Bạo lực học đường: Cần áp dụng các giải pháp tổng thể, đồng bộ, với sự vào cuộc của toàn xã hội
Tiếp tục trả lời các chất vấn của ĐBQH liên quan đến vấn đề bạo lực học đường trong phiên chất vấn sáng nay, 8.11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để ngăn chặn và giải quyết tình trạng bạo lực học đường, cần phải áp dụng các giải pháp có tính chất tổng thể, đồng bộ, với sự vào cuộc của toàn thể xã hội. Và, với trách nhiệm của ngành giáo dục, Bộ trưởng cho biết, có tính đến một số các giải pháp cụ thể với các mức độ ưu tiên.
Triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - yếu tố nền tảng, gốc rễ để giải quyết tận gốc bạo lực học đường
Và giải pháp ưu tiên đầu tiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, đó là cần phải tăng cường kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với bản thân học sinh. Theo Bộ trưởng, đây là một trang bị kỹ năng sống rất quan trọng để khi có những vấn đề phát sinh cần xử lý, ứng xử với mạng xã hội, hay trong giao tiếp xã hội phát sinh những vấn đề có nguy cơ liên quan đến phát sinh bạo lực đối với chính mình, thì đối tượng đầu tiên cần xử lý chính là bản thân học sinh. "Nhiều em rất ngần ngại khi cần phải thông tin, cần phải trao đổi và lúng túng trong xử lý, đó cũng là do các em còn thiếu kỹ năng xử lý", Bộ trưởng nói.
Ưu tiên thứ hai, đối với đối tượng là giáo viên chủ nhiệm, Bộ trưởng cho biết, Bộ đang tăng cường tập huấn về kỹ năng để xử lý các vấn đề phát sinh đối với học sinh trong đối tượng phụ trách của mình. Đây cũng là một khâu rất quan trọng. Đặc biệt, khi sửa Thông tư 16 quy định về vị trí việc làm trong nhà trường, được sự thống nhất của Bộ Nội vụ, thì tới đây sẽ có thêm một vị trí chuyên về tư vấn tâm lý học đường. Chia sẻ thông tin này, Bộ trưởng cho biết, trước đây vị trí này chủ yếu hoạt động kiêm tính với một số giờ, và như thế "cũng rất hạn chế". Do đó, tới đây sẽ có thêm một vị trí chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường, với nguồn nhân lực của ngành đào tạo trong các trường sư phạm một năm khoảng gần 9.000 nhân lực và đào tạo tăng cường, thì số vị trí này có thể đáp ứng được.
Một vị trí việc làm nữa, là giáo vụ, cũng đã được xác định trong nhà trường với mong muốn sẽ hỗ trợ thêm cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường.
Bên cạnh đó, trong nhà trường, việc đưa thêm và tăng cường các hoạt động mang tính tích cực, như các hoạt động tập thể, hoạt động đoàn, đội, vui chơi giải trí, đọc sách... cũng sẽ giảm khả năng sa vào những hoạt động tiêu cực, Bộ trưởng nói.
Một giải pháp nữa, theo Bộ trưởng, đó là sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và xã hội, trong đó kể cả phụ huynh cũng phải tăng cường khả năng xử lý những vấn đề bạo lực học đường phát sinh đối với con em của mình.
Và giải pháp "hơn hết và bao trùm nhất", theo Bộ trưởng, đó là cần phải tiến hành triển khai thật tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu quan trọng là phát triển con người, nâng cao phẩm chất, nhân cách đạo đức. Xử lý tốt việc này là đã có một yếu tố mang tính nền tảng, gốc rễ để chúng ta có thể triển khai giải quyết tận gốc những vấn đề về bạo lực học đường.
Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước
Cũng tại phiên chất vấn sáng nay, trả lời chất vấn của ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) về việc Đề án 732 được triển khai từ năm 2016, nhưng đến nay giáo viên dạy các môn tích hợp vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Đề án 732 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 12.2016.
"Đây là một đề án có tính chất khung định hướng để tăng cường bồi dưỡng đối với giáo viên và cán bộ quản lý để phục vụ cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo". Khẳng định điều này, Bộ trưởng nêu rõ, "nếu như không triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì việc bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy vẫn được tiến hành một cách bình thường". Và, do trong Đề án này nêu "không tính kinh phí cụ thể", nên đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tìm kiếm các nguồn lực hoặc từ ngân sách, hoặc từ các nguồn ODA hoặc từ các nguồn tài trợ xã hội... để có thể bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Trong đó, dự án CITIES là một trong những triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai thực hiện định hướng của Đề án 732.
Với sự triển khai của dự án CITIES, bắt đầu từ cuối năm 2016 đầu năm 2017 với 27 module, thì hầu hết các giáo viên ở 3 cấp đã được tập huấn để có thể thích ứng với các phương pháp dạy học mới, đồng trục, đồng hành với những đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ra đời sau đó. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng cũng cho biết, kể từ khi Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 được ban hành và triển khai trong thực tế, thì lúc đó mới có căn cứ là cần phải có giáo viên dạy môn tích hợp, và các trường sư phạm mới có căn cứ để có thể triển khai chương trình đào tạo và tuyển sinh.
"Để đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không phải bắt đầu bằng một đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới mà phải làm mới bắt đầu từ lực lượng cũ". Chỉ rõ đặc điểm này, Bộ trưởng cho biết, "nhà giáo cũ đã và đang được tập huấn, hỗ trợ và những giáo viên năng động, tích cực tham gia tập huấn thực tế đã thích ứng được với các môn tích hợp. Còn với các địa phương, thì tùy theo các khả năng của giáo viên mà sắp xếp 2 hoặc 3 giáo viên cùng dạy các mạch kiến thức trong các môn tích hợp.
"Điều này chúng tôi đã hướng dẫn cho các nhà trường là không nhất thiết cùng một lúc phải yêu cầu giáo viên dạy 2 - 3 mạch kiến thức đối với các môn tích hợp, mà tùy theo năng lực của giáo viên để từng bước phù hợp, tránh việc căng thẳng cho giáo viên", Bộ trưởng nói.
"Đổi mới là một quá trình, chúng ta đổi mới bắt đầu từ cái cũ, cho nên phải từng bước để lực lượng giáo viên không quá áp lực và từng bước có thể thích ứng, truyền tải được Chương trình giáo dục phổ thông 2018". Chỉ rõ điều này, Bộ trưởng cũng báo một tin vui, đó là những lứa sinh viên được đào tạo đúng theo phương pháp dạy học tích hợp bắt đầu sẽ ra trường vào năm 2024 tới. Như vậy, "vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước, từng bước", Bộ trưởng khẳng định.