Bạo lực gia đình: Chủ tịch xã có thể đề nghị xử lý hình sự

Bộ VH-TT&DL đề xuất trong trường hợp đã bị cấm tiếp xúc hai lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình thì chủ tịch UBND cấp xã đề nghị xem xét xử lý hình sự.

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2023) do Bộ VH-TT&DL chủ trì soạn thảo.

Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo lần này liên quan đến quy định cấm tiếp xúc đối với người có hành vi bạo lực gia đình và việc chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự.

Xem xét xử lý tội cố ý gây thương tích

Theo dự thảo, người bị bạo lực gia đình, người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình khi thấy hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực gia đình thì đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực ra quyết định cấm tiếp xúc. Ngoài ra, khi có sự đồng ý của những người trên thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể đề nghị chủ tịch UBND cấp xã nơi ra quyết định cấm tiếp xúc.

Bị can Nguyễn Tân (53 tuổi, ở TP Đà Nẵng) bị bắt tạm giam hôm 28-4 về tội cố ý gây thương tích cho người sống chung như vợ chồng với mình. Ảnh: HH

Bị can Nguyễn Tân (53 tuổi, ở TP Đà Nẵng) bị bắt tạm giam hôm 28-4 về tội cố ý gây thương tích cho người sống chung như vợ chồng với mình. Ảnh: HH

Sẽ có tổng đài quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình

Cũng theo dự thảo, Bộ VH-TT&DL đưa ra hai phương án về tổng đài quốc gia.

Theo phương án 1, tổng đài điện thoại quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình với số điện thoại ngắn (có ba chữ số) do Bộ VH-TT&DL quản lý. Trong khi đó, theo phương án 2, tổng đài sử dụng chung số điện thoại 111 (nhánh số 3). Cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất Chính phủ lựa chọn phương án 1.

Từ đó, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích cho người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc, người đang điều trị bệnh thì chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc.

Thời gian quyết định cấm tiếp xúc không quá ba ngày cho mỗi lần kể từ thời điểm người có hành vi bạo lực gia đình nhận quyết định và không quá hai lần quyết định cấm tiếp xúc liên tiếp.

Đáng chú ý, so với các bản dự thảo trước, dự thảo mới quy định người có hành vi bạo lực gia đình đã bị cấm tiếp xúc hai lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe, tính mạng thì chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích.

Luật sư (LS) Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội LS Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho biết hiện nay theo Thông tư 07/2017 của Bộ VH-TT&DL thì việc thu thập, báo cáo thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình thì UBND cấp xã, phường khi tiếp nhận thông tin người bị bạo lực gia đình phải báo cáo để UBND cấp huyện xử lý.

Tuy nhiên, xã, phường là nơi gần nhất và nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ dân nên người bị bạo lực gia đình có thể đến trình báo lấy lời khai đầu tiên và giải quyết nhanh chóng, khách quan và tận tâm. Do đó, việc giao chủ tịch UBND cấp xã đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định của pháp luật hình sự là hoàn toàn phù hợp.

Bên cạnh đó, LS Nữ cũng cho rằng Điều 134 BLHS quy định nếu thương tích dưới 11% để đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng bị gây thương tích phải là người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; ông, bà, cha, mẹ… hoặc một số trường hợp khác; tuy nhiên thực tế phụ nữ nói chung là đối tượng dễ bị bạo hành nhất, trong đó có phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (nguyên tắc khi cấm tiếp xúc là phải đảm bảo lợi ích cho đối tượng này - PV). Vì vậy, khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các nghị định liên quan có hiệu lực, cần phải xem xét góp ý để có văn bản hướng dẫn cho các địa phương về đối tượng bị bạo hành là phụ nữ.

Nói thêm, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho biết khoản 5 Điều 10 Luật Cán bộ, công chức quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức phải giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, chủ tịch UBND cấp xã phải có nghĩa vụ giải quyết kịp thời, đúng pháp luật theo thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bị bạo hành gia đình, trong đó có việc đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự người có hành vi bạo lực theo quy định.

Nâng khoảng cách cấm tiếp xúc lên 50 m

Dự thảo quy định người bị cấm tiếp xúc theo quyết định của chủ tịch UBND cấp xã chỉ được tiếp xúc người bị bạo lực gia đình khi có việc cưới, việc tang; gia đình có người bị tai nạn, bị bệnh nặng hoặc tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Hiện nay, Nghị định 08/2009 quy định khoảng cách cấm tiếp xúc là 30 m. Tuy nhiên, dự thảo đã nâng khoảng cách lên phạm vi 50 m mà không có tường ngăn hoặc vách ngăn đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, người bị cấm tiếp xúc không được sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc sử dụng phương tiện, công cụ khác để thực hiện hành vi bạo lực gia đình.

Theo Bộ VH-TT&DL (cơ quan chủ trì soạn thảo), thực tiễn cho thấy một người bình thường có thể ném xa 30-50 m, trường hợp đặc biệt có thể trên 50 m và người trưởng thành chạy cự ly 100 m mất khoảng 17-25 giây; vận động viên khoảng 10-15 giây. Như vậy, quy định ở khoảng cách không có vật cản với người bình thường ở khoảng cách 50 m có thể được coi là an toàn. Mặt khác, trong điều kiện có vách ngăn kiên cố thì việc quy định khoảng cách là không cần thiết. Vì vậy, quy định như dự thảo vừa là để đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình vừa là cơ sở để xác định vi phạm cấm tiếp xúc.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp và Bộ KH&CN cho rằng quy định cấm người bị cấm tiếp xúc đến gần người bị bạo lực gia đình trong phạm vi 50 m còn chung chung, khó áp dụng, khó kiểm soát.

Hàng loạt vụ bạo hành gia đình dã man

Hôm 24-5, Cơ quan CSĐT huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Văn Luân để điều tra về hai tội cố ý gây thương tích và hành hạ người khác. Luân chính là người chồng trong clip người vợ mang thai bảy tháng bị chồng đánh trên mạng xã hội.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, do mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, Luân nhiều lần dùng tay chân, lược chải tóc, thắt lưng da một đầu có khóa bằng kim loại, dây nồi cơm điện đánh đập vợ. Có lần Luân còn lấy móc treo quần áo bằng kim loại, hơ lửa gí vào mặt và người vợ.

Trần Văn Luân đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: CACC

Kết luận giám định cho thấy trên người chị vợ có 62 vết bỏng da, 143 vết xước da, bầm tím trên khắp cơ thể. Tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 29%.

Trước đó, vào ngày 28-4, Công an quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) cũng đã bắt tạm giam Nguyễn Tân (53 tuổi) về tội cố ý gây thương tích.

Theo điều tra, ông Tân và chị BP sống với nhau có hai con chung nhưng không đăng ký kết hôn. Do thời gian gần đây làm ăn khó khăn nên cả hai túng quẫn.

Tối 4-4, ông Tân nhậu say về, bị chủ nợ gọi điện thoại đòi tiền, nghĩ rằng số nợ này do vợ gây ra nên trút giận lên chị P khiến chị phải nhập viện, bị gãy tay và chấn thương phần mềm khắp cơ thể.

Không chỉ hai vụ việc trên, những vụ bạo lực gia đình được phát giác ngày một nhiều, không chỉ chồng bạo hành vợ mà còn là cha, mẹ bạo hành con cái... Điển hình như vụ bé trai ở huyện Hóc Môn (TP.HCM) bị hành hạ, nghi bị ép sử dụng chất ma túy. Sau khi công an vào cuộc, Nguyễn Thị Thảo Nguyên (mẹ bé trai) bị khởi tố về tội hành hạ người khác.

Những vụ việc trên cho thấy tình trạng đáng báo động về bạo lực gia đình, cần chính người trong cuộc lên tiếng và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để bảo vệ lợi ích cho họ. QL

SONG MAI

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-luc-gia-dinh-chu-tich-xa-co-the-de-nghi-xu-ly-hinh-su-post735362.html