Bảo quản bánh đúng cách để phòng tránh ngộ độc
Với bánh su kem, người dân chỉ nên bảo quản ở môi trường nhiệt độ phòng nhiều nhất là trong 2 tiếng đồng hồ.
Với bánh su kem, người dân chỉ nên bảo quản ở môi trường nhiệt độ phòng nhiều nhất là trong 2 tiếng đồng hồ. Bởi, nhiệt độ phòng thường dao động từ 32 - 40 độ C, khiến vi khuẩn phát triển rất nhanh.
Loại bánh có nguy cơ nhiễm khuẩn cao
Thời gian qua, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đã khiến người dân bày tỏ lo ngại. Cụ thể, sáng 4/10, Sở Y tế TPHCM đã triệu tập họp khẩn hội đồng chuyên gia để đánh giá nguyên nhân vụ việc bé gái 6 tuổi tại TP Thủ Đức (TPHCM) tử vong nghi ngộ độc sau khi ăn bánh su kem.
Các chuyên gia cho rằng, đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo...).
Về loại thực phẩm gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống được dùng trong tiệc Trung thu). Bánh su kem gây ngộ độc khả năng cao đã bị nhiễm khuẩn. Bởi tất cả trường hợp ngộ độc đều có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như: Sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao…
Trước đó, 313 người bị ngộ độc do ăn bánh mì Phượng, trong đó có 103 người nước ngoài. Số người nhập viện cấp cứu tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng là 273 người. Có 40 người điều trị tại nhà và khai báo qua điện thoại. Sau khi ăn bánh mì Phượng, hầu hết đều có triệu chứng ngộ độc là đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần (trên 10 lần), nôn, sốt cao...
Theo ThS.BS.CK2 Dương Công Minh - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM), ngộ độc thực phẩm là tình trạng khi ăn, uống phải 1 thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, virus, độc chất từ bên ngoài hoặc dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản, phụ gia quá liều lượng quy định.
Từ đó, gây ra bất lợi cho sức khỏe con người. Thông thường, tác nhân gây ngộ độc thực phẩm có thể là vi khuẩn, virus, như E.Coli, Salmonella... norovirus, kim loại nặng...
Tình trạng này có thể xảy ra khi thực phẩm được bảo quản không đúng cách, để ở nhiệt độ giữa trời nắng nóng kéo dài. Hoặc, được để tủ lạnh sau đó rã đông không đúng cách... Chuyên gia này nhấn mạnh, ở nhiệt độ nóng môi trường phòng, vi khuẩn phát triển rất nhanh. Ngộ độc thực phẩm cũng có thể xảy ra trong quá trình xử lý, nếu người dân không rửa tay hoặc mang găng tay.
Một sai lầm phổ biến khác là khi xử lý xong thực phẩm, người dân để đồ ăn chín chung tủ lạnh với thịt sống. Hoặc, người chế biến thực phẩm có thể đang mắc bệnh lý về đường ruột, đường tiêu hóa. Nhiều tình huống không che đậy thực phẩm, tạo điều kiện cho côn trùng, ruồi nhặng bâu lên. Từ đó, trở thành trung gian truyền ký sinh trùng, vi khuẩn,...
“Thực phẩm nào cũng có thể bị nhiễm khuẩn. Những thực phẩm dễ nhiễm khuẩn thường là đồ tươi sống, hoặc có nguyên liệu tươi, không qua xử lý nhiều. Ví dụ, các loại bánh, bánh kem, su kem có nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn”, bác sĩ Dương Công Minh chia sẻ.
Cụ thể, bánh su kem làm từ bột và có thành phần nguyên liệu là kem. Loại bánh này không qua gia nhiệt, thanh trùng, tiệt trùng, môi trường đạm, đường béo nhiều. Su kem và các loại bánh tương tự không có phụ gia bảo quản, rất dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, nguy cơ cao hơn nếu người dân có thói quen không rửa tay, hoặc môi trường oi nóng, bảo quản không tốt.
Không sử dụng bánh sau 24 giờ
Trước hàng loạt vụ ngộ độc, không ít người dân băn khoăn về cách bảo quản bánh để phòng tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Để bảo quản bánh đúng cách, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Dương Công Minh cho biết: “Các loại bánh phải bảo quản từ khi xuất xưởng đến lúc sử dụng. Đồng thời, cần để trong ngăn mát tủ lạnh hoặc môi trường phòng không quá 2 tiếng. Bánh phải được sử dụng hết trong 24 tiếng đồng hồ”.
Bác sĩ Dương Công Minh chia sẻ, ngộ độc thực phẩm không phải là tình trạng “nóng hổi”, mà là bộ phim dài tập lặp đi lặp lại. Đặc biệt, có những trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm. Các tác nhân gây ngộ độc là những vi khuẩn có hại. Hại khuẩn tiết ra độc tố, tác động lên đường tiêu hóa, xâm nhập vào máu. Một số hại khuẩn gây độc tính, gây rối loạn diện giải, dẫn đến mất nước và có thể gây tử vong.
Theo bác sĩ Minh, nguyên tắc bảo quản bánh rất đơn giản, nhưng vấn đề là người dân có tuân thủ không. Bởi, việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm không phải chỉ nằm ở khâu bảo quản, mà cần chú ý từ lúc xuất xưởng.
Chuyên gia này khuyến cáo, với bánh su kem, người dùng phải chọn mua từ nhà sản xuất có uy tín. Những cơ sở sản xuất không nhãn mác, tên tuổi thì người dân không nên mua. Nên chọn cơ sở sản xuất uy tín, được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì rõ ràng, có ghi ngày hạn sử dụng, tên công ty.
Ngoài ra, sau khi mua, người dân chỉ nên để bánh ở môi trường nhiệt độ phòng nhiều nhất là trong 2 tiếng đồng hồ. Bởi, nhiệt độ phòng thường từ 32 - 40 độ C, vi khuẩn phát triển rất nhanh. Do đó, người dùng nên bỏ bánh vào ngăn mát tủ lạnh, chỉ sử dụng trong ngày.
Các loại bánh khác cũng có nguyên liệu tươi như bánh nậm, bánh lọc, bánh ít, bánh bao, phụ gia bảo quản ít, đều có hấp luộc, gia cố dưới nhiệt cao. Do đó, nguy cơ nhiễm khuẩn thấp hơn bánh su kem. Song, người dùng cũng chỉ nên sử dụng trong 24 tiếng, không để qua đêm. Nếu để bánh trên 2 tiếng ở môi trường từ 32 độ C trở lên, người dân không nên sử dụng nữa.
Theo chuyên gia này, với bánh chưng, bánh ít lá gai, người dân hay cất đi để sử dụng dần. Tuy nhiên, hai loại bánh này được gói bằng lá. Đó cũng là yếu tố tạo điều kiện cho vi sinh phát triển. Do đó, nên sử dụng nilon bọc lại, hút chân không để bảo quản tốt hơn. Nếu bảo quản bánh trong tủ lạnh, không nên quá 3 ngày. Nếu thấy bánh mốc, phải bỏ đi ngay.
“Trong trường hợp bánh chưng để tủ lạnh 2 ngày, thấy hơi nhớt, phải rửa ngay bằng nước. Sau đó, phải gia nhiệt, chiên lên thì có thể sử dụng tiếp”, bác sĩ Minh khuyến cáo.