Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo 'Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế'
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế, đồng thời đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) và các luật, bộ luật liên quan.
Ngày mai (14-5), Báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế".

Hội thảo sẽ diễn ra vào sáng 14-5 tại khách sạn Tân Sơn Nhất Pavillon, 202 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Chủ trì - Điều hành Hội thảo là GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM và nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Pháp Luật TP.HCM.
Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia am tường về công tác thi hành án dân sự (THADS), gồm: GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM; TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; PGS.TS Lê Vũ Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM; Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM; TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM; TS Thái Thị Tuyết Dung, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế, ĐHQG TP.HCM; Luật sư Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, luật sư Lê Văn Hoan, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Lê Văn… cùng nhiều chuyên gia uy tín khác.

Chấp hành viên đọc quyết định cưỡng chế thi hành án. Ảnh: CẨM TÚ
Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật THADS (sửa đổi). Theo dự thảo tờ trình của bộ, qua hơn 16 năm thi hành, Luật THADS năm 2008 đã từng bước tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác THADS.
Dù vậy, công tác THADS trên thực tiễn vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Tính chất của các vụ việc ngày càng phức tạp, nhất là những vụ việc phải kê biên, xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, nhà đất có giá trị lớn, rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản để bảo đảm thi hành án thường phức tạp, nhiều trường hợp đến giai đoạn thi hành án thì xuất hiện các vấn đề pháp lý phát sinh, cần phải xác minh, làm rõ…; dẫn đến nhiều vụ án lớn, dù đã tuyên án nhiều năm những vẫn chưa thể thi hành án dứt điểm.
Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Theo tinh thần của Nghị quyết 68, Nhà nước đảm bảo tạo môi trường kinh doanh minh bạch, an toàn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, doanh nhân. Đặc biệt, Nghị quyết đã đề ra biện pháp chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế đảm bảo nguyên tắc "ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước".
Theo đó, "trường hợp áp dụng thực tiễn pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo".

Một buổi giám sát của HĐND TP tại Cục THADS TP.HCM vào tháng 6-2023. Ảnh: SONG MAI
Nghị quyết cũng yêu cầu phải bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức… Có thể thấy, theo tinh thần của Nghị quyết 68 thì trong một vụ án, việc xử lý tài sản để khắc phục hậu quả là vô cùng quan trọng.
Tinh thần nói trên của Nghị quyết 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, đảm bảo sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn vậy, tinh thần đó phải được thể chế hóa, phải được chuyển hóa vào các văn bản pháp luật liên quan, trong đó có dự luật THADS sửa đổi mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng.
Thực hiện trách nhiệm xã hội của một tờ báo chuyên ngành trong lĩnh vực chính trị - pháp lý, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" nhằm góp phần thúc đẩy quá trình thể chế hóa những chủ trương, chính sách của Đảng trong đó có Nghị quyết 68 nói trên để các chủ trương, chính sách sớm đi vào cuộc sống, nhằm phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình.
Hội thảo được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn để các chuyên gia cùng phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong công tác THADS - nhất là trong việc xử lý tài sản trong các vụ án kinh tế.
Thông qua đó, các chuyên gia pháp lý sẽ đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành và đưa ra các kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện Luật THADS và các luật, bộ luật liên quan.
Những vấn đề thảo luận chính tại hội thảo
Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế" được tổ chức vào sáng 14-5-2025.
Địa điểm tổ chức: Sảnh Pearl, tầng 3, Tân Sơn Nhất Pavillon, 202 Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Hội thảo có sự tham dự của 30 báo đài trung ương và TP.HCM.
Hội thảo sẽ tập trung trình bày và thảo luận sâu một số vấn đề chính:
1. Mua tài sản thi hành án: Những lưu ý để tránh các rủi ro và cơ chế bảo vệ người mua trúng đấu giá, nhất là bất động sản trong các vụ án kinh tế.
2. Thực tiễn, những bất cập trong định giá bất động sản là tài sản thi hành án liên quan đến phương pháp định giá và thời điểm định giá tài sản trong các vụ án kinh tế.
3. Các vướng mắc thường gặp liên quan đến việc xử lý tài sản thi hành án là bất động sản trong các vụ án kinh tế nhìn từ thực tiễn.