Bão số 3 gây thiệt hại rất nặng nề, đã có 4 người thiệt mạng
Từ khoảng 13 giờ chiều 7-9, bão số 3 như được tăng thêm cấp độ khi đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng và ven biển Bắc bộ.
Tại TP Hải Phòng, mưa như trút nước, gió giật tới cấp 12-13. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng, tâm bão vẫn còn nằm cách phía Bắc đảo Cát Bà khoảng 5km (chưa thực sự vào đất liền).
Ngoài đường, cây đổ nghiêng ngả, không còn lối đi. Những cây phượng già bị bão đánh gãy gập ngọn và cành lá. Sau 2-3 tiếng đồng hồ, gió bão quần thảo và gầm rú, những ngọn dừa xơ xác. Tiếng rít qua các tòa nhà nghe ghê rợn.
Hồi 13 giờ 30 một bức tường của một khách sạn ở quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) bị gió bão đánh vỡ. Ảnh: VĂN PHÚC
Tại một khách sạn nằm ở đầu khu bãi 1 quận Đồ Sơn - nơi hơn chục đại diện cơ quan báo chí đang trú tránh tác nghiệp, một bức tường ở tầng 6 bị gió bão phá vỡ, kính rơi loảng xoảng khi cánh cửa dập liên tục. Trên trời mây đen vần vũ, lá cây bay như bị hút. Mái tôn rung dồn dập. Hầu như không ai dám ra đường vào lúc này.
Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Trước đó, vào trưa 7-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có mặt tại TP Hải Phòng, tổ chức họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 3.
Trưa 7-9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có mặt tại TP Hải Phòng, tổ chức họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 3. Ảnh: VIỆT HÀ
Khoảng 12 giờ ngày 7-9, tại Hải Phòng, mưa cùng với gió rất mạnh. Ghi nhận sơ bộ một số thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3. Cụ thể, tại quận Ngô Quyền, một cây xanh đổ tại phường Máy Tơ đã được chính quyền địa phương và công ty cây xanh xử lý, không có thiệt hại về người.
Ở huyện Tiên Lãng, một số cây xanh ven đường bị đổ ngã đã được các cơ quan và xã khắc phục để đảm bảo giao thông. Tương tự, tại huyện Vĩnh Bảo, cây xanh đổ chắn ngang đường, ảnh hưởng đến giao thông đã được xử lý, đảm bảo thông suốt.
Gió mạnh, cây cối bị quật tơi tả ở TP Hải Phòng trưa 7-9
Tại quận Lê Chân, 2 cây xanh ở phường Minh Khai và phường Hoàng Văn Thụ bị gãy cành; một cây tại khu vực Phan Bội Châu bị bật gốc đè lên đường dây điện. Ở quận Hải An, một cây xanh đổ tại đường Lê Hồng Phong cũng đã được xử lý.
Tại huyện Bạch Long Vỹ, một cơ quan bị tốc mái tôn, đổ tường bao, cổng và nhiều cây xanh bị gãy đổ. Hiện các lực lượng địa phương đang tập trung khắc phục. Không có thiệt hại về người.
Còn tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều nơi đã bị mất điện khi bão vào bờ. Công ty Điện lực Quảng Ninh thông báo, do ảnh hưởng của gió mạnh và mưa lớn, đến 10 giờ sáng nay, 40% khách hàng ở địa phương này đã bị mất điện, trong đó huyện Cô Tô đã bị cắt điện hoàn toàn.
Nhiều nơi tiếp tục sơ tán người dân đến nơi tránh bão
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố trên đường dây 110kV và cây cối gãy đổ vào các đường dây, cột điện. Hiện công ty đang theo dõi sát sao diễn biến của bão để triển khai các phương án khắc phục sau khi bão đổ bộ.
Nhiều nơi ở tỉnh Quảng Ninh mất điện do bão đổ bộ
Trên đảo Cô Tô, ghi nhận ban đầu cho thấy nhiều cây xanh ven đường và cây ăn quả trên toàn huyện bị nghiêng ngả, gãy đổ. Nhiều mái tôn bị tốc bay, 4 tàu xi măng trong khu âu cảng Cô Tô bị đắm. Trước khi bão vào, từ đêm 6-9 đến rạng sáng 7-9, huyện Cô Tô đã kịp di dời gần 800 người dân đến nơi trú ẩn an toàn.
Dự báo hướng đổ bộ của bão số 3 (Yagi) theo nhận định của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản gần trưa 7-9
Đến 11 giờ trưa, tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) cũng bị mất điện. Lúc 9 giờ 20 sáng 7-9, thống kê tại huyện Vân Đồn cho thấy nhiều cây xanh trên các tuyến đường liên xã và tuyến phố bị gãy đổ. Toàn bộ các xã trên tuyến đảo đều bị mất điện.
