Bảo Lâm: Tái hiện Lễ Mừng lúa mới của dân tộc Mạ

Chiều 25/12, tại Thôn 3 (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm), Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm tổ chức tái hiện Lễ Mừng lúa mới (Nhô R'he) của dân tộc Mạ.

Đây là một trong những chương trình được tổ chức hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - Năm 2024 và chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Bảo Lâm (1994 - 2024).

Không gian trình diễn, tái hiện Lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Mạ tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)

Không gian trình diễn, tái hiện Lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Mạ tại xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)

Dự Chương trình có các đồng chí: Trần Văn Hùng – Vụ phó Vụ Văn hóa Dân tộc; K’Lình – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bảo Lâm; đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng; đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Bảo Lâm; cùng đông đảo các nghệ nhân và người dân xã Lộc Tân.

Đồng chí Trần Văn Hùng – Vụ phó Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) phát biểu tại Chương trình

Đồng chí Trần Văn Hùng – Vụ phó Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch) phát biểu tại Chương trình

Các đại biểu dự Chương trình trình diễn, tái hiện Lễ Mừng lúa mới

Các đại biểu dự Chương trình trình diễn, tái hiện Lễ Mừng lúa mới

Mở đầu Chương trình là phần tái hiện nghi lễ cúng tế Mừng lúa mới truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ ở vùng đất Nam Tây Nguyên. Trước đây, Mừng lúa mới là nghi lễ quan trọng được bà con đồng bào dân tộc Mạ tổ chức hàng năm sau vụ thu hoạch lúa rẫy.

Các Già làng thực hiện nghi thức tế lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Mạ ở Nam Tây Nguyên Lâm Đồng

Các Già làng thực hiện nghi thức tế lễ Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Mạ ở Nam Tây Nguyên Lâm Đồng

Lễ vật cúng Mừng lúa mới gồm cây nêu và nhà kho nhỏ dựng sẵn, cơm trắng, đọt mây, thịt trâu gác bếp, rượu cần, gừng, gạo, lúa, trứng gà, một số loại trái cây và con gà trống. Sau khi chuẩn bị và bày biện các lễ vật, Già làng và chủ nhà tiến hành khấn mời tất cả các thần linh cùng với thần lúa phù hộ ban cho gia đình và buôn làng mùa màng luôn tươi tốt, ấm no, hạnh phúc.

Già làng dùng huyết gà trống bôi lên thân cây nêu và ban phước cho dân làng cầu mong một vụ mùa năm tới mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Già làng dùng huyết gà trống bôi lên thân cây nêu và ban phước cho dân làng cầu mong một vụ mùa năm tới mưa thuận, gió hòa, nương rẫy tốt tươi để có cuộc sống ấm no, hạnh phúc

Sau khi cắt tiết gà trống, già làng lấy huyết chấm lên trán từng người tham dự lễ Mừng lúa mới để cầu mong trời đất, thần linh ban phước cho vụ mùa lúa mới năm sau lúa ăn không hết, có của ăn của để, nhà nhà, người người ấm no.

Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng tại Lễ Mừng lúa mới

Các nghệ nhân diễn tấu cồng chiêng tại Lễ Mừng lúa mới

Sau khi nghi lễ cúng tế thần linh, trời đất được hoàn tất, mọi người trong buôn làng sẽ tổ chức ăn uống, múa hát hát tạo không khí đoàn kết, vui tươi. Trong đó, các nghệ nhân đồng bào dân tộc Mạ cùng nhau diễn tấu cồng chiêng, múa xoang vui tươi. Sau đó, già làng gọi mời bà con cùng tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đậy gậy, đi cà kheo… mang lại bầu không khi rộn ràng, vui tươi, phấn khởi cho bà con sau thời gian dài lao động vất vả.

Những cô gái, phụ nữ dân tộc Mạ uyển chuyển trong những điệu múa xoang tại Lễ Mừng lúa mới

Những cô gái, phụ nữ dân tộc Mạ uyển chuyển trong những điệu múa xoang tại Lễ Mừng lúa mới

Đồng chí Trần Mạnh Hùng – Vụ phó Vụ Văn hóa Dân tộc, cho biết: Lễ Mừng lúa mới không chỉ đơn giản là một tín ngưỡng truyền thống của người Mạ ở vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng, mà còn là dịp để buôn làng sinh hoạt thể hiện tính cộng đồng. Qua đó, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần sau một thời gian dài lao động vất vả của bà con.

Đại biểu và tất cả mọi người cùng thưởng thức rượu cần, các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ sau nghi lễ

Đại biểu và tất cả mọi người cùng thưởng thức rượu cần, các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ sau nghi lễ

Vì vậy, việc tái hiện và phục dựng Lễ Mừng lúa mới sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đặc biệt, có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định giá trị, bảo vệ và phát huy không gian văn hóa trong đời sống đồng bào các dân tộc bản địa Nam Tây Nguyên.

Nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ được phục dựng tại Thôn 3 (xã Lộc Tân)

Nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ được phục dựng tại Thôn 3 (xã Lộc Tân)

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các nghệ nhân và bà con đồng bào dân tộc Mạ tại Chương trình

Các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng các nghệ nhân và bà con đồng bào dân tộc Mạ tại Chương trình

Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần xây dựng bảng làng, thôn, buôn văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trưởng của Đảng, Nhà nước.

Sau lễ tế thần linh Mừng lúa mới đã diễn ra nhiều hoạt động, trò chơi dân gia thu hút đông đảo bà con tham gia

Sau lễ tế thần linh Mừng lúa mới đã diễn ra nhiều hoạt động, trò chơi dân gia thu hút đông đảo bà con tham gia

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202412/bao-lam-tai-hien-le-mung-lua-moi-cua-dan-toc-ma-0c424bb/