Bạo lực học đường - bài 3: Cô đơn trong chính nhà mình
Con bị bắt nạt, tẩy chay ở lớp học, thậm chí bị đánh nhiều lần trong thời gian dài nhưng chính bố mẹ lại không phát hiện ra. Nhiều phụ huynh khi nghe con chia sẻ còn gạt đi hoặc quát mắng khiến các em cô đơn, lạc lõng trong chính nhà mình.
Phóng viên tham gia vào hội những nạn nhân bạo lực học đường (BLHĐ) trên mạng xã hội với hàng nghìn thành viên và choáng váng khi đọc những câu chuyện các em kể lại. Trong đó, mẫu số chung là các em uất ức không biết chia sẻ cùng ai. Có em tâm sự: “Nói với cô thì cô không bận tâm, nói với mẹ cũng bị gạt đi. Em đang cảm thấy cô đơn, lạc lõng ngay trong nhà và lớp học của mình mà không biết phải chịu đựng bị bắt nạt đến bao giờ”. Một số em chia sẻ, không thể nói chuyện được với phụ huynh vì “không có tiếng nói chung”, “không thấu hiểu” hoặc sẽ bị “mắng oan”, “thà không nói còn hơn”…
Chị Nguyễn Thị Lương có con gái học một trường THCS tại Hà Nội vừa bị nhóm bạn đánh hội đồng. Trong video tung lên mạng xã hội, con gái chị Lương bị đánh đập. Sau khi sự việc xảy ra, có người gửi video cho xem, chị Lương mới tá hỏa hỏi con. Những ngày sau đó, con bị hoảng loạn tinh thần, thường xuyên la hét, bỏ ăn. Chị Lương và chồng ân hận vì trước đó con từng chia sẻ chuyện bị bạn gây sự, thế nhưng nghĩ chuyện trẻ con nên không để ý. “Tôi bận công việc đi suốt ngày. Ở nhà, con là đứa trẻ ngoan biết đỡ đần bố mẹ việc nhà như nấu cơm, đưa đón em nên cũng yên tâm. Không ngờ ở lớp con bị bạn đánh nhiều lần và đe dọa”, chị Lương nói.
PGS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), nói rằng, điều bất ngờ là những đứa trẻ hay đi bắt nạt thường bị tập nhiễm bởi môi trường sống quá nhiều bạo lực. Có thể từ nhỏ trẻ phải chứng kiến bạo lực hoặc bị bạo lực và thay đổi nhận thức rằng hành vi bắt nạt người khác, bạo lực gây tổn thương là chấp nhận được. Khi những đứa trẻ lớn lên không có sự thấu cảm, không biết chia sẻ, yêu thương bạn bè, chúng dễ có xu hướng giải quyết các mâu thuẫn theo chiều hướng bạo lực.
Những dòng nhật ký ám ảnh
“Trời ơi, sao mọi chuyện rắc rối cứ quấn lấy tôi thế này? Tôi sẽ chịu đựng được bao lâu nữa đây? Những gì đẹp đẽ mà mình vẫn tưởng tượng ở những năm cấp 3 là như thế này sao? Dù thế nào mình cũng không được khóc, không được khuất phục hội nó. Phải mạnh mẽ lên…”. “Khó khăn lắm mới được một chút yên ổn. Khó khăn lắm, mình mới làm hội nó không gây sự với mình”…
Đó là tâm sự trong cuốn nhật kí dày cộp của Mai Hương, cựu học sinh Trường THPT Công Nghiệp (Hòa Bình). Hiện Mai Hương là hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội nhưng chị vẫn quyết định lên tiếng mình là nạn nhân của bạo lực để những người làm cha, làm mẹ coi đó là bài học ứng xử với con.
Chị Hương chia sẻ, bước chân vào giảng đường THPT được thời gian ngắn, chị bị nhóm bạn nhà giàu, lớp trưởng bạo lực. Cứ cuối tuần, lớp trưởng lại báo với giáo viên chủ nhiệm rằng Hương vi phạm nội quy hoặc không hoàn thành nhiệm vụ để phạt trực nhật cả tuần. Có khi, Hương phải quét lớp, lau bàn suốt cả tháng, bị đặt điều, đe dọa bằng những lời lẽ như: “Mày muốn sống yên ổn ở lớp này phải biết điều”; bị đưa vào tình trạng không cho yên ổn học tập. “Tôi cảm thấy suy sụp, cô đơn, phẫn nộ trong khi những người bạn khác không ai dám đứng lên bảo vệ mình”, chị Hương kể.