Một số hình ảnh tại Quảng Ninh trưa 7-9 khi bão bắt đầu đổ bộ:
Tâm bão đang áp sát đất liền (cập nhật vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 7-9)
Cập nhật tại Hải Phòng vào hồi 10 giờ 40 phút, gió rít mạnh hơn, cây cối nghiêng ngả... nhưng vẫn đang là gió Tây. Theo các chuyên gia khí tượng, điều này cho thấy, tâm bão chưa vào đất liền.
Biển Đồ Sơn ở Hải Phòng cuộn sóng trước khi bão vào. Ảnh: VĂN PHÚC
Trao đổi với báo chí vào hồi 9 giờ sáng 7-9, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, bão vẫn duy trì sức gió cấp 14 khi đang trên đường tiến vào đất liền Bắc bộ.
Chuyên gia khí tượng Nguyễn Văn Hưởng khuyến nghị người dân Hà Nội không nên ra đường chiều nay 7-9
Còn theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, bão số 3 đang tiến sát vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Ninh. Tính đến 10 giờ 20 phút ngày 7-9-2024, gió mạnh đã được ghi nhận tại một số địa phương như: Cô Tô (Quảng Ninh) đạt cấp 12, giật cấp 15; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; TP Hải Phòng cấp 7, giật cấp 9; Thái Bình cấp 7, giật cấp 10 và TP Hải Dương cấp 6, giật cấp 8.
Ông Nguyễn Văn Hưởng dự báo từ trưa đến chiều nay, tâm bão vào bờ, có thể gây gió mạnh cấp 10-12 tại khu vực Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, ảnh hưởng sâu hơn đến các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Tại Hà Nội, từ chiều và tối nay, bão có thể gây gió giật cấp 6 đến cấp 10, kèm theo mưa lớn với lượng mưa từ 150mm đến 350mm.
Cây đổ trong mưa bão tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) sáng 7-9. Ảnh: Báo Quảng Ninh
“Người dân hạn chế ra đường, đề phòng rủi ro do dông lốc và mưa lớn gây ra; gió mạnh có thể làm gãy đổ cây cối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khỏe của người dân" ông Hưởng cảnh báo.
Cây đổ đè bẹp nhiều xe ô tô tại Hà Nội trong cơn dông lốc chiều 6-9. Ảnh: MXH
Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) vừa thông báo tạm dừng vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội để tránh bão số 3.
Thời gian tạm dừng hoạt động 2 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội bắt đầu từ lúc 13 giờ ngày 7-9. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.
Đây là tình huống nằm trong quy trình vận hành và kịch bản ứng phó với các diễn biến bất thường của đường sắt đô thị Hà Nội. Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão của đơn vị sẽ kích hoạt phương án ứng phó trong các trường hợp cần thiết.
Trong điều kiện mưa bão, các đoàn tàu của 2 tuyến metro sẽ chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công để điều chỉnh cho phù hợp. Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ phải ngừng chạy nếu gió vượt quá cấp 8; ngưỡng chịu gió của tàu Nhổn - Cầu Giấy là cấp 11. Đồng thời, các tuyến xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đang dừng dần. Các lượt xe còn vận hành trên đường khi về đầu bến sẽ tạm dừng cho đến khi có thông báo mới.
Hiện khu vực Hà Nội đang có gió rất mạnh, có nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện còn lưu thông trên đường.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, mưa bão kéo dài khiến mực nước hồ Đại Lải (TP Phúc Yên) đã lên tới cao trình +20,60m và đang tiếp tục dâng lên do nước lũ dồn về.
Để chủ động trong công tác ứng phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các đơn vị chức năng của TP Phúc Yên bắt đầu từ 13 giờ chiều nay 7-9 tiến hành xả tràn nước hồ Đại Lải xuống dưới mức Cote+20,00m để đón lũ; lưu lượng xả từ 20m³/giây đến 100m³/giây tùy theo diễn biến tình hình mưa, lũ.
Theo dự báo, khoảng 18 giờ chiều nay 7-9, bão số 3 mới ảnh hưởng trực tiếp Hà Nội, nhưng qua ghi nhận của phóng viên, từ 15 giờ chiều nay, tại Hà Nội mưa đã rất to, gió giật mạnh.
Mưa bão và gió lớn không chỉ ảnh hưởng đời sống người dân mà đã gây khá nhiều thiệt hại.
Theo báo cáo cập nhật sơ bộ từ Bộ NN-PTNT, bão số 3 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh ở miền Bắc, trọng điểm là tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Hiện tại, số liệu thiệt hại vẫn đang được các địa phương thống kê.
Cập nhật số liệu đến 17 giờ từ Bộ NN-PTNT, bão số 3 đã làm 4 người thiệt mạng (Quảng Ninh 3 người, Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).
Ngoài ra, 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyền Trang 02 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt.
Sau công điện ngày 4-9 về chủ động ứng phó bão số 3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục có Công điện số 1188/CĐ-BGDĐT gửi giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc tăng cường ứng phó với cơn bão số 3.
Theo đó, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng, Chính phủ, Bộ GD-ĐT về phòng chống bão số 3. Căn cứ tình hình thực tế ở địa phương cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão.