Bão Omais gây ngập úng nhiều nơi tại miền Nam Hàn Quốc
Sáng 24/8, bão Omais đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi tràn vào Hàn Quốc lúc nửa đêm 23/8, gây ngập úng nhiều đường sá và nhà ở, buộc hơn 1.000 người tại một số thành phố phía Nam sơ tán.
Theo Trung tâm an toàn và ứng phó thảm họa trung ương, lực lượng chức năng đã cứu được 11 người là nạn nhân của lũ quét và may mắn chưa có báo cáo thương vong tính đến sáng 24/8. Tuy nhiên, 10 người tại khu vực Tongyeong, tỉnh Nam Gyeongsang và 1.106 người tại khu vực Đông Busan, thành phố Changwon và tỉnh Nam Jeolla đã phải sơ tán đến nơi an toàn do lo ngại lở đất và lũ quét.
Dịch vụ đường sắt nối thành phố Gwangju với thành phố Miryang tại tỉnh Nam Gyeongsang đã bị gián đoạn sau khi nhiều đoạn đường sắt bị ngập bùn do mưa lớn vào rạng sáng. Trong khi đó, 6 tuyến đường tại các tỉnh Nam Gyeongsang và Nam Jeolla bị ngập nước. Hơn 20 khu mua sắm tại thành phố Ulsan và nhiêu ngôi nhà tại thành phố Tongyeong cũng bị ngập. Mưa to và gió lớn khiến 217 hộ gia đình tại 2 thành phố Ulsan và Busan mất điện tạm thời. Thời tiết xấu cũng buộc 86 chuyến bay và 70 chuyến phà phải tạm dừng hoạt động.
Tại Pháp, chính quyền địa phương cho biết đã cơ bản khống chế được đám cháy rừng hoành hành tại vùng Var, miền Nam nước này những ngày qua.
Chính quyền tỉnh Var thông báo lính cứu hỏa đã khống chế được, nhưng chưa dập tắt hoàn toàn đám cháy. Nhà chức trách vẫn phong tỏa 6 tuyến đường trong khi đưa ra "cảnh báo đỏ" về cháy rừng tại nhiều vùng núi xung quanh khu vực trên.
Khoảng 400 lính cứu hỏa vẫn được huy động để dập lửa và sẽ cần ít nhất 1 tuần để dập tắt hoàn toàn do đám cháy rừng này có quy mô lớn.
Cháy rừng bùng lên từ ngày 16/8 cách thành phố Toulou khoảng 100 km. Đây là đám cháy rừng lớn nhất tại Pháp tính từ đầu năm đến nay. Truyền thông cho biết ít nhất 2 người đã thiệt mạng, 7.000 hécta đất và rừng bị tàn phá cùng với hơn 14.000 người phải sơ tán do cháy rừng. Giới chuyên gia môi trường cho biết đám cháy cũng gây thiệt hại nặng cho hệ sinh thái và khu vực trên sẽ phải mất khoảng 30 - 40 năm để phục hồi về trạng thái ban đầu.