Bão số 3 có thể mạnh lên cấp siêu bão

Thông tin này được đưa ra chiều 4/9 tại cuộc họp triển khai ứng phó với bão số 3 (Yagi) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức.

Thông tin tại cuộc họp chiều 4/9, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bão số 3 (có tên quốc tế là Yagi) hiện đang di chuyển theo hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/giờ.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Trong 48 giờ tới, hầu hết các dự báo, các mô hình của quốc tế đều chung nhận định là bão sẽ tiếp tục tăng cường độ; không loại trừ khả năng bão mạnh lên cấp siêu bão. Khoảng chiều tối 7/9, bão số 3 sẽ đổ bộ đất liền khu vực Bắc Bộ, từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.

Bão cường độ mạnh đổ bộ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế. Về tình hình nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có 49.380 ha, 19.144 lồng, bè và 3.806 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12 - 13, giật cấp 16.

Về tình hình hồ chứa, liên hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng lúc 11h ngày 4/9, mực nước thượng lưu các hồ/mực nước dâng bình thường như sau: Sơn La: 208,32m/215m; Hòa Bình: 111,45m/117,0m; Tuyên Quang: 117,15m/120,0m; Thác Bà: 58,05m/58,0m. Hiện hồ Tuyên Quang đang mở 1 cửa xả đáy; hồ Thác Bà đang mở 2 cửa xả mặt.

Về tình hình hồ chứa thủy lợi Bắc Bộ số có 2.543 hồ chứa, dung tích đạt 80-96% dung tích thiết kế; hiện có 120 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 77 hồ chứa đang thi công.

Bắc Trung Bộ có 2.323 hồ chứa, dung tích đang ở mức thấp đạt 46 - 65% dung tích thiết kế; hiện có 140 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và 63 hồ chứa đang thi công [3].

Về tình hình đê điều, trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý (Quảng Ninh: 2, Hải Phòng 10, Thái Bình 08, Nam Định 08, Ninh Bình 3, Thanh Hóa 1); 3 công trình đang thi công (02 cống trên tuyến đê Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh; tu bổ, nâng cấp đê biển I, TP Hải Phòng); một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng.

Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9 - 10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12 - 13, giật cấp 16 (vượt mức thiết kế).

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 50.137 tàu cá/219.864 người, trong đó có 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa (khu vực nguy hiểm). Trong đó: Thanh Hóa 2 tàu/20 người; Nghệ An 135 tàu/523 người; Đà Nẵng 54 tàu/479 người; Quảng Nam 141 tàu/1.133 người; Quảng Ngãi 157 tàu/1.111 người; Bình Định 15 tàu/90 người. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú. Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ 6/9/2024.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao nhất trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

Trong những giờ tới phải kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tùy theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đề nghị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn đối với vùng đồng bằng, miền núi

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Đồng thời, kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí, các địa phương tăng cường công tác truyền thông, không chỉ về diễn biến của bão số 3 mà còn tuyên truyền, hướng dẫn về những biện pháp ứng phó đến người dân.

Thái Nhung

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-so-3-co-the-manh-len-cap-sieu-bao-10289299.html