Bão ơi, ngoại khóc đủ rồi

Tự hào sinh ra trên mảnh đất miền Trung mặn mà nắng gió, cô có thể thao thao bất tuyệt kể về các món ăn đặc sản, những địa danh nổi tiếng hay chân chất tình người, vậy nhưng khi ai đó hỏi cô rằng mùa lũ ở miền Trung khiến đất cuốn nhà trôi luôn hả em, cô không thể thốt nên lời.

Ngày đó, tôi còn là con nhỏ với mái tóc tém lởm chởm cháy nắng vàng hoe. Mùa lũ trong tôi là những cuộc điện thoại giữa mẹ và ngoại.

Thi thoảng tôi ngồi đó nhìn ánh mắt đầy lo lắng của mẹ khi hỏi ngoại liệu tấm cửa gỗ trước nhà đã được dựng kỹ càng hay mái tôn hôm nào tróc ra liệu đã được gia cố. Ngoại đáp lại lời trấn an nhưng sâu thẳm trong câu trả lời ấy không giấu được nỗi đượm buồn trong từng hơi thở.

Mùa lũ trong tôi còn được tái hiện qua những lời kể của ngoại. Đó là vào mùa hè năm tôi sắp lên lớp 6, tôi được ba mẹ cho về quê chơi sau khi hoàn tất kỳ thi cuối năm.

Mùa lũ ở miền Trung khiến đất cuốn nhà trôi. Ảnh minh họa.

Mùa lũ ở miền Trung khiến đất cuốn nhà trôi. Ảnh minh họa.

Bữa cơm trưa vừa dứt, ngoại đã ra hiên nhà, xoa hai bàn chân vào nhau cho sạch đất cát rồi ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc cây vú sữa. Những chiếc lá đong đưa theo từng nhịp gió, vài sợi nắng nghịch ngợm đậu trên vai, trên tay và cả trên mái tóc đã điểm hai màu của ngoại.

Tôi khi đó là đứa trẻ con thích đặt đầu vào lòng ngoại, thủ thỉ hỏi liệu đến khi vào năm học mới, tôi trở về nhà với ba mẹ thì ngoại có buồn. Ôm tôi vào lòng, ngoại lại nhìn xa xăm, ngoại bảo tôi chưa đi ngoại đã nhớ, nhớ rồi buồn não nề như mùa lũ về cuối năm. Khi ấy, tôi nài nỉ muốn nghe ngoại kể về mùa lũ.

Bàn tay nhăn nheo với những đường gân lúc nổi lúc chìm, ngoại cầm chiếc quạt mo cau phẩy qua phẩy lại như gom hết luồng gió mát lành của buổi trưa hè. Giọng ngoại nhẹ nhàng, khi trầm khi bổng, đưa tôi trở về với những ký ức cơn bão dữ dội năm nào.

Trong ký ức ấy có hình ảnh cơn mưa rả rích, dai dẳng từ đầu tháng dần dần trở nên nặng hạt rồi dày đặc hơn. Tiếng đài phát thanh vang vọng khắp xóm làng nhắc nhở bà con tập trung gia cố nhà cửa, kê cao đồ đạc, dự phòng lương thực và chuẩn bị sẵn sàng đón bão.

Có khi sau một trận bão giông cây chỉ còn trơ trọi những cành ngắt khúc, có cây ngã rạp ôm trọn thân mình vào lòng đất. Ảnh minh họa.

Có khi sau một trận bão giông cây chỉ còn trơ trọi những cành ngắt khúc, có cây ngã rạp ôm trọn thân mình vào lòng đất. Ảnh minh họa.

Ngoại kể về những ngày tháng vất vả khi lũ đến. Mấy bao lúa đã khô già mọi khi nằm yên nơi góc nhà nay được ngoại đổ ra, sang qua mấy chiếc túi ni lông rồi cột chặt. Bên ngoài, ngoại lại bọc thêm một lớp bao dày để lũ có về cao đến đâu, lúa cũng không bị ướt. Từ tấm phản, cái ghế, cái bàn hay mớ gạch rồi bất kỳ vật dụng nào kê lên được đều tận dụng trong việc đưa đồ đạc lên cao nhất có thể.

Trong mắt ngoại khi ấy mọi thứ xung quanh bị bao trùm bởi những áng mây đen xám xịt, những cơn gió lạnh tứ bề và cả bóng dáng của hàng cây thẳng tắp ngày nào giờ nghiêng ngả qua mỗi đợt gió lay.

