật tư, giống đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các mô hình thí điểm để nhân rộng, đồng thời xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả các chuỗi liên kết tại địa phương.

Xác định doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị, những năm qua, huyện Bảo Lâm đã khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn. Đến nay, huyện đã có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn như: Doanh nghiệp Nguyên Phúc Long tham gia vào chuỗi cung ứng vật tư, thu mua nông sản chè, cà phê, trái cây; Công ty TNHH Long Thủy thu mua sầu riêng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã hoạt động trước đây như: Công ty Acom, Luis cà phê, chè Tam Dương, Hậu Hương... không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương như: chè, cà phê, trái cây của nông dân được rộng đường tiêu thụ và không có việc bị ép giá, ép cấp. Nhờ đó, huyện Bảo Lâm đã có 15% sản lượng cà phê; 20% sản lượng chè; 30% sản lượng trái cây; 30% sản lượng trứng, thịt gia súc, gia cầm được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết.

HOÀNG SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/bao-lam-phat-trien-cac-mo-hinh-lien-ket-san-xuat-trong-nong-nghiep-3063180/