Cũng đôi ba lần chị tìm cách nói chuyện với mẹ nhưng “mẹ không hiểu còn mắng thêm mày phải thế nào mới bị nó ghét”. “Đã có lần mình chốt cửa phòng nghĩ đến chuyện tự tử nhưng may mắn khi đó không bản lĩnh nên vẫn được sống”, chị Hương nói.
“Không tìm thấy ai, nơi nào… để chữa lành”
Mắc chứng tự kỉ dạng nhẹ, Minh Khánh nghĩ bản thân sẽ bị để ý nhưng khi quyết định giãi bày nút thắt trong lòng sau hơn 10 năm học là nạn nhân của bạo lực học đường, Khánh kể: “Em bất lực khi không tìm thấy ai, nơi nào… để chữa lành. Phải chăng, với một đứa trẻ bị tự kỉ, giới hạn vùng cấm của em hẹp hơn và không dễ chịu đựng, dù chỉ là sự trêu đùa nhỏ”. Vì quá nhạy cảm, nên từ những năm học cấp một, em đã thấy buồn khi bị học sinh lớp dưới trêu đùa, châm chọc một cách hồn nhiên. Nhưng lên cấp hai, Khánh mới thực sự cảm thấy quá sức khi các bạn luôn tìm cách để cô lập. Đỉnh điểm, trong những buổi đi học thêm, em bị các bạn đạp, đánh, bị tụt quần trước đám đông chỉ vì không trực nhật giúp.
Về phía gia đình, em không cảm nhận được sự chia sẻ và thấu hiểu của bố mẹ bởi kì vọng quá lớn về điểm số đã trở thành rào cản giao tiếp. “Em phải chịu trận đòn roi mỗi khi phạm lỗi và sự so sánh của mẹ về sự hoàn hảo của “con nhà người ta”, Khánh tâm sự. Vì thế, những lần Khánh bị bạn bè bắt nạt hay phá hỏng xe, em chỉ khóc mà không dám chia sẻ với bố mẹ. Em dần trở nên xa cách trong chính ngôi nhà của mình vì sợ nói ra sẽ bị bảo là “chuyện của mấy đứa con nít”.
Thạc sĩ tâm lí Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt (quận 8, TPHCM), cho hay, trong 10 ca tư vấn BLHĐ thì 9 ca là các em có bố mẹ li hôn, gia đình thường xuyên gây gổ, không quan tâm con cái. Một số khác chịu tác động từ mạng xã hội, từ game bạo lực…
“Các em gặp phải stress khi thấy bố mẹ gây gổ, bạo lực trong gia đình dẫn đến trong người lúc nào cũng căng thẳng, khó chịu. Lúc này, chỉ cần tác nhân nhỏ cũng khiến các em bùng phát và xảy ra BLHĐ ngay”, cô Hồng Anh nói. Theo cô, trong 10 ca thì chỉ có 4 ca là các em kiên cường lắm mới vượt qua được khủng hoảng sau bạo lực nhưng phải nhờ rất nhiều vào động viên của thầy cô, bạn bè và gia đình; Gia đình là yếu tố quan trọng nhất; ở độ tuổi học sinh, các em cần được quan tâm, giải tỏa stress, học tập, phát triển các mối quan hệ...
TS Nguyễn Tùng Lâm, chuyên gia tâm lí, cho rằng, đối với gia đình, cha mẹ cũng cần theo dõi sát diễn biến tâm tư, tình cảm của con để đồng hành, hỗ trợ và phát hiện sớm những biểu hiện bất thường. Ví dụ, hôm nay con đi học về không vui vẻ như mọi ngày, ăn uống ít hơn… thì bố mẹ phải hỏi han tường tận câu chuyện của con và phải phối hợp với giáo viên, nhà trường để giải quyết. Trường hợp phụ huynh đã trao đổi với thầy cô, nhà trường mà sự việc không được giải quyết tận gốc, con vẫn buồn chán, sợ hãi thì cần phải tìm chuyên gia tâm lý để được tham vấn. Nếu để con chịu áp lực kéo dài, con sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.