Người và người chỉ có thể nhận ra nhau nhờ dáng đi, giọng nói quen thuộc hay có khi chỉ cần lắng nghe tiếng thở ngắn dài. Hàng dương liễu trước nhà trở thành chiến binh oai hùng kiên cố giữ đất, giữ cát cho cả làng cả xóm. Có khi sau một trận bão dông cây chỉ còn trơ trọi những cành ngắt khúc, có cây ngã rạp vùi trọn thân mình vào lòng đất.

Tôi nhớ mãi câu chuyện ngoại vừa kể mà vừa cười ra nước mắt. Khuya ấy nước tràn vào sâu tận trong nhà, nước dâng cao lên đến tận cổ, ngoại và dì đi nhón chân ra giữa cửa canh đợt nước lên. Có con heo đang nuôi chưa kịp xuất chuồng, không hiểu lũ cuốn sao lại trôi ngược vào nhà. Ngay lúc ấy ngoại chồm tới, đẩy con heo theo dòng nước vào sát mé tường. Con heo lăn mấy vòng rồi va cái ạch vào thành tủ, nhờ vậy mà đến hôm sau khi lũ rút, cả người lẫn heo không bị trôi bồng bềnh giữa làn nước nâu sẫm và lạnh buốt ấy.

Nước tràn vào sâu tận trong nhà, nước dâng cao lên đến tận cổ, ngoại và dì đi nhón chân ra giữa cửa canh đợt nước lên. Ảnh minh họa.

Nước tràn vào sâu tận trong nhà, nước dâng cao lên đến tận cổ, ngoại và dì đi nhón chân ra giữa cửa canh đợt nước lên. Ảnh minh họa.

Ngoại nhớ cả chuyện khi nhà nhà hò nhau đi dọn "chiến trường" sau cơn bão. Chốc chốc lại có tiếng ai đó cười ngất: "Tôi lượm được cái nồi mà thiếu nắp vung, ông nào có cái vung vừa tôi tặng luôn cái nồi nấu cơm ăn nhé".

Xen lẫn là tiếng hỏi thăm ngậm ngùi, không biết tối qua nhà ai thắp được chiếc đèn dầu làm cả đêm dẫu đôi mắt cay xè vì nước mưa vẫn cố nhìn về hướng đó như một niềm hy vọng. Đôi khi là tiếng trách thương mà nghe đến ấm lòng: "Sao hôm qua nói lên nhà tôi tránh bão mà không lên? Tự dưng leo nóc nhà ngồi nhìn bão đến?". Rồi cả tiếng mừng mừng tủi tủi: "Gà, vịt, ngan, ngỗng trôi hết ra biển Đông. Vậy mà nhà bà Tư còn giữ lại được con heo là lời to rồi"…

Khóc đó, khóc vì những chắt chiu bao ngày còng lưng dãi nắng cuối cùng đổ cả ra sông ra biển. Khóc vì cảnh ngồi ăn cơm dưới đất không yên lại bưng lên nóc nhà vừa ăn vừa run lạnh. Khóc vì không biết quê hương mình còn chịu bao nhiêu trận bão càn lũ quét nữa. Khóc cho những người đã quen với việc lũ tràn hết đận này năm khác mà mấy ai chịu bỏ quê. Khóc đến nỗi mỗi lần nhớ đến thì nước mắt chực trào dâng.

Rồi cũng cười đó, cười vì giữa những ngổn ngang qua từng mùa bão. Cười bởi những tàn tích còn lại sau khi cơn bão đi qua, cái nồi thiếu nắp hay cái chum mất đáy. Cười bởi những chân tình mà người này dành cho kẻ kia khi căn nhà to nhất xóm được gửi gắm bao người già trẻ nhỏ.

Cười vì ánh đèn hiu hắt trong đêm lại là nguồn sáng hy vọng duy nhất của cả nhà rồi lan ra cả xóm. Chợt nhận ra khi bão đi qua, mọi thứ có thể bị cuốn trôi, chỉ duy nhất một thứ ở lại, đó là tình người.

Ước mong khắc khoải mãi trong lòng tôi chẳng thể nào nguôi ngoai.

Bão ơi, xin đừng về nữa! Ngoại tôi đã khóc đủ rồi.

Lưu Hường

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/bao-oi-ngoai-khoc-du-roi-263615.htm