Bạo lực – nỗi ám ảnh và những giới hạn của sự chịu đựng
Bất ngờ vượt qua Tàn Tuyết đến từ Trung Quốc và hai bậc thầy văn học người đồng hương Hàn Quốc là Ko Un và Hwang Sok-Yong, Han Kang đã trở thành nữ nhà văn châu Á đầu tiên được gọi tên ở giải Nobel Văn chương 2024 vì 'thứ văn xuôi mãnh liệt đậm chất thơ, qua đó thể hiện những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người'.
Sinh năm 1970 tại Gwangju (Hàn Quốc), Han Kang xuất thân trong một gia đình có truyền thống văn chương khi bố là một nhà văn nổi tiếng. Cô đăng đàn vào năm 1993 với chùm gồm năm bài thơ trên tạp chí Văn học và Xã hội Hàn Quốc (Literature and Society). Hai năm sau đó, cô giới thiệu tác phẩm văn xuôi đầu tay là tập truyện ngắn Tình yêu của Yeosu (Love of Yeosu). Kể từ ấy, cô đã cho ra đời nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn cũng như tập thơ. Cô được đánh giá là một trong những tác giả Hàn Quốc đương đại quan trọng nhất khi đã chiến thắng nhiều giải thưởng danh giá cả trong cũng như ngoài nước.
Sáng tạo từ những lát cắt cuộc đời
Thành công trên trường quốc tế đầu tiên của cô phải kể đến giải Man Booker Quốc tế 2016 cho cuốn tiểu thuyết Người ăn chay do Deborah Smith dịch. Điều này giúp cô trở thành nhà văn châu Á đầu tiên được gọi tên ở một trong những giải thưởng văn chương lớn nhất nước Anh và khối thịnh vượng chung. Chính dấu mốc này đã chắp cánh cho tên tuổi của cô được bay xa trước khi tiếp tục lọt vào danh sách đề cử cũng ở giải này hai năm sau đó với tác phẩm Trắng. Tính cho đến nay, có năm tiểu thuyết của cô đã được chuyển ngữ sang tiếng Anh gồm cả cuốn Bản chất của người, Greek Lessons (tạm dịch: Những bài học tiếng Hy Lạp) - phát hành vào năm ngoái và We do not part (Sẽ không lìa xa) sẽ được ra mắt vào năm 2025.
Nói về đặc trưng văn chương, cũng như Annie Ernaux - tác giả chiến thắng giải Nobel Văn chương 2022 - các tác phẩm của Han Kang thường không quá dài (dưới 250 trang) nhưng chứa đựng sức nén cực lớn và thường là những lát cắt về chính đời mình được viết trong sự sáng tạo đi đến tận cùng. Các tác phẩm này thường trực cho thấy sự bạo lực, mối quan hệ giữa sự sống và cái chết, giữa thể xác và tâm hồn theo các quan niệm của thế giới quan phương Đông. Ngoài ra, cũng như những nhà văn khác ở đất nước mình, Han Kang cũng dành nhiều thời gian cho việc phản ánh câu chuyện của một Hàn Quốc từ hiện đại trong Người ăn chay đến quá khứ trong Bản chất của người, từ rất cá nhân trong Trắng cho đến những trải nghiệm tương đối phổ quát của bất kỳ ai mà hầu hết các tác phẩm đều chứa đựng.
Với niềm yêu thích nghệ thuật trình diễn như kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật sắp đặt... tác phẩm của cô cũng có nhiều dấu ấn của những loại hình này. Chẳng hạn trong Người ăn chay, cô đã đề cập đến body-painting, từ đó ca ngợi vẻ đẹp của cơ thể người trong sự gắn kết với các họa tiết thiên nhiên, trong khi ở Bản chất của người, sự im lặng của những khoảng trống đối thoại và nghệ thuật tạo hình cũng được đẩy đến mức tối đa, tạo được cảm xúc cho độc giả mà không cần phải quá đỗi dụng công. Điều này kết hợp cùng các sáng tạo độc đáo đã khiến tác phẩm của cô mở rộng ra khỏi biên giới văn chương, từ đó hình thành những cách biểu hiện có phần mới mẻ.
Suy ngẫm về bạo lực và sự bất nhất của con người
Tại Việt Nam, ngay từ rất sớm, Han Kang đã có tác phẩm ra mắt độc giả Việt Nam. Sớm nhất là Người ăn chay được giới thiệu vào năm 2011, xoay quanh một người phụ nữ tỉnh dậy bởi một cơn mơ và muốn trở thành một cái cây xanh, dẫn đến hành động từ bỏ ăn thịt cá hoàn toàn cho đến cực đoan hơn là nhịn ăn và tin vào việc chỉ cần hấp thụ ánh sáng mặt trời là đủ tồn tại. Qua tác phẩm này, Han Kang đã nói lên sự dồn nén mà người phụ nữ hiện đại phải chịu đựng trong một xã hội đậm nét gia trưởng khi họ không thể chia sẻ và cũng không ai thấu hiểu được mình. Bằng chất nghịch dị và những hình ảnh ám ảnh, Han Kang đã nói về một bi kịch của thời hiện đại khi sự kết nối ngày càng suy yếu và áp lực gây nên những đè nén tinh thần con người ngày càng gia tăng.
Sau tác phẩm này, nữ nhà văn ngày càng lặn sâu vào nội tâm mình để phơi bày những chất chứa còn in sâu trong cõi lòng. Trong các tác phẩm sau này, ta luôn nhìn thấy một sự phản tư về ngày đã qua và tự trách mình của Han Kang. Chẳng hạn trong Trắng, cô đã nhớ tới người chị sơ sinh qua đời rất sớm và tự cho mình là nguyên nhân khiến chị ra đi, bởi nếu chị còn sống thì cô đã không có mặt trong cuộc đời này. Hay ở Bản chất của người, ta thấy một điều tương tự như thế, khi chính việc rời đi chỉ vài tháng trước tuy giúp gia đình cô được an toàn nhưng cũng khiến cho rất nhiều người thiệt mạng mà một trong số đó là Dong Ho - cậu trai 17 tuổi đã ở chính ngôi nhà mà gia đình cô đã bán khi ra đi.
Từ sự phản tư (hướng ý thức vào bản thân mình, ngẫm nghĩ về trạng thái tâm lý của mình), cô đã suy ngẫm về sự bạo lực và bất nhất của con người. Trong các chia sẻ của những viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển sau buổi công bố, khi được hỏi đâu là tác phẩm hay nhất hoặc nên đọc nhất của nữ nhà văn, thì đa phần câu trả lời đều hướng đến Bản chất của người - tác phẩm chính là đại diện rõ nhất cho chủ đề này của cô. Cũng như tác giả Belarus đoạt giải Nobel Văn chương 2015 là Svetlana Alexievich với những tác phẩm nặng tính tư liệu, Han Kang đã tham khảo gần 2.000 trang tờ khai của các nhân chứng được lưu trữ cũng như phỏng vấn rất nhiều người khác để viết nên cuốn tiểu thuyết phản ánh hiện thực nhưng không quá nặng tính tư liệu này. Bản chất của người nhắc về một trang sử bi thương của lịch sử Hàn Quốc trong thế kỷ 20, nhưng thông qua đó ta cũng thấy được mối bận tâm chung về bạo lực của Han Kang.
Với cô, câu hỏi về sự bất nhất khi một người có thể cứu một đứa bé đang nguy hiểm để rồi sau đó làm những điều xấu xa ở Jeju, ở Auschwitz, ở Bosnia, ở Nam Kinh hay với cộng đồng người Mỹ bản địa chính là vấn đề mình luôn trăn trở. Qua đó từ một vấn đề mang tính cục bộ, địa phương, Gwangju đang trở thành một danh từ chung chỉ bạo lực lên ngôi và nhân tính sụp đổ mà câu chuyện đương thời ở dải Gaza và Bắc bán cầu chính là minh chứng...
Cũng vì lẽ đó mà trong cuốn Trắng cô đã đến Ba Lan - một nơi trong Thế chiến thứ hai đã bị Hitler biến thành bình địa do có cư dân không chịu khuất phục - để tiến sâu hơn vào các trải nghiệm. Tại đây, Han Kang đã xâu chuỗi những sự tương đồng của nơi này với thảm kịch Gwangju để cho thấy những mối hiểm họa vẫn luôn còn đó, nhưng điều quan trọng đó là hy vọng vẫn luôn bừng nở. Như Warsaw từ một bình địa hoang tàn giờ đã trở thành một thành phố châu Âu thịnh vượng, trong các tác phẩm, tuy phản ánh bạo lực đen tối nhưng Han Kang vẫn luôn gieo trồng hạt giống thiện lành và tin một ngày nào đó con người sẽ sống với nhau ngây thơ như cây như cỏ đầy thiện lương và hướng Phật.
Có thể nói chiến thắng của Han Kang ở Nobel Văn chương năm 2024 này tuy là một bất ngờ lớn nhưng không thể phủ nhận khi Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải thưởng lớn nhất hành tinh này cho một nhà văn không ngừng mở rộng biên độ sáng tạo để cảnh báo thế giới về sự bạo lực và những xung đột vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ dù ở cấp độ cá nhân hay toàn nhân loại.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-luc-noi-am-anh-va-nhung-gioi-han-cua-su-chiu-dung/