Báo Mỹ: Ông Trump đánh thuế 'khắp thế giới', rạn nứt với đồng minh càng lớn?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/4 công bố áp thuế đối ứng đối với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại. Điều này đang làm gia tăng khoảng cách giữa Mỹ và một số đồng minh thân cận nhất, đồng thời tái định hình trật tự kinh tế toàn cầu, theo tờ New York Times (NYT).

Ông Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia để đối phó sự mất cân bằng trong kim ngạch thương mại giữa Mỹ và các đối tác. Ảnh: NYT.
Quy mô thuế quan gây sốc
“Quy mô và mức độ của các khoản thuế này đều rất lớn và đây là mối lo ngại lớn nhất của các nước ủng hộ thương mại tự do”, Eswar Prasad, giáo sư tại Trường Dyson thuộc Đại học Cornell, nhận định. “Ông Trump đang mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới”.
Các mức thuế mới bao gồm mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả các quốc gia trừ Canada và Mexico, cùng với mức thuế bổ sung dựa trên thuế quan mà các quốc gia khác áp lên hàng xuất khẩu của Mỹ và các rào cản khác mà chính quyền ông Trump coi là không công bằng.
Các quốc gia châu Á nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thuế quan áp lên Nhật Bản và Ấn Độ sẽ vượt quá 20%, trong khi các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Bangladesh và Sri Lanka phải đối mặt với mức thuế còn cao hơn.
Theo tính toán của Exiger - công ty phân tích dữ liệu - mức thuế mới của Mỹ có thể đè nặng nhất lên hàng xuất khẩu của Trung Quốc, với 149 tỷ USD thuế bổ sung, trong khi hàng hóa Việt Nam chịu 63 tỷ USD, hàng hóa Đài Loan (Trung Quốc) 37 tỷ USD và hàng Nhật Bản 36 tỷ USD. Exiger gọi động thái mới của ông Trump là “một sự thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt sẽ định hình lại chiến lược nguồn cung, định giá và địa chính trị”.
Hệ lụy và sự rạn nứt?
Châu Âu
Dù đã có dự đoán từ trước nhưng thông báo tăng thuế hầu hết các nước trên thế giới đã khiến các đối tác của Mỹ choáng váng.
Quyết định của Mỹ được cho là làm gia tăng đáng kể rạn nứt với đối tác lâu đời là Liên minh Châu Âu (EU). Cùng với các mức thuế trước đó áp lên thép, nhôm và ô tô, đòn thuế mới dự kiến sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các ngành công nghiệp quan trọng của EU, đặc biệt là ô tô và dược phẩm, vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu sang Mỹ.
Các nhà phân tích ước tính rằng xuất khẩu của EU có thể giảm ít nhất 85 tỷ euro mỗi năm, trong đó Đức, Đan Mạch và Trung Âu phải đối mặt với những hậu quả kinh tế không cân xứng. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cảnh báo về khả năng GDP của khu vực đồng euro giảm 0,3% trong năm 2025 do các mức thuế này.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Von der Leyen, các mức thuế mới của ông Trump sẽ ngay lập tức làm gián đoạn giao thương và gia tăng sự bất ổn trên toàn thế giới. Bà mô tả các biện pháp này là "một đòn giáng mạnh vào sự ổn định kinh tế". Bà chỉ trích động thái này làm suy yếu hàng thập kỷ hợp tác kinh tế xuyên Đại Tây Dương.
EU hiện đang hoàn tất gói biện pháp trả đũa đầu tiên, bao gồm thuế quan nhắm vào xuất khẩu thép của Mỹ và một số mặt hàng khác. Bà Von der Leyen cũng xác nhận các biện pháp đối phó bổ sung đang được chuẩn bị để bảo vệ doanh nghiệp và lợi ích của châu Âu.
Mặc dù vậy, EU vẫn nhấn mạnh ưu tiên giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại. Bà Von der Leyen khẳng định rằng mục tiêu của châu Âu là đạt được một thỏa thuận với Washington nhằm tránh gây thiệt hại kinh tế cho cả hai bên.
Theo NYT, mục tiêu của châu Âu hiện tại là giành được đòn bẩy. Các nước châu Âu đang cố gắng tận dụng sức mạnh của thị trường tiêu dùng 27 quốc gia để buộc Washington phải đàm phán.
Tuy nhiên, kế hoạch phản kháng có thể gặp khó khăn vì các vấn đề địa chính trị đã trở nên gắn bó chặt chẽ với mâu thuẫn thương mại. Mỹ muốn châu Âu gánh vác nhiều hơn gánh nặng quốc phòng, đồng thời giảm bớt các hạn chế đối với các công ty công nghệ lớn, bao gồm các quy định nhằm đảm bảo thực thi tiêu chuẩn nội dung.
Câu hỏi đặt ra là phản ứng sẽ đến nhanh như thế nào. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã nói rõ rằng họ muốn tìm hiểu chi tiết về đợt thuế mới nhất trước.
“Họ không muốn gia tăng căng thẳng với Mỹ, ưu tiên là đạt được thỏa thuận”, Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, một công ty nghiên cứu chính trị, cho biết. Nhưng ông cảnh báo rằng có nguy cơ tình hình leo thang và châu Âu có thể nhắm đến các dịch vụ của Mỹ trong vài tuần hoặc vài tháng tới. “Cần phải thể hiện sức mạnh kinh tế để có thể gây áp lực ngược lại với Mỹ”.
Nhật Bản
Nhật Bản bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với mức thuế 24% áp lên hàng hóa nước này. Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, ông Yoji Muto, mô tả quyết định này là "cực kỳ đáng tiếc" và kêu gọi Washington xem xét lại. Các mức thuế này được dự báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu của Nhật Bản, đồng thời đồng yên Nhật tăng giá do nhà đầu tư tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trước sự biến động của thị trường.
Hàn Quốc
Hàn Quốc, đối mặt với mức thuế 25%, đã gọi tình hình này là một "cuộc chiến thuế quan toàn cầu". Quyền Tổng thống Han Duck-soo đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng và nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc đàm phán tích cực với Mỹ nhằm giảm thiểu tác động.
Singapore
Singapore không bị áp mức thuế cao hơn mà chỉ phải chịu mức thuế cơ bản 10%. Tuy nhiên, các quan chức nước này đã bày tỏ lo ngại về những tác động rộng lớn hơn của chính sách bảo hộ đối với sự ổn định của thương mại toàn cầu.
Tác động rộng lớn?
Việc áp thuế rộng khắp này bị cho là làm gia tăng rạn nứt giữa Mỹ và các đồng minh. Nhiều quốc gia coi đây là dấu hiệu của sự chuyển dịch rộng lớn hơn từ các khuôn khổ thương mại đa phương sang chủ nghĩa bảo hộ đơn phương. Xu hướng này đe dọa làm suy yếu hàng thập kỷ tiến bộ trong hội nhập kinh tế toàn cầu.
Trong khi một số nước chọn con đường đàm phán thay vì trả đũa, những nước khác đang chuẩn bị các biện pháp đối phó có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng chính sách này có thể dẫn đến giá tiêu dùng cao hơn, lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Cuộc chiến thương mại leo thang có thể làm giảm 0,7% tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2025, theo ước tính của IMF.
Tuy nhiên, cũng có chuyên gia như Chris Zaccarelli từ Northlight Asset Management - một tổ chức chuyên cung cấp các dịch vụ đầu tư và quản lý danh mục đầu tư - cho rằng các mức thuế mới có thể được sử dụng như một công cụ chiến lược để đạt được các thỏa thuận thương mại có lợi hơn với các quốc gia đồng minh, mang lại lợi ích cho cả hai bên trong dài hạn.
Đáng chú ý, một vài đồng minh thân cận nhất của Mỹ, như Canada và Mexico, đã được miễn trừ khỏi các mức thuế khắc nghiệt nhất. Điều này phản ánh phần nào nỗ lực duy trì mối quan hệ kinh tế vững chắc giữa Mỹ với các đối tác quan trọng trong khi vẫn giải quyết các vấn đề mất cân bằng thương mại rộng hơn.