Bảo Lâm thiếu giáo viên các cấp học trước thềm năm học mới 2024 - 2025

Chỉ ít ngày nữa là bước vào năm học mới 2024 - 2025, huyện Bảo Lâm còn thiếu hơn trăm giáo viên các cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Thực tế này gây nhiều khó khăn cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Nông Văn Lương cho biết: Hiện nay, toàn huyện có 44 trường học và 1 trung tâm, trong đó có 42 đơn vị trường trực thuộc Phòng GD&ĐT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thuộc UBND huyện, 2 trường THPT trực thuộc Sở GD&ĐT. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn huyện trực thuộc phòng quản lý có 1.184 người. Hiện còn thiếu 148 giáo viên so với biên chế được giao, trong đó, cấp mầm non thiếu 36, tiểu học thiếu 68, THCS thiếu 44.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, đặc biệt là giáo viên môn Tin học, tiếng Anh (thiếu 16 giáo viên tiếng Anh, 22 giáo viên Tin học), UBND huyện tập trung tuyên truyền, vận động, động viên học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký theo học chuyên ngành sư phạm đối với các môn học còn thiếu giáo viên để về công tác tại địa phương. Rà soát, quy hoạch mạng lưới, sắp xếp trường, lớp hợp lý. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông, bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển GD&ĐT, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; ưu tiên đầu tư trang thiết bị hỗ trợ dạy học, bồi dưỡng chuyên môn, dạy học trực tuyến cho các cơ sở giáo dục, giáo viên. Huy động toàn xã hội chăm lo phát triển giáo dục, nhất là đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội, nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông của huyện.

Đối với tình trạng thiếu giáo viên, UBND huyện tham mưu, xin chủ trương UBND tỉnh giao cho huyện thực hiện tuyển dụng viên chức năm 2024, dự kiến tổ chức trong tháng 10. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh thực hiện công tác đặt hàng giáo viên, cử tuyển giáo viên theo học chuyên ngành sư phạm đối với các môn còn thiếu như: Tin học, tiếng Anh để về công tác tại địa phương. Huyện chủ động xây dựng báo cáo đề xuất chỉ tiêu cử tuyển đào tạo giáo viên đối với học sinh là người dân tộc thiểu số năm 2024 với số lượng 25 chỉ tiêu, trong đó môn tiếng Anh 15 chỉ tiêu, môn Tin học 10 chỉ tiêu. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ rà soát đội ngũ giáo viên của các đơn vị trực thuộc, từ đó đề xuất nhu cầu của đơn vị để thực hiện việc điều động, biệt phái giáo viên; trình phương án tuyển dụng giáo viên, nhân viên; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp theo vị trí việc làm.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Học (Bảo Lâm) trong giờ học chính khóa.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Thái Học (Bảo Lâm) trong giờ học chính khóa.

UBND huyện chỉ đạo Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch giáo dục hợp lý để giảm áp lực về nhân lực; chủ động, linh hoạt sắp xếp giáo viên phù hợp thực tiễn và đảm bảo chất lượng. Huy động nhân lực hợp đồng từ giáo viên trẻ mới ra trường chưa được biên chế và giáo viên đã về nghỉ hưu nhưng vẫn đủ sức khỏe và năng lực nhằm đảm bảo công tác dạy và học ở các trường khi năm học mới bắt đầu. Thực hiện đúng, đủ các chế độ, chính sách theo quy định. Huyện thực hiện hợp đồng giáo viên ở mức cao hơn các đơn vị khác trong tỉnh để thu hút giáo viên, tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác tại địa phương.

Về triển khai phương án dạy học trực tuyến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, năm học 2023 - 2024, với đội ngũ giáo viên tiếng Anh hiện có, huyện sắp xếp, bố trí giáo viên linh hoạt, dạy liên trường, liên cấp; phối hợp các huyện, Thành phố thực hiện biệt phái giáo viên hỗ trợ huyện thực hiện chương trình.

Năm học 2024 - 2025, việc dạy môn tiếng Anh được thực hiện bắt buộc đối với học sinh các lớp 3, 4, 5, vì vậy việc dạy học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu không những đảm bảo được chương trình giáo dục mà còn mang lại hiệu quả tích cực cho học sinh và giáo viên, đặc biệt là chất lượng môn học được nâng lên. Học sinh sẽ được học tiếng Anh ngay từ đầu năm học, vì vậy các em sẽ yêu thích môn học, chất lượng môn học sẽ được nâng lên. Giáo viên chủ động về chương trình và thời gian, kế hoạch dạy học hợp lí hơn, sẽ có nhiều đổi mới về hình thức, phương pháp dạy học gây hứng thú cho học sinh.

UBND huyện chỉ đạo ngành GD&ĐT thực hiện rà soát điều kiện cơ sở vật chất và triển khai thực hiện phương án dạy học trực tiếp kết nối dạy học trực tuyến với các điểm chưa có giáo viên tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo 2 phương án. Phương án 1, thực hiện với 23 phòng học trực tuyến hiện có cử giáo viên dạy tiếng Anh trực tiếp, kết nối trực tuyến đến 22 điểm cầu thuộc 22 trường còn lại của huyện (phòng học trực tuyến hiện có tại điểm chính của 23 trường); học theo thời khóa biểu các ngày trong tuần; phân công cụ thể giáo viên phụ trách dạy trực tiếp khối 3, 4, 5 điểm chính trường kết nối 22 điểm cầu khối lớp 3, 4, 5 điểm chính của 22 trường trên địa bàn huyện. Riêng đối với học sinh khối 3, 4, 5 các điểm trường lẻ, số lượng học sinh đông, phòng học trực tuyến chỉ có 1 phòng, không thể dồn về học trực tuyến, sẽ thực hiện dạy trực tiếp vào thứ Bảy và Chủ nhật, song song cùng lớp trực tuyến và thời gian cụ thể theo lớp trực tuyến. Tuần thứ nhất của tháng dạy - học khối lớp 3; tuần thứ hai của tháng dạy - học khối lớp 4; tuần thứ ba của tháng dạy - học khối lớp 5. Phương án 2, thực hiện với 38 phòng học trực tuyến (dự kiến bổ sung trong năm học 2024 - 2025), cử giáo viên dạy tiếng Anh trực tiếp kết nối trực tuyến đến 37 điểm cầu thuộc 22 trường còn lại của huyện (phòng học trực tuyến có tại điểm chính và một số cụm điểm lẻ của 23 trường). Học theo thời khóa biểu các ngày trong tuần. Phân công cụ thể giáo viên phụ trách dạy trực tiếp khối 3, 4, 5 điểm chính trường kết nối 37 điểm cầu khối lớp 3 điểm chính và điểm lẻ của 22 trường trên địa bàn huyện.

Tình trạng thiếu giáo viên ở huyện Bảo Lâm diễn ra nhiều năm đã ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, đặc biệt là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo số biên chế theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại địa phương.

Vũ Tiệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/bao-lam-thieu-giao-vien-cac-cap-hoc-truoc-them-nam-hoc-moi-2024-2025-3171451.html