Hiện Ukraine đã được các quốc gia phương Tây hứa chuyển giao F-16, tuy nhiên đều là biến thể F-16A/B Block 20/30 ra đời từ thập niên 1980, được đánh giá kém hơn so với Su-30/35, tuy nhiên nếu họ nhận được bản F-16C Block 52+ thì đây lại là câu chuyện khác.
Trang Avia của Nga lo ngại rằng, rất có thể phương Tây sẽ cấp phiên bản F-16C Block 52+ cho Kiev. Động thái này có thể tác động nghiêm trọng tới cán cân sức mạnh trên bầu trời Ukraine.
Phía truyền Thông Nga cho rằng, việc cung cấp phiên bản tiêm kích hiện đại này đang được Mỹ thảo luận với các đồng minh.
Việc có trong tay phiên bản F-16C Block 52+ sẽ giúp không quân Ukraine có thể tác chiến ở tầm xa lên tới 120 km trên không.
Hiện nay, không quân Ukraine có năng lực tác chiến trên không tầm xa hạn chế, đặc biệt là trước các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga như Su-35S, Su-30SM2 và MiG-31BM.
Các phiên bản F-16AM Block 20 MLU được phương Tây cung cấp cho Ukraine được trang bị radar trên không AN/APG-66(V)2, phạm vi phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 65 km.
Điều này kém hơn đáng kể so với khả năng của radar N035 Irbis-E của Nga, vốn có thể phát hiện mục tiêu là tiêm kích F-16AM ở khoảng cách lên tới 350 km.
Trong điều kiện bất cân xứng như vậy, các phi công F-16AM của Ukraina phải dựa vào các nguồn chỉ định mục tiêu bên ngoài, chẳng hạn như máy bay chỉ huy cảnh báo Saab 340AEW&C AWACS.
Điều này tạo ra những hạn chế nghiêm trọng của F-16AM trong việc tự chủ tiến hành tác chiến trên không và làm giảm hiệu quả của không quân Ukraine khi đối đầu với các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga.
Việc đưa máy bay chiến đấu F-16C Block 52+ với các nâng cấp hiện đại, bao gồm radar AN/APG-83 SABR AFAR, vào kho vũ khí của lực lượng vũ trang Ukraine có thể tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của Ukraine.
Những máy bay chiến đấu F-16C Block 52+ được trang bị radar tiên tiến có khả năng phát hiện mục tiêu tốt hơn so với các mẫu cũ.
Radar AN/APG-83 có khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách lên tới 200 km, có thể phóng tên lửa AIM-120D diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 160 km.
Sự cải tiến trong hệ thống radar này cho phép phi công Ukraine trên F-16C Block 52+ đối phó hiệu quả với máy bay chiến đấu Nga ở tầm xa, giảm thiểu lợi thế của chúng.
Tuy nhiên, truyền thông Nga lại cho rằng, ngay cả F-16C Block 52+, thì Su-35S và Su-30SM2 của Nga với tên lửa R-37M có tầm bắn lên tới 230 km vẫn giữ được lợi thế đáng kể trong giai đoạn đầu không chiến.
Việc chuyển giao F-16C Block 52+ có thể thay đổi môi trường chiến thuật trong xung đột, giúp không quân Ukraine có khả năng tiến hành các hoạt động hiệu quả và tự chủ hơn.
Điều quan trọng cần lưu ý là để tận dụng hết lợi thế tầm xa của radar và tên lửa, các phi công trên Su-35S và Su-30SM2 sẽ chỉ có “khoảng thời gian” khoảng 3-5 phút để khóa và bắn mục tiêu.
Sau khi giảm khoảng cách giữa Su-35S và F-16C Block 52+ xuống còn 160 km, lúc này ưu thế sẽ cân bằng giữa hai bên.
Lúc này kết quả của trận chiến sẽ phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng của phi công, khả năng của hệ thống radar, cũng như khả năng cơ động và đặc điểm của đầu dẫn radar chủ động (GOS) của tên lửa R-77-1 ở phía Nga và AIM-120D phí Ukraine.
Hiện Mỹ và Ukraine chưa bình luận về thông tin được phía truyền thông Nga đưa ra.
Việt Hùng