Bao nhiêu lời cảm ơn y, bác sỹ cho đủ!

Sự khỏe mạnh, bình an của nhiều người hôm nay chính là lời cảm ơn, là món quà diệu kỳ của cuộc đời dành tặng các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, đương đầu với nguy hiểm trong những ngày tháng đại dịch COVID-19 hoành hành.

Quay ngược thời gian về ngày 21-7-2021, khi đó Bệnh viện (BV) Hùng Vương được Sở Y tế TP.HCM phân tầng điều trị COVID-19 theo biểu đồ hình tháp từ tầng 1 đến 4 trong tháp 5 tầng. Ngay lập tức, BV đã chuyển đổi Tòa nhà Cát Tường thành khu K1 điều trị sản phụ F0 lớn nhất TP.HCM với quy mô 120 giường.

Các y, bác sĩ cứu sống tôi bằng cả trái tim

Chuối và Khoai là hai em bé được sinh ra tại khu K1 vào đầu tháng 11-2021. Trước đó, mẹ hai bé là chị Nguyễn Thùy Linh (30 tuổi, ngụ TP.HCM) không may nhiễm COVID-19 nặng khi mang thai tuần thứ 31. Chị nhập viện trong tình trạng hôn mê phải thở máy. Để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, các y, bác sĩ của BV Hùng Vương đã quyết định mổ bắt con.

 Gia đình chị Nguyễn Thùy Linh vui mừng gặp lại hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang (thứ hai từ trái sang) tại BV Hùng Vương vào tháng 2-2023. Ảnh: NVCC

Gia đình chị Nguyễn Thùy Linh vui mừng gặp lại hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang (thứ hai từ trái sang) tại BV Hùng Vương vào tháng 2-2023. Ảnh: NVCC

Nhớ lại khoảng thời gian đầy khó khăn, chị Linh xúc động: “Ngày các con chào đời trùng với ngày cưới của hai vợ chồng. Ngày tôi tỉnh lại trúng ngày sinh nhật mình, tôi thấy như thể mình được sinh ra lần nữa”.

“Khi tỉnh lại tôi mừng lắm, các y, bác sĩ (BS) còn mừng hơn. Nghe kể trong lúc tôi hôn mê, mỗi ngày họ đều cầu nguyện cho tôi mau tỉnh lại, tìm mọi cách giành giật sự sống cho tôi từ tay tử thần. Thật thế! Các y, BS đã cứu tôi bằng cả trái tim, tôi và gia đình đều cảm nhận được điều ấy” - chị Linh tâm sự.

 Gia đình chị Nguyễn Thùy Linh tham gia trình diễn áo dài tri ân thầy thuốc tại BV Hùng Vương dịp 27-2-2023. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Gia đình chị Nguyễn Thùy Linh tham gia trình diễn áo dài tri ân thầy thuốc tại BV Hùng Vương dịp 27-2-2023. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Sinh con trong đại dịch, không gia đình bên cạnh, chị Linh kể mình đã rất hoang mang. Dù biết mang song thai nguy cơ sinh non cao, nhưng chị không nghĩ lại sinh con trong hoàn cảnh khó khăn đến vậy.

“Trước khi gây mê, BS nhắc tôi gọi điện cho người nhà. Tôi không hề biết đó là cuộc gọi đặc biệt, có thể là cuộc gọi cuối nếu ca mổ có gì bất trắc…

Vừa tỉnh, tôi đặt tay lên bụng vì nghĩ mình vẫn còn bầu. Khi nghe BS nói đã mổ bắt con khi tôi hôn mê, tôi lo lắng run bần bật. Chỉ khi nghe BS động viên: “Ráng lên nha, hai đứa trẻ còn khỏe hơn cả em” tôi mới yên tâm” – chị Linh nghẹn ngào.

 Hai con trai chị Nguyễn Thùy Linh được sinh ra tại Khu K1 BV Hùng Vương vào đầu tháng 11 năm 2021. Ảnh: NVCC

Hai con trai chị Nguyễn Thùy Linh được sinh ra tại Khu K1 BV Hùng Vương vào đầu tháng 11 năm 2021. Ảnh: NVCC

Theo mạch chuyện, chị Linh tiếp: “Gia đình lúc ấy mẹ một nơi, ba một nơi, hai đứa con một nơi, nghĩ mà thương quá. Các y, BS cũng kiên nhẫn, tận tình biết bao khi đút cho tôi từng muỗng cháo, động viên tôi ăn giỏi để sớm gặp con. Gần một tháng sau tôi được gặp con lần đầu, khoảnh khắc đó không bao giờ quên được” – chị Linh trải lòng.

Thời gian thấm thoắt trôi, đến nay hai con của chị Linh đã hơn hai tuổi. “Nhìn các con khỏe mạnh tôi luôn biết ơn các y, BS của BV Hùng Vương trong những ngày tháng ấy. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các y, BS của BV, chúc các y, BS có thật nhiều sức khỏe và vững tin với nghề!” - chị Linh bày tỏ.

Biết ơn vì được làm mẹ lần nữa

Ngắm nhìn con gái bụ bẫm, khỏe mạnh, chị Dương Xuân Thu (33 tuổi, ngụ Bình Dương) luôn thầm biết ơn BS Lê Minh Khôi, lúc bấy giờ đang là Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 - BV Đại học Y Dược TP.HCM.

 Chị Dương Xuân Thu luôn thầm biết ơn vì bác sĩ đã cứu sống mình, giúp mình có cơ hội sinh con lần nữa. Ảnh: NVCC

Chị Dương Xuân Thu luôn thầm biết ơn vì bác sĩ đã cứu sống mình, giúp mình có cơ hội sinh con lần nữa. Ảnh: NVCC

“Cuối năm 2021, tôi đang mang thai 13 tuần thì nhiễm COVID-19, điều trị tại một BV ở Bình Dương. Người nhà nói lại lúc đó chỉ còn chực chờ mang tôi về lo hậu sự. Cuối cùng, BV tư vấn chuyển viện, song do tình trạng tôi rất nặng lại ở tỉnh, khó khăn trong chuyển tuyến nên nhiều BV đã từ chối” – chị Thu nói.

Thế rồi phép màu đến khi gia đình chị liên hệ với BS Khôi, chị được chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 - BV Đại học Y Dược ngay trong đêm. Tại đây, chị phải thở ôxy lưu lượng cao đúng 49 ngày. Quá trình điều trị, vì tình trạng xấu nên chị buộc phải đình chỉ thai kỳ lúc 24 tuần.

Trong lúc tôi hôn mê, mỗi ngày các y, BS đều cầu nguyện cho tôi mau tỉnh lại, tìm mọi cách giành giật sự sống cho tôi từ tay tử thần.

“Tỉnh dậy dù đầu óc còn rất mơ hồ nhưng tôi nhớ ngay đến con. Tôi hỏi chồng: “Con mình đâu?”. Nhận được câu trả lời của anh tôi chết lặng, cảm giác tuyệt vọng bao trùm, bắt đầu suy nghĩ tiêu cực. Rất may các y, BS đã ở bên động viên, an ủi, vực dậy tinh thần cho tôi” - chị Thu tâm sự.

 Những ngày điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 - BV Đại học Y Dược TP.HCM, chị Dương Xuân Thu được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình. Ảnh: NVCC

Những ngày điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 - BV Đại học Y Dược TP.HCM, chị Dương Xuân Thu được các y, bác sĩ chăm sóc tận tình. Ảnh: NVCC

Khoảng sáu tháng sau khi xuất viện, chị Thu mang thai rồi bình an hạ sinh một bé gái. “Nếu không gặp được BS Khôi có lẽ tôi không có ngày này. Gia đình tôi rất biết ơn các y, BS của BV Đại học Y Dược - những người đã sinh ra tôi lần thứ hai, giúp tôi có cơ hội làm mẹ lần nữa” - chị Thu bày tỏ.

Sự khỏe mạnh của bệnh nhân là món quà lớn nhất

Nhắc đến mẹ con chị Linh, ký ức những ngày chống dịch COVID-19 của nữ hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang, khoa Phẫu thuật gây mê - hồi sức BV Hùng Vương ùa về. Chị Trang là điều dưỡng chăm sóc trực tiếp cho chị Linh sau phẫu thuật.

“Ngày đó tắm rửa, gội đầu, động viên bệnh nhân mỗi ngày chỉ có nhân viên y tế. Tôi còn nhớ, chị Linh cứ thấy hình con qua điện thoại là khóc sướt mướt, song chị đã rất kiên cường. May mắn các bé đều khỏe mạnh, xuất viện sau mẹ khoảng một tuần” - chị Trang nhớ lại.

 Hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang suốt năm tháng trời tại khu K1, BV Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Hộ sinh Phạm Thị Thùy Trang suốt năm tháng trời tại khu K1, BV Hùng Vương. Ảnh: NVCC

Chị Trang kể, thời gian dịch COVID-19 đỉnh điểm, nhân viên y tế làm mọi cách có thể để cứu bệnh nhân. Họ vừa điều trị, vừa thúc giục bệnh nhân phải cố ăn uống, nếu ăn không nổi thì uống sữa; rồi kêu gọi bệnh nhân đứng dậy, hoạt động, tập thể dục cho mau khỏe…

“Động viên bệnh nhân là vậy nhưng chính chúng tôi cũng có cảm giác sợ hãi vì nhiều người mới khỏe mà tích tắc đã ra đi. Có thời gian tôi cứ tự dằn vặt bản thân sao nỗ lực nhiều đến thế vẫn không giữ nổi mạng sống cho bệnh nhân?” – mắt chị Trang rơm rớm.

259 là số trẻ em có mẹ bị mắc COVID-19 được chăm sóc tại Trung tâm H.O.P.E của BV Hùng Vương trong giai đoạn chưa có gia đình đón về. (PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương).

18 năm trong nghề, chưa bao giờ chị Trang thấy một phòng bệnh mà bệnh nhân đều thở máy như thời gian đó. Có những hộ sinh, điều dưỡng chưa từng chăm sóc bệnh nhân thở máy, họ vừa điều trị vừa học các khóa online về chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Công việc cứ thế quay cuồng, như chị Trang đến năm tháng mới được về thăm nhà.

“Ngày đó gian nan bao nhiêu giờ thấy bệnh nhân khỏe mạnh chúng tôi thấy lòng ấm áp bấy nhiêu. Những tin nhắn hỏi thăm từ bệnh nhân COVID-19, đến bây giờ tôi vẫn được nhận. Riêng chị Linh hay gửi tin nhắn kèm hình hai bé Khoai và Chuối, các bé khỏe mạnh lớn lên từng ngày chính là lời cảm ơn lớn nhất mà chị gửi đến chúng tôi” - chị Trang trải lòng.

Về ca bệnh của chị Thu, PGS-TS-BS Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo (BV Đại học Y Dược TP.HCM), chia sẻ vẫn nhớ như in ngày quyết định nhận chị về BV điều trị. BS cũng rất vui vì giờ đây chị còn có thêm một em bé kháu khỉnh.

“Thấy bệnh nhân mà mình từng cứu sống đang khỏe mạnh là món quà to lớn với chúng tôi. Đó là lời cảm ơn từ bệnh nhân, từ cuộc đời dành cho y, BS, giúp chúng tôi có thêm động lực làm nghề, cố gắng vươn đến những điều tốt đẹp hơn” – BS Khôi nhấn mạnh.

Họ xứng đáng được tri ân

BS NGUYỄN THẾ DŨNG - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Trong cuộc chiến chống COVID-19, nhân viên y tế đã hy sinh rất nhiều, rời xa gia đình đi vào tâm dịch hiểm nguy, đánh đổi cả sự an toàn của bản thân. Sau bao nhiêu khó khăn của đại dịch, những người vẫn còn bám trụ thật sự là những người kiên cường.

Tuy nhiên, những người rời đi cũng xứng đáng được tri ân vì họ đã đóng góp rất nhiều công sức cho ngành y tế. Họ rời khỏi ngành cũng vì bất đắc dĩ, vì có lý do riêng, hoàn cảnh riêng… Tôi tin rằng sau này nếu ngành y tế thật sự cần, họ nhất định sẽ trở lại.

Mỗi người khi làm việc trong ngành y tế chắc hẳn vì thương ngành, đây cũng là động lực để họ chăm lo cho sức khỏe của người dân. Mong nhân viên y tế có đủ sự vững tin để theo ngành dài lâu, góp phần xây dựng, phát triển ngành y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng của người dân.

BS NGUYỄN THẾ DŨNG - Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-nhieu-loi-cam-on-y-bac-sy-cho-du-post777769